Nếu bạn đã từng mê mẩn với cuộc phiêu lưu triết học của cô bé Sophie trong tác phẩm Thế giới của Sophie thì đây là một tác phẩm thú vị không kém. Về mặt cá nhân, tôi xem cuốn sách này như một phiên bản Châu Á của Thế giới của Sophie.

Thế giới của Sophie là hành trình qua 3000 năm triết học phương Tây từ thời cổ đại, thời trung cổ, thời phục hưng, thời Ba rốc, thế kỷ ánh sáng, chủ nghĩa lãng mạn đến thời hiện đại thông qua các đoạn đối thoại giữa nhân vật chính Sophie và một người đàn ông bí ẩn tên là Alberto Knox, đan xen với các tình tiết ngày càng bí hiểm và kỳ quặc hơn.

Với Tôi là Nietzsche. Tôi đến đây để gặp em cũng lại là hành trình khám phá triết học phương Tây nhưng chỉ giới hạn trong Chủ nghĩa hiện sinh  – Một trào lưu triết học đã làm mưa làm gió khắp thế giới vào những năm 1960 – 1970 (Ở Việt Nam nhiều tên tuổi lớn như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, v.v. cũng bị ảnh hưởng trào lưu này theo những mức độ khác nhau). Những tượng đài vĩ đại của Chủ nghĩa hiện sinh như Nietzsche, Kierkegaard, Schopenhauer, Sartre, Heidegger và Jaspers sẽ xuất hiện dưới những hình hài của những con người phàm trần để diễn giải những triết lý của họ cho một cô gái tên Kojima Arisa – một thiếu nữ 17 tuổi đang thất tình và bất mãn với gia đình – một cách đơn giản, nhẹ nhàng, giữa lòng Kyoto (Nhật Bản) cổ kính.

Triết học hiện sinh là triết học cuộc sống. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều giải thích triết học về những vấn đề bình thường trong cuộc sống như chúng ta phải có thái độ thế nào khi thất tình hay khi bất mãn với gia đình, vì sao người ta lại thích thú “selfie” trên các mạng xã hội, hay tại sao người ta thích gia nhập các nhóm, đoàn, thích xem người khác nghĩ gì về mình, v.v. Một vài đoạn trích:

Nếu luôn cố gồng mình để hòa hợp với mọi người như một thói quen, năng lực tư duy của bản thân kiểu gì cũng giảm sút. Thói quen giúp đầu ngón tay trở nên nhanh nhạy, nhưng lại khiến tư duy thành ra chậm chạp và kém cỏi…

Nếu em muốn sở hữu một vật nhưng lại không thể có được, em sẽ coi vật đó là không tốt, hạ thấp giá trị vật mình từng muốn và tự cho rằng còn nhiều thứ quan trọng hơn.

Không phải chỉ biết theo đuổi lý tưởng hay mục tiêu. Nhận thức về vị trí hiện tại của bản thân, vạch xuất phát nơi chính mình đang đứng. Hòa chung với những thứ đó và yêu thương chúng. Đó chính là tình yêu dành cho số phận. Nếu không, con người sẽ bị trói buộc giữa được và mất, phủ định cuộc đời vì những điều bản thân không thể có được.

Cảm động là thứ cảm xúc không rõ ràng. Tuy nhiên, trong đó cũng có loại cảm động mà con người nên theo đuổi….Loại cảm động mà ta nên theo đuổi khi còn sống và tồn tại là ý chí hướng đến sức mạnh, khiến sức mạnh của bản thân ở mức lớn nhất, loại cảm động mà con người cảm nhận được khi khả năng của bản thân được phát triển, được lớn lên.

Tôi không có hứng thú với việc chứng thực xem các vị thần có tồn tại hay không. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu tin là có các vị thần đang dõi theo cuộc sống của mình, chúng ta sẽ có thể sống thật nghiêm túc. Vì thế, tôi muốn tin vào sự tồn tại của các vị thần, và tôi tin như thế. Nếu bạn hỏi rằng tôi đang muốn nói cái gì, thì đó là tôi đang theo đuổi một chân lý, rằng bản thân sống như thế nào và vì cái gì.

Không dành thời gian cho cuộc đời của mình mà đi đố kỵ với cuộc đời người khác. Nếu sống mà không mang nhiệt huyết, thế giới của bản thân sẽ bị lòng đố kỵ chi phối.

Con người không bất an với những thứ mà biết chắc chắn rằng mình không thể làm được hoặc chẳng thể với tới. Thế nhưng, chúng ta bị bao vây trong nỗi bất an với những thứ dường như có khả năng đạt được…Nhưng phạm vi lựa chọn tăng không có nghĩa là cuộc sống của ta hoàn toàn được trở nên đủ đầy, viên mãn. Phàm là con người, nếu có thể mua được mọi thứ, đột nhiên những thứ mà bản thân đã từng muốn cho đến bây giờ sẽ trở nên mờ nhạt, nếu có thể đi tới bất cứ đâu, việc đi ấy sẽ trở thành phiền phức…

Sự nghèo nàn về tinh thần sẽ kéo theo sự nghèo nàn về vật chất. Dù có cố gắng phủ lấp những trống rỗng trong tâm hồn bằng vật chất đến thế nào, đó cũng là chuyện không thể nào thực hiện được.

…không phải là chìm đắm vào kế sinh nhai hàng ngày hay những chuyện trước mắt, hãy tự giác nhận thức về tính hữu hạn của sinh mệnh, bắt đầu đếm ngược từ tương lai, tạo ra một cái tôi không ai có thể thay thế. Chính bởi có sự thật là cái chết sẽ đến, nên phải đối diện thẳng thắn với thực tại.

Thông điệp cuốn sách mang lại (tất nhiên từ Nietzsche) đó là mỗi cá nhân hãy không ngừng tự thân suy ngẫm và không chấp nhận một cách thụ động:

Đọc sách và lắng nghe câu chuyện của người khác chính là hành động sử dụng cái đầu của người khác để biết được cái gì đó. Tiếp nhận tri thức đó cho bản thân, thử suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình, để từ đó suy nghĩa của bản thân được sinh ra. Suy nghĩ không phải là việc gì thú vị. Tuy nhiên, hãy không ngừng tìm kiếm câu trả lời với toàn bộ khả năng của bản thân.