Đây là cuốn sách thứ hai của Richard Feynman mà tôi đọc sau khi bị cuốn hút bởi cuốn đầu tiên “Ý nghĩa mọi thứ trên đời”. Và cuốn sách này, giống cuốn đầu tiên, đã không làm tôi thất vọng.
Cuốn sách là tuyển tập những câu chuyện có thật nhưng lại khiến chúng ta “cười ra nước mắt” vì sự tinh nghịch và hài hước cũng như sự duyên dáng, khéo léo trong cách kể chuyện của thiên tài Feynman. Những câu chuyện rất đa dạng nhưng có thể được phân loại theo những mục đích của người kể chuyện.
Phê phán hiện trạng
Những trò đùa của Feynman thường nhắm vào các vấn nạn của hệ thống hiện hành như học vẹt, thủ tục hành chính máy móc, cứng nhắc. Đó là những sáng kiến về việc dọn khay, cắt khoai tây hay trực điện thoại nhằm tiết kiệm thời gian và giúp hệ thống vận hành đơn giản, hiệu quả hơn khi còn là một cậu nhóc 17 hay 18 tuổi đang làm thêm vào dịp hè tại một khách sạn của bà dì; Đó là những câu đố mẹo về tiếp tuyến hay nguyên lý hấp dẫn để vạch trần sự học vẹt mà không hiểu bản chất vấn đề của những cậu bạn học cùng lớp đại học tại MIT hay đó là trợ lý của nhà vật lý vĩ đại Einstein; Đó là những cách thức trao đổi thư từ với người vợ đang bị ốm hay cách phá két an toàn lưu trữ tài liệu mật khi còn làm việc tại Los Alamos nhằm phê phán thủ tục hành chính cứng nhắc, ít hiệu quả.
Tò mò, ham học hỏi, thích khám phá những thách đố hay những trải nghiệm mới mẻ
Phần lớn những câu chuyện đề cập đến tinh thần ham học hỏi, thích giải đáp các thách đố hay tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ. Đó là tự tạo ra các công thức, kí hiệu toán học riêng khi còn là một cậu nhóc học trung học phổ thông; Đó là tham gia thảo luận, hội thảo với các nhóm sinh viên chuyên ngành khác vật lý như sinh học hay triết học; đó là những trải nghiệm khi học chơi trống hay vẽ tranh; đó là quan sát cách di chuyển và liên lạc lẫn nhau của đàn kiến hay phức tạp hơn là giải mã chữ tượng hình của người Maya; Đó có thể là tìm kiếm một trải nghiệm về trạng thái bị thôi miên hay tập đánh hơi các cuốn sách như một chú chó.
Giá trị ưu tiên
Feynman luôn sống theo những giá trị ưu tiên của bản thân mình. Đó cũng là cách ông lựa chọn công việc hay nơi làm việc. Một ví dụ là khi ông đang cân nhắc lựa chọn một trường Đại học để giảng dạy thì điều đầu tiên ông cân nhắc là tại nơi đó ông phải cảm thấy thoải mái được là chính mình, nơi có những con người xuất chúng thuộc các lĩnh vực và quan trọng là ông và họ có thể trao đổi, chia sẻ thoải mái với nhau. Đó là lý do ông chọn CalTech thay vì Cornel – mặc dù Cornel ông được ưu đãi hơn rất nhiều. Ông sẵn sàng từ chối bất kỳ lời mời làm việc hay cộng tác nào nếu ông cảm thấy không phù hợp với những giá trị sống của mình. Ví dụ khi đại học Chicago đưa ra mức lương gấp 3, 4 lần mức lương hiện tại của ông để mời ông về làm việc thì ông đã từ chối một cách dí dỏm như sau: ”Sau khi xem mức lương, tôi đã quyết định là mình phải từ chối. Lý do để tôi phải từ chối mức lương như vậy là vì tôi sẽ có khả năng làm những gì mà tôi đã luôn muốn làm – kiếm một người tình tuyệt vời, để cô ấy trong căn hộ, mua cho cô ấy những thứ đẹp đẽ… Với mức lương mà các ngài đưa ra, tôi thực sự có thể làm được những thứ đó, và tôi biết điều gì sẽ xảy ra với mình. Tôi sẽ lo lắng về cô ấy: cô ấy đang làm gì nhỉ, tôi sẽ rơi vào các cuộc cãi vã khi về đến nhà, và vân vân. Tất cả những rắc rối này sẽ làm tôi kém thoải mái và thiếu hạnh phúc. Tôi sẽ không làm Vật lý một cách hiệu quả, và đó sẽ là bi kịch lớn! Cái mà tôi đã luôn muốn làm sẽ không có lợi gì cho tôi cả. Vì thế tôi đã quyết định là tôi không thể chấp nhận lời đề nghị của các ngài”.
Ông đạt được nhiều thành tựu phi thường trong vật lý vì ông không làm mà ông chơi với nó. Ông thường làm những gì mà ông thấy thích làm – không phải vì liệu nó có quan trọng cho sự phát triển của vật lý hạt nhân hay không, mà vì nó có thú vị và ngộ nghĩnh để ông chơi với nó hay không. Không những nổi tiếng vì những thành tựu về vật lý, Feynman còn nổi tiếng là một giảng viên tận tậm và có phong cách giảng bài đầy cuốn hút. “Những bài giảng vật lý của Feynman” là tên của môt tuyển tập nổi tiếng mà bất kỳ sinh viên hay những người yêu vật lý nào cũng phải thưởng thức. Ông yêu giảng dạy vì theo ông khi giảng dạy là lúc suy ngẫm lại những điều đã biết theo những hướng mới mẻ hơn và những câu hỏi khi tương tác với sinh viên là khởi nguồn cho những nghiên cứu mới.
Tóm lại, đây là một cuốn sách thú vị, được dịch một cách cẩn trọng, công phu, thể hiện một góc nhìn về một con người kiệt xuất nhưng cũng rất giản dị, hài hước và nhân văn. Những câu chuyện từ cuốn sách cũng mang đến cho chúng ta bài học về cách sống, về cách trân trọng và hưởng thụ cuộc sống.
Ý kiến bài viết