Công ty nghìn tỷ

Apple chính thức trở thành công ty Mỹ đầu tiên có giá trị nghìn tỷ USD vào đầu tháng 8/2018. Bí quyết do đâu? CEO Tim Cook đã tuyên bố trong một hội nghị sau khi tiếp nhận Apple từ Steve Jobs:

Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi hiện diện trên trái đất này để làm ra những sản phẩm tuyệt vời, và điều đó sẽ không thay đổi. Chúng tôi vẫn không ngừng đổi mới. Chúng tôi tin vào vào sự đơn giản, chứ không phải những thứ phức tạp. Chúng tôi tin rằng chúng tôi cần phải sở hữu và kiểm soát những công nghệ hàng đầu đằng sau những sản phẩm mà chúng tôi tạo ra, và chỉ thâm nhập vào những thị trường mà chúng tôi có thể mang lại những đóng góp quan trọng. Chúng tôi tin tưởng khi nói “Không” với hàng nghìn dự án để có thể thực sự tập trung vào một số ít những dự án có tầm quan trọng và ý nghĩa đích thực đối với mình. Chúng tôi tin tưởng vào những gắn bó sâu sắc và sự kết hợp của các nhóm làm việc của mình, điều này cho phép chúng tôi sáng tạo theo những cách mà người khác không thể có. Và, một cách thẳng thắn, chúng tôi sẽ không dừng lại vì bất kỳ điều gì trừ sự xuất sắc của từng nhóm làm việc ở công ty này. Chúng tôi có lòng chân thật để dám thừa nhận khi làm sai và có tinh thần dũng cảm để thay đổi. Và tôi nghĩ rằng, bất kể ai làm công việc này, những giá trị đó đều khắc sâu trong công ty mà Apple sẽ làm vô cùng tốt.

Vâng, chính xác đây là những lời của Tim Cook mà thậm chí báo giới đã phong tặng là “học thuyết Cook”. Nhưng những người yêu Apple và ngay cả chính Cook cũng biết rằng, những giá trị cốt lõi như “đơn giản là tối thượng”, “tư duy khác biệt”, “sự tập trung”,v.v. để biến công ty Apple trở thành công ty nghìn tỷ đầu tiên được tạo ra bởi “cha đẻ” của nó, Steve Jobs.

Tiểu sử

Steve Paul Jobs sinh ngày 24/02/1955, là con nuôi của Paul Jobs – một thợ cơ khí bỏ học từ cấp 3 nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với máy móc, và Clara Hagopian – một kế toán viên. Cuộc đời của Steve Jobs có thể chia thành 4 giai đoạn:

Trước khi sáng lập Apple

Chịu ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa, xã hội những năm 60-70 ở Mỹ, Steve Jobs là một “kẻ nổi loạn”, bỏ học và chỉ chọn học một vài môn yêu thích như vật lý, viết chữ nghệ thuật. Ông là một người ăn chay nhiệt thành, ít khi tắm, say mê nghiên cứu thiền định và dùng chất gây ảo giác LSD như là một cách để đạt đến sự giác ngộ.

Jobs thời trẻ (nguồn Internet)

Sáng lập Apple

Với khát vọng mang những chiếc máy tính cá nhân đến với mọi người, Steve Jobs và Steve Wozniak đã sáng lập công ty máy tính Apple vào năm 1976. Những ngày đầu, nguồn sống chính của Apple là các sản phẩm Apple I, Apple II – những đứa con sáng tạo của Wozniak và Jobs không hạnh phúc với điều đó. Ông luôn tham vọng tạo ra cho riêng mình một sản phẩm có thể làm thay đổi cả nền công nghiệp máy tính và Macintosh – chiếc máy tính nhỏ gọn với giao diện đồ họa tinh tế – đã ra đời. Macintosh đã biến Apple trở thành công ty công nghệ hàng đầu và biến Jobs trở thành triệu phú khi mới 25 tuổi. Sự phát triển của Apple vượt quá khả năng quản lý của Steve Jobs và Jobs đã mời John Sculley từ Pepsi bằng một câu thuyết phục nổi tiếng: “Anh muốn dành cả phần đời còn lại để bán nước ngọt có ga hay muốn có một cơ hội cùng tôi thay đổi thế giới?

Jobs và chiếc Macintosh (nguồn Internet)

Tuy nhiên sau đó, Jobs và Sculley ngày càng bất đồng về tầm nhìn, về cách quản lý, và Jobs đã phải rời khỏi Apple vào năm 1985 sau một âm mưu đảo chính bất thành.

Jobs và Sculley (nguồn Internet)

Sáng lập NeXT và phát triển Pixar

Khi rời khỏi Apple, Jobs sáng lập công ty NeXT chuyên cung cấp các dòng máy tính phục vụ nghiên cứu tại các trường đại học. Với niềm đam mê thiết kế và đồ họa, Jobs đã mua lại xưởng phim của George Lucas vào tháng Giêng năm 1986 về sau đổi tên thành hãng phim Pixar và biến nó trở thành hãng phim thiết kế đồ họa hàng đầu thế giới, cạnh tranh trực tiếp với Walt Disney với các sản phẩm đình đám như Toy Story,…Ngày 24 tháng 1 năm 2006, Disney đã mua lại Pixar và Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của Disney.

Jobs và NeXT (nguồn Internet)

NeXT không thành công như Pixar nhưng những con người và những nền tảng công nghệ nó đang phát triển sẽ đóng vai trò trọng tâm cho sự phát triển các sản phẩm của Apple sau này.

Trở lại Apple

Apple đang trên đà phá sản và Jobs đã trở lại khi Apple mua lại NeXT vào năm 1996. Với chiến lược trọng tâm là biến chiếc máy tính cá nhân trở thành trung tâm kỹ thuật số, một loạt các sản phẩm đình đám ra đời như iMac, iPod, iTune, iPhone, iPad. Jobs cũng đã tạo ra chuỗi cửa hàng bán lẻ Apple, thay đổi nền công nghiệp âm nhạc và cả công nghiệp xuất bản.

Jobs và iPhone (nguồn Internet)

Ngày 05/10/2011, Jobs qua đời với nhiều dự định còn dang dở. Tim Cook đã kế thừa những di sản vĩ đại từ Jobs và phát triển Apple trở thành công ty nghìn tỷ vào đầu năm 2018.

Sự sáng tạo, tình yêu và cái chết

Vào tháng 6/2005, Jobs đã có một bài phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp của trường Standford. Đây là một trong những bài diễn văn tốt nghiệp tinh tế, đơn giản, thuần khiết và duyên dáng nhất từ trước tới nay. Jobs bắt đầu bài diễn văn kinh điển của mình một cách nhẹ nhàng:

Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn ba câu chuyện trong đời tôi. Chỉ thế thôi. Không có gì to tát. Chỉ là ba câu chuyện.

Chuyện thứ nhất là về sự sáng tạo hay việc kết nối các dấu chấm (kết nối các sự kiện):

Tất nhiên, chúng ta không thể kết nối các dấu ấn tương lai, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó – sự can đảm, số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì – cách nghĩ đó đã tạo nên những sự khác biệt trong cuộc đời tôi.

Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát:

Tôi khá chắc chắn rằng những điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Nó như một liều thuốc đắng và kinh khủng, nhưng bệnh nhân cần nó. Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin. Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu chưa nhận ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Như mọi mối quan hệ trong cuộc đời, nó sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn qua từng năm.

Và câu chuyện thứ ba là những trải nghiệm khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư:

Việc biết rằng mình sắp chết là công cụ quan trọng nhất mà tôi từng sở hữu để giúp bản thân ra những quyết định lớn trong đời. Vì hầu hết mọi thứ – mọi kỳ vọng bên ngoài, mọi sự kiêu hãnh, mọi nỗi sợ xấu hổ hay thất bại – đều gục ngã khi đối mặt với cái chết, chỉ còn lại những thứ thật sự quan trọng. Việc nhớ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi từng biết để tránh rơi vào chiếc bẫy suy nghĩ rằng bạn sẽ đánh mất thứ gì đó. Bạn đã trần trụi. Không còn lý do nào ngăn cản bạn lắng nghe con tim mình.

Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ

Thiên tiểu thuyết về chiến công của Steve Jobs là câu chuyện thần thoại được tạo ra và thừa nhận như một sự thật hiển nhiên tại thung lũng Silicon: khởi sự một doanh nghiệp trong chính gara của bố mẹ và biến nó thành công ty giá trị nhất thế giới. Thẳng thắn mà nói, ông không sáng tạo ra nhiều thứ nhưng lại là bậc thầy trong việc kết nối các ý tưởng, nghệ thuật và công nghệ theo cách thức mà sẽ sáng tạo ra tương lai. Ông đã thiết kế Mac sau khi đánh giá sức mạnh của giao diện đồ họa theo cách mà Xerox đã không thể làm được, và sau đó tạo ra iPod khi thấu hiểu niềm vui sướng của con người nếu có được hàng nghìn bài hát trong túi của mình, nhưng theo cách thức mà Sony – nơi có đầy đủ tiềm lực và di sản – không thể hoàn thành. Một số nhà lãnh đạo thúc đẩy sự cải tiến bằng cách làm cho bức tranh tổng thể trở nên tốt đẹp hơn. Những người khác lại làm điều đó bằng cách làm chủ những vấn đề chi tiết. Jobs thì làm cả hai, liên tục không ngừng nghỉ. Kết quả là ông đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm đã thay đổi tất cả mọi lĩnh vực như Macintosh, iPod, iTune Store, iPhone, iPad, iCloud,…

Vì thế, Steve Jobs trở thành nhà điều hành doanh nghiệp vĩ đại nhất thời đại, người sẽ được công chúng ghi nhớ lâu nhất và nhiều nhất trong một thế kỷ nữa kể từ thời điểm này. Ông đã truyền vào ADN của Apple tính nhạy cảm đối với các thiết kế, chủ nghĩa hoàn hảo và sáng tạo đã khiến cho nó có được tên tuổi như hôm nay, thậm chí hàng thập kỷ sau trong sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và công nghệ.