Lời nói đầu
Trong những năm tháng cuối đời của Einstein, có lần Sở Giáo dục Tiểu bang New York đã hỏi ông rằng các trường học nên chú trọng điều gì. Ông trả lời: “Khi dạy sử, nên bàn luận kỹ về những nhân vật mang lại lợi ích cho nhân loại qua sự độc lập của tính cách và phán đoán.” Ông chính là một trong những nhân vật đó.
Thành công của Einstein đến từ việc hoài nghi những hiểu biết thông thường, thách thức quyền uy và biết kinh ngạc trước những điều bí ẩn mà người khác cho là tầm thường. Điều này giúp ông theo đuổi một nguyên tắc đạo đức và chính trị dựa trên sự tôn trọng dành cho những trí tuệ tự do, tinh thần tự do và cá nhân tự do. Ông cự tuyệt chế độ bạo quyền, và ông thấy rằng sự khoan nhượng không chỉ là một đức tính hiền lành mà còn là điều kiện cần thiết cho một xã hội sáng tạo. Ông nói: “Nuôi dưỡng tính cá nhân rất quan trọng vì chỉ có cá nhân mới có thể đưa ra những ý tưởng mới mẻ.”
Cách nhìn này khiến Einstein trở thành một kẻ nổi loạn biết tôn kính sự hài hòa của tự nhiên, một người có sự hòa hợp đúng đắn trí tưởng tượng và trí tuệ để thay đổi hiểu biết của chúng ta về vũ trụ. Đây là những tính cách có ý nghĩa sống còn trong thế kỷ toàn cầu hóa ngày nay, khi mà sự thành công phụ thuộc vào tính sáng tạo.
Học hành
Có một chuyện về Einstein mà nhiều người tin: ông từng trượt môn toán hồi còn đi học, khẳng định này có trong vô số cuốn sách và hàng nghìn trang web, kèm theo câu, “như mọi người đều biết”, với mục đích trấn an những học sinh kém. Thời thơ ấu của Einstein quả thật mang đến cho lịch sử nhiều chuyện kỳ lạ, thú vị, nhưng rất tiếc, đây không phải là một trong số đó. Chẳng những ông chưa từng trượt, mà còn “vượt xa yêu cầu của trường”. Năm 1935, một giáo sĩ Do Thái ở Princeton đưa cho Einstein xem bài báo có tiêu đề: “Nhà toán học vĩ đại nhất hiện còn sống từng trượt môn toán”. Ông phá lên cười. “Tôi chưa bao giờ trượt môn toán,” ông đáp một cách thành thật. “Chưa đến 15 tuổi, tôi đã thành thạo các phép tính vi phân và tích phân rồi kia mà.”
Trong một bài thi tiếng Pháp có tên “những kế hoạch của tôi trong tương lai”, ông đã thể hiện rõ chí hướng của mình:
Nếu tôi may mắn và vượt qua kỳ thi này, thì tôi sẽ vào được trường Bách khoa Zurich. Tôi sẽ ở đó bốn năm để học toán và vật lý. Tôi dự định sẽ trở thành một giáo viên về các môn khoa học này, và chọn mảng lý thuyết của các môn đó.
Sau đây là những lý do đưa tôi đến với kế hoạch này. Trên hết là năng lực cá nhân của tôi đối với tư duy trừu tượng và tư duy toán học. Những mong muốn của tôi cũng dẫn tôi đến với quyết định như vậy. Điều đó hoàn toàn tự nhiên. Mọi người đều mong muốn làm như thế nếu có năng lực. Ngoài ra, sự độc lập của nghề làm khoa học cũng cuốn hút tôi.
Einstein tốt nghiệp trường Cao đẳng Bách Khoa Zurich với điểm trung bình tốt nghiệp 4,9, đứng thứ 4 trong lớp…5 người. Mặc dù lịch sử bác bỏ huyền thoại hấp dẫn rằng ông bị trượt môn toán ở trường trung học, nhưng ít nhất nó cũng mang tới một điều thú vị rằng ông tốt nghiệp cao đẳng gần như thấp nhất lớp.
Trí tuệ
Lời giải thích mà bản thân Einstein thường đưa ra nhất cho những thành tựu trí tuệ của mình là tính tò mò. Như ông đã tuyên bố lúc cuối đời: “tôi không có tài năng gì đặc biệt, tôi chỉ tò mò đến mức thành đam mê mà thôi.”
Tính tò mò, trong trường hợp của Einstein, xuất phát không chỉ từ khao khát truy vấn những bí ẩn. Quan trọng hơn cả, nó xuất phát từ cảm giác kinh ngạc thường thấy ở trẻ nhỏ, cảm giác đã thôi thúc ông đặt câu hỏi về những khái niệm quen thuộc mà, như lời ông nói, “những người lớn bình thường chẳng bao giờ để tâm”.
Từ nhỏ, trí tò mò và óc tưởng tượng của Einstein đã được thể hiện chủ yếu qua lối tư duy hình ảnh – các hình ảnh tâm trí và các thí nghiệm tưởng tượng – hơn là lời nói.
Nếu chúng ta nhìn vào những gì Einstein làm thay vì nghe những gì ông nói, rõ ràng ông (như bất kỳ nhà khoa học chân chính nào) tin rằng thành tựu cuối cùng của bất cứ lý thuyết nào cũng phải là kết luận có thể chứng thực bằng kinh nghiệm và những kiểm tra thực nghiệm. Tuy nhiên, ông không hay bắt đầu bằng một tập dữ liệu thí nghiệm cần có một lời giải thích. Thay vào đó, ông thường bắt đầu bằng những tiên đề mà ông rút ra từ những hiểu biết của mình về thế giới vật lý. Điểm mạnh rất lớn của Einstein trên phương diện một nhà lý thuyết là ở chỗ ông có khả năng vượt trội so với các nhà khoa học khác khi đưa ra được cái mà ông gọi là “các tiên đề và nguyên lý tổng quát đóng vai trò là điểm khởi đầu.” Đó là một quá trình kết hợp trực giác và cảm giác cho những dạng được tìm thấy trong các dữ liệu thực nghiệm.
Phụ nữ, người thân, bạn bè
Trong suốt cuộc đời Einstein, những mối quan hệ của ông với nữ giới dường như bị những lực thật khó khắc chế tác động. Ông tin rằng, bản chất của đàn ông và đàn bà không phải là những người một vợ một chồng. Sức hút như nam châm và phong thái trầm mặc của ông cuốn hút phái nữ hết lần này đến lần khác. Dù ông thường tránh vướng vào những mối quan hệ ràng buộc nhưng đôi khi lại thấy mình bị hút vào vòng xoáy đam mê ngay cả khi ở bên Mileric Maric – người vợ đầu tiên hay Elsa – người vợ thứ hai.
Einstein thích khoác cho mình cái vẻ của một người đơn độc. Dù ông có tiếng cười dễ lan tỏa giống như tiếng tru của một chú hải cẩu, nhưng đôi khi tiếng cười này mang âm điệu đau thương hơn là ấm áp. Ông thích chơi nhạc theo nhóm, bàn luận ý tưởng, uống cà phê đặc và hút xì-gà. Nhưng có một bức tường vô hình chia cách ông với gia đình và bạn thân. Ông không thích bị ràng buộc, và ông có thể lạnh lùng với người thân trong gia đình. Thế nhưng ông yêu tình bạn của những người bạn trí thức và có những tình bạn lâu dài suốt cuộc đời. Ông ngọt ngào với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và tầng lớp xuất hiện trong tầm mắt của ông, ông hòa hợp với các nhân viên và đồng nghiệp, hiền từ đối với nhân loại nói chung. Miễn là mọi người không đòi hỏi nhiều hoặc là gánh nặng cảm xúc với ông, Einstein sẵn sàng vun đắp tình bạn hay tình cảm.
Nhà dân chủ
Xã hội lý tưởng của Einstein là một chủ nghĩa xã hội dân chủ có nền móng tự do, chống chuyên chế. Ông chủ trương bình đẳng, công bằng xã hội và cải cách chủ nghĩa tư bản. Ông là người bảo vệ quyết liệt những người yếu thế. Nhưng bất cứ nhà cách mạng nào nhắm đến khao khát thiết lập một chế độ chuyên chế, thì tình yêu bản năng mà Einstein dành cho tự do cá nhân sẽ thường khơi dậy trong ông một phản ứng bài trừ mạnh mẽ.
Điểm cơ bản nơi tư duy chính trị của ông là sự công nhận phẩm giá của cá nhân và bảo vệ tự do chính trị cũng như tự do tri thức.
Thượng đế của Einstein
Có người đã hỏi ông có tin vào Thượng đế hay không, ông trả lời: “Tôi không phải là một người vô thần. Vấn đề đó quá lớn lao đối với đầu óc hữu hạn của chúng ta. Chúng ta giống như một đứa trẻ bước vào một thư viện lớn đầy những cuốn sách được viết bằng đủ các thứ tiếng. Đứa trẻ đó biết có người chắc chắn đã đọc hết những cuốn sách ở đây. Nó chỉ không biết làm thế nào để đọc mà thôi. Nó không hiểu các ngôn ngữ được viết trong đó. Nó ngờ ngợ rằng có một trật tự bí ẩn trong cách trình bày các cuốn sách nhưng không biết trật tự ấy là gì. Đối với tôi, có vẻ đây thậm chí là thái độ khôn ngoan nhất về Thượng đế. Chúng ta thấy vũ trụ được tuân theo một trật tự tuyệt đẹp và những quy luật nhất định, nhưng chúng ta chỉ hiểu lờ mờ về những quy luật này.”
Câu trả lời nổi tiếng nhất của ông về Thượng đế: “tôi tin vào Thượng đế của Spinoza, người thấy được chính mình trong sự hài hòa thuộc về quy luật của tất cả những gì hiện hữu, chứ không phải một Thượng đế hữu ngã chỉ bận tâm đến số phận và việc làm của con người.”
Đối với Einstein, vẻ đẹp của đức tin trong ông nằm ở chỗ nó cung cấp thông tin và truyền cảm hứng hơn là đối nghịch với công việc khoa học của ông. Ông nói: “Cảm giác sùng bái trật tự vũ trụ là động lực mạnh mẽ nhất và cao quý nhất cho nghiên cứu khoa học.” Tôn giáo và khoa học, theo Einstein, có mối quan hệ thân thiết: “Có thể diễn tả tình huống này bằng một hình ảnh: khoa học không có tôn giáo thì què quặt, tôn giáo không có khoa học thì đui mù.”
Cái đẹp
Có một nguyên tắc thẩm mỹ trong tư duy của Einstein, một ý thức về cái đẹp. Và theo ông, một thành phần làm nên cái đẹp là tính đơn giản. Ông đã nhắc lại châm ngôn của Newton, “tự nhiên hài lòng với tính giản đơn”, trong lời tuyên bố về tín điều của mình tại Oxford khi chuẩn bị rời Châu Âu sang Mỹ: “Tự nhiên là sự hiện thực hóa những ý tưởng toán học đơn giản nhất có thể quan niệm được.”
Những câu chuyện bên lề
Tuy là một thiên tài vĩ đại nhất của thế kỷ 20 nhưng Einstein cũng trải qua giai đoạn vất vả để có được tấm bằng Tiến sỹ và một công việc nghiên cứu ở trường Đại học. Những bài báo tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong Vật lý được Einstein hoàn thành với tư cách là một nhân viên của Cục cấp bằng sáng chế.
Einstein đã phải làm việc cật lực để hoàn thành thuyết Tương đối tổng quát và ông cũng có một đối thủ trong cuộc tìm kiếm này – nhà toán học vĩ đại David Hilbert. Ai thật sự đáng được ghi công cho các phương trình toán học cuối cùng đã tạo ra một cuộc tranh cãi lịch sử nho nhỏ nhưng căng thẳng, một số tranh cãi có vẻ đôi khi bị trượt ra ngoài những vấn đề thuần túy khoa học. Công bằng mà nói thì đến tháng 11/1915, cả hai người – ở một mức độ nào đó là độc lập nhưng mỗi người đều biết người kia đang làm gì – đều dẫn ra được các phương trình toán học chính thức cho Thuyết tương đối rộng. Xét từ những sửa đổi của Hilbert trên các bản thảo, có vẻ như Einstein là người đầu tiên công bố phiên bản cuối cùng của các phương trình này. Và cuối cùng, chính Hilbert cũng công nhận điều đó.
Có vẻ như hiển nhiên là một ngày nào đó Einstein sẽ đoạt giải Nobel Vật lý. Thực tế, ông đã đồng ý chuyển số tiền thưởng cho người vợ đầu tiên của mình là Maric khi việc đó diễn ra. Nhưng kể từ lần đầu tiên được đề cử năm 1910 thì mãi đến năm 1921 ông mới được nhận giải chính thức. Công trình mang đến giải Nobel cho Einstein không phải là Thuyết tương đối mà là phát minh định luật Hiệu ứng quang điện.
Giống như những người bình thường khác, Einstein cũng có những sai lầm. Sai lầm đầu tiên là ông đã thêm một hằng số vào các phương trình Thuyết tương đối rộng của mình vì ông tin rằng vũ trụ là tĩnh. Nhưng hằng số này – về sau gọi là hằng số vũ trụ – lại là một hằng số có ý nghĩa quan trọng. Sai lầm thứ hai xuất phát từ niềm tin tất định và rằng “Chúa không chơi trò xúc xắc” nên ông đã kiên quyết chống lại Thuyết lượng tử trong những năm cuối đời.
Nuối tiếc lớn nhất của Einstein là đã xem thường toán học khi còn trẻ.
Bộ não của Einstein được một nhà bệnh học tại bệnh viện Princeton tên là Thomas Harvey lấy ra từ hộp sọ trong quá trình khám nghiệm tử thi. Harvey đã quyết định ướp và giữ lại bộ não của Einstein mà không xin phép ai. Bộ não được chia thành nhiều khoanh nhỏ và cho vào hai lọ thủy tinh trong quá trình Harvey trốn tránh các nhà báo, những người muốn có bộ não hay một phần bộ não Einstein.
Lời Kết
Einstein là một thiên tài vĩ đại nhưng ông vẫn là một con người. Yêu quí Einstein tức là yêu quý mọi khía cạnh trong con người vĩ đại này. Như người vợ thứ hai Elsa của ông đã nhận xét rất tinh tế: “Một thiên tài như thế không nên có điểm gì phải bị chê trách từ bất cứ khía cạnh nào, nhưng Tự nhiên đã không làm thế. Khi cho quá nhiều ở chỗ này thì Người cũng lấy đi quá nhiều ở chỗ khác. Cái xấu và cái tốt phải được chấp nhận như một thể thống nhất.”
1 Pingback