Giới thiệu

Trong khoảng hơn một thập kỷ tính từ đầu những năm 1970, mạng và máy vi tính cá nhân phát triển độc lập với nhau. Đến cuối thập kỷ 80, chúng mới bắt đầu xích lại gần nhau với sự xuất hiện của thiết bị điều giải (modem), các dịch vụ trực tuyến và Web. Cũng giống như sự kết hợp giữa động cơ hơi nước và những loại máy móc khác đã dẫn đến cuộc Cách mạng công nghiệp, sự kết hợp giữa máy vi tính và các mạng phân tán đã dẫn đến cuộc Cách mạng kỹ thuật số, cho phép bất cứ ai cũng có thể sáng tạo, truyền bá và truy cập bất cứ thông tin nào ở bất cứ nơi đâu.

Trên thực tế, hầu hết các phát minh của thời đại kỹ thuật số đều được tạo ra qua con đường hợp tác với sự tham gia của rất nhiều nhân vật thú vị. Cuốn sách này sẽ kể về cách thức họ phối hợp với nhau, đồng thời lý giải tại sao khả năng làm việc nhóm lại giúp họ trở nên sáng tạo hơn nữa.

Nguồn gốc của sự sáng tạo và phát triển trong thời đại kỹ thuật số

Từ các câu chuyện về những phát minh đã tạo ra thời đại kỹ thuật số, chúng ta có thể rút ra các bài học về quá trình sáng tạo và sự phát triển:

  • Sáng tạo là một quá trình hợp tác. Các phát minh thường được tạo ra bởi các đội ngũ hơn là một khoảnh khắc lóe sáng của một thiên tài đơn độc. Nổi bật như nhiều nhà phát minh đã tạo ra Internet và máy vi tính.
  • Dường như thời đại kỹ thuật số đã tạo ra sự thay đổi hoàn toàn, nhưng nó dựa trên việc phát triển các ý tưởng được truyền lại từ thế hệ trước. Đây không chỉ là sự hợp tác của những người đương thời mà còn là sự hợp tác giữa cá thế hệ.
  • Mặc dù mạng Internet cung cấp công cụ cho việc hợp tác ảo và từ xa, nhưng ngày nay cũng như trong quá khứ, một bài học khác từ cuộc cải cách trong thời đại kỹ thuật số là khoảng cách gần gũi sẽ có lợi.
  • Xuyên suốt lịch sử, sự lãnh đạo tốt nhất đến từ những nhóm nghiên cứu kết hợp giữa những con người với những phong cách bổ sung cho nhau. Một điểm cốt lõi khác dẫn đến việc tạo ra một nhóm tuyệt vời là những người có tầm nhìn làm việc theo cặp, họ có thể tạo ra các ý tưởng cùng với những nhà quản lý điều hành, những người có thể thực hiện những ý tưởng đó. Larry Page và Sergey Prin, Steve Jobs và Steve Wozniak, Robert Noyce và Gordon Moore, v.v. là những ví dụ.
  • Có ba cách mà các nhóm nghiên cứu kết hợp với nhau trong thời đại kỹ thuật số. Cách thứ nhất là thông qua sự điều phối và ngân sách chính phủ. Đó là cách tổ chức của các nhóm chế tạo ENIAC hay mạng tiền thân của Internet là ARPARNET. Cách thứ hai là thông qua các doanh nghiệp tư nhân và Intel, Microsoft, Google, v.v. là những công ty hình thành theo cách này. Xuyên suốt thời đại lịch sử đã xuất hiện cách thứ ba, đó là sự sáng tạo hợp tác được tổ chức thông qua các cá nhân ngang hàng tự do chia sẻ những ý tưởng và đóng góp như một phần của một nỗ lực tự nguyện chung. Sự sáng tạo ra Web, Wikipedia, Linux, GNU, v.v. là những ví dụ điển hình.
  • Giai đoạn tiếp theo của của cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều hơn những phương pháp mới để kết hợp công nghệ với những ngành công nghiệp sáng tạo như thời trang, giải trí, giáo dục, văn học, nghệ thuật. Sự tương tác giữa công nghệ và nghệ thuật sẽ dẫn đến những hình thức hoàn toàn mới của sự biểu đạt và các định dạng của truyền thông.

Lời kết

Sự sáng tạo và phát triển có thể tóm tắt trong một hình ảnh ẩn dụ thật đẹp:

Quá trình phát triển của công nghệ cũng giống như việc xây dựng một thánh đường vậy. Trải qua chặng đường vài trăm năm, những người mới xuất hiện và mỗi người lại đặt xuống một tảng đá lên trên nền móng cũ, và từng người sẽ nói: “Tôi đã xây một thánh đường.” Tháng sau nữa, một tảng đá khác sẽ lại được đặt chồng lên tảng đá trước. Thế rồi một nhà sử học xuất hiện và hỏi: “Ai đã xây nên thánh đường này?” Peter đã đặt một vài tảng đá ở đây, còn Paul bổ sung vài tảng đá khác chỗ kia. Nếu không cẩn thận, có thể bạn sẽ tự lừa mình mà tin rằng mình là người thực hiện phần quan trọng nhất. Nhưng thực tế là mỗi sự đóng góp đều phải bám vào những công trình trước đó. Mọi thứ đều được đan chéo lại với nhau.