Một cuốn sách mỏng (hơn 150 trang) với tham vọng đi tìm ý nghĩa mọi thứ trên đời. Tác giả cuốn sách, Richard Feynman, là một thiên tài Vật lý kiệt xuất của thế kỷ 20. Ông nổi tiếng không chỉ bởi những khám phá trong khoa học mà ông còn đặc biệt nổi tiếng với khả năng giảng giải những vấn đề phức tạp theo một cách cực kỳ đơn giản, hài hước mà ai cũng có thể hiểu được.

Cuốn sách giúp chúng ta hiểu khoa học thực chất là gì. Nó thật sự quan trọng vì khái niệm khoa học thường bị hiểu sai lệch hoặc bị lạm dụng rất tùy tiện. Đôi khi tính chu đáo kỹ lưỡng lại bị hiểu là khoa học và nếu ai đó bảo một việc đã được làm một cách khoa học thường thì chỉ có ý nói rằng việc ấy đã được làm chu đáo kỹ lưỡng.

Những suy tư sâu sắc trong cuốn sách được phân loại trong 3 bài giảng:

  • Bài giảng thứ nhất bàn về bản chất của khoa học và sẽ nhấn mạnh đặc biệt tới sự hiện hữu của hoài nghi và bất xác định.
  • Bài giảng thứ hai thảo luận về sự tác động của các quan điểm khoa học lên các vấn đề chính trị và vấn đề tôn giáo.
  • Bài giảng thứ ba bàn về trách nhiệm tác giả với tư cách một nhà khoa học và những phát minh khoa học trong tương lai có thể gây ra điều gì về phương diện các vấn đề xã hội.

Vậy theo tác giả, ý nghĩa mọi thứ trên đời là gì?

Nếu ta tính đến tất cả mọi điều, không phải chỉ những gì mà người cổ đại đã biết, mà cả những thứ chúng ta đã tìm ra được cho đến hôm nay mà người cổ đại chưa biết, thì tôi nghĩ rằng chúng ta phải thành thật thú nhận là chúng ta không biết.

Một kết luận không mới mẻ vì trước đó hàng ngàn năm, triết gia Socrates cũng đã hiểu điều này một cách sâu sắc: những gì tôi biết là tôi không biết gì.

Cuốn sách không nhằm đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn, tuyệt đối nào. Nó chỉ là một gợi mở trên hành trình đi tìm “ý nghĩa mọi thứ trên đời” của mỗi người.