Ngày nay, trong thời đại “ngập lụt thông tin”,  nhiều người nghĩ rằng việc tìm hiểu về một nhân vật như Leonardo Da Vinci là quá dễ dàng, nhưng quá nhiều thông tin cũng chưa chắc mang lại nhiều lợi ích hơn là quá ít thông tin. Quá ít thông tin sẽ làm chúng ta mơ hồ, nắm bắt rời rạc, không đầy đủ thì với việc quá nhiều thông tin sẽ khiến chúng ta dễ xao nhãng và lạc lối. Lúc này, chúng ta cần một người dẫn đường tin cậy. Đó chính là Walter Isaacson.

Đây là bản dịch thứ 4 (sau Einstein – Cuộc đời và vũ trụ  , Những người tiên phong (The Innovators)  và Tiểu sử Steve Jobs ) của Walter Isaacson mà tôi có may mắn được sở hữu và đọc. Thông qua các tác phẩm đã đọc, tôi nhận thấy tác giả Walter Isaacson có một niềm say mê đặc biệt trong việc tìm hiểu các nhân vật (Einstein, Steve Jobs, nhiều nhân vật trong cuốn Những người tiên phong và nhân vật vĩ đại trong cuốn sách này – Leonardo Da Vinci) có trí tưởng tượng phong phú, khả năng suy nghĩ khác biệt và đặc biệt hơn, họ là những con người đã gắn kết được cả nghệ thuật và khoa học, nhân văn và công nghệ.

Và như lời giới thiệu của chính tác giả Walter Isaacson, Leonardo Da Vinci chính là đỉnh cao tột bậc trong sự nghiệp khám phá những thiên tài sáng tạo của mình. Vậy Leonardo Da Vinci là ai mà khiến Walter Isaacson xem là “đỉnh cao tột bậc” trong các thiên tài sáng tạo?

Khi nghe đến Leonardo Da Vinci, chúng ta thường liên tưởng ngay đến một họa sĩ thiên tài với những tác phẩm hội họa nổi tiếng như Người Vitruvius

Da Vinci Vitruve Luc Viatour.jpg

Nguồn Wikipedia

hay nổi tiếng nhất là Mona Lisa

Mona Lisa, by Leonardo da Vinci, from C2RMF retouched.jpg

Nguồn Wikipedia

và chúng ta cũng được biết rằng, ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một nhà văn, nhà tổ chức biểu diễn và lễ hội, nhà khoa học, một kỹ sư, nhà sáng chế, nhà giải phẫu học, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, nhà thực vật học và nhạc sĩ. Ông được coi là hình mẫu lý tưởng và biểu tượng tiêu biểu của con người thời Phục hưng, một thiên tài toàn năng, triết gia nhân văn, người quan sát và thực nghiệm bằng trực giác thiên phú và trí tò mò đi đôi với năng lực sáng tạo vô hạn.

Trong lời giới thiệu, Walter Isaacson công nhận Leonardo Da Vinci là một thiên tài nhưng tác giả cũng rất thận trọng khi gán nhãn hai từ này cho ông (hay một ai đó) vì điều đó cũng đồng nghĩa với một sự hạ thấp khi khoác lên Leonardo một sức mạnh thần thánh nào đó. Trên thực tế, từ cuốn sách này, chúng ta thấy được tài năng của Leonardo là tinh hoa của con người, có được nhờ ý chí và tham vọng của chính ông. Và đây là điều chúng ta có thể học hỏi được từ Leonardo.

Đứa con của thời đại

Có thể nói, bên cạnh tài năng xuất chúng, Leonardo đã rất may mắn. Ông may mắn vì được sinh ra đúng thời đại mình đang sinh sống.

Leonardo Da Vinci sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng ông là con ngoài giá thú. Điều này có thể là một sự không may của Leonardo về mặc thừa kế và các vấn đề pháp lý khác nhưng đó cũng là một may mắn trong thời đại lúc này. Với việc là con ngoài giá thú, Leonardo không bị vướng bận với trách nhiệm gánh vác truyền thống gia đình – một việc không hề phù hợp với tính cách rất dễ nhàm chán và mất tập trung của ông. Nhờ đó, Leonardo mới có thể cùng lúc được tận hưởng những năng lực bẩm sinh nổi trội kế thừa từ di sản của gia đình, đồng thời tự do theo đuổi niềm đam mê sáng tạo của riêng mình.

Mặc dù là con ngoài giá thú, nhưng Leonardo cũng rất may mắn khi được kế thừa danh tiếng từ gia đình cùng với những quy định của thời đại mình. Ở tuổi 30 ông có chút thành công với vai trò họa sĩ nhưng cũng bị mất uy tín nghiêm trọng bởi tính cách hay nhàm chán, xao nhãng, mất tập trung nên rất nhiều đơn đặt hàng vẽ tranh đã không thể hoàn thành (Một nguyên nhân khác khiến nhiều bức tranh không được hoàn thành đúng hạn sẽ được lý giải từ cuốn sách). Nhờ chút danh tiếng cộng với mối quan hệ gia đình, ông được chuyển đến cung đình Milan với vai trò một người dàn dựng các buổi biểu diễn giải trí và chính nhờ chuyển đến Milan mà ông có cơ hội, có môi trường để các tài năng được phát tiết tột bậc.

Leonardo Da Vinci cũng là một người đồng tính và ông không hề che dấu điều này. Ông say mê một cậu bé – người trợ lý, người mẫu – tên Salai (và có lẽ nhiều thanh niên tráng kiện khác) cho đến cuối đời. Thời Phục hưng tuy không công khai nhưng cũng không khắc khe, nếu không muốn nói là dung dưỡng, với các mối quan hệ đồng tính vì chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Plato. Đồng tính, ở một khía cạnh nào đó, lại thăng hoa quá trình sáng tạo của Leonardo (và rất nhiều nhân vật kiệt xuất khác cùng thời). Nếu Leonardo sinh trong thế kỷ 20 thì kết cục số phận sẽ bi thảm như nhà khoa học người Anh – người được xem là cha đẻ của khoa học máy tính –Alan Turing  hay nhà văn Ireland kiệt xuất Oscar Wilde .

Con người và Sáng tạo

Qua cuốn sách của Walter Isaacson, Leonardo hiện ra với hình ảnh là một con người thuần túy, với nhiều tầng bậc đa dạng trong tâm hồn, cảm xúc, tính cách một cách đơn sơ, gần gũi, chân thực và sống động.

Cuốn sách cũng cung cấp cách thức tư duy, học hỏi, tìm tòi của Leonardo Da Vinci để giúp chúng ta hiểu được tại sao ông được coi là thiên tài toàn năng nhất, đồng thời, cuốn sách cũng chỉ ra những cách thức này có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai và chúng ta có thể học hỏi được.

Cuốn sách là nguồn tri thức uyên thâm, lý giải một cách sâu sắc về những thành tựu sáng tạo của Leonardo Da Vinci. Những bức tranh của Leonardo như Người Vitruvius  , Mona Lisa  đã quá nổi tiếng nhưng tại sao chúng lại nổi tiếng như vậy? Những công trình, những nghiên cứu, ghi chép gì đã khiến hậu thế ca tụng Leonardo là một thiên tài không những trong hội họa mà còn với tư cách một kỹ sư, nhà khoa học, nhà sáng chế, nhà giải phẫu học, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, nhà thực vật học, v.v.

Bài học

Trước khi kết thúc cuốn sách, tác giả Walter Isaacson cũng đã kịp chia sẻ cho độc giả một danh sách các bài học có thể rút ra từ Leonardo Da Vinci. Mỗi người đọc tùy theo tuổi tác, trình độ, thể tạng tinh thần mà cảm nghiệm cuốn sách và rút ra những điều hữu ích sẽ khác nhau nhưng danh sách của Walter Isaacson cũng là một danh sách giá trị, đáng tham khảo vì suy cho cùng, ông chính là người đã tìm tòi, khám phá về Leonardo Da Vinci, theo cá nhân tôi, một cách sâu sắc nhất.