Trước đây, khi đọc “Rừng Na Uy” của Murakami, tôi cảm thấy đây là một tác phẩm “nguy hiểm”. Và giờ đây, khi đọc “Alexis Zorba – Con người hoan lạc” của tác giả Nikos Kazantzaki, một lần nữa tôi lại cảm thấy đây là một trong những tác phẩm “nguy hiểm”. Nguy hiểm vì những tác phẩm này, mặc dù rất nổi tiếng, nhưng không phải dễ đọc. Có thể liên tưởng đến việc ngắm một tác phẩm khỏa thân (tranh vẽ hay ảnh chụp), có người sẽ ngắm nhìn nó như một tác phẩm nghệ thuật nhưng có người sẽ xem nó như một tác phẩm khiêu dâm, đồi trụy (tất nhiên cũng có đồi trụy đội lốp nghệ thuật).

Dịch từ bản tiếng Anh “Alexis Zorba – The Greek” và đã từng có bản tiếng Việt với tiêu đề “gần nghĩa” hơn là “Alexis Zorba – Tay chơi Hy Lạp”, nhưng với quan niệm “một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả“, dịch giả Dương Tường đã đóng góp một bản dịch rất “nhập” với tác giả Nikos Kazantzaki và trở thành bản dịch tiếng Việt phổ biến nhất hiện nay, mặc dù trong tiêu đề không có chữ “Greek”.

Triết gia Friedrich Nietzsche từng thốt lên rằng: Thượng đế đã chết rồi nhằm chống lại những tư tưởng cho rằng cuộc sống trên trần thế không quan trọng, xác thịt con người chỉ là tạm bợ, con người sống trên thế gian chỉ với mục đích duy nhất là phụng sự Thượng đế và hy vọng khi chết sẽ có một “suất” trên Thiên Đàng. Nietzsche  kêu gọi mọi người hãy dẹp bỏ “ảo vọng” đó, trân trọng cuộc sống trần thế, trân trọng thể xác lẫn linh hồn vì cả hai chỉ là một và quan trọng là trân trọng từng khoảnh khắc sống hiện tại. Tư tưởng Nietzsche  rất gần gũi với các tư tưởng lớn phương Đông như Đức Phật, Khổng tử hay những bậc Thiền sư.

Không hiểu Nietzsche thì chỉ bị ám ảnh về quyền lực và sự phá hoại (fan hâm mộ một thời của Nietzsche chính là Hitler  và đạo quân phát xít của hắn); không hiểu về Đức Phật thì chỉ bị ám ảnh về những nghi lễ khổ hạnh; không hiểu gì về Khổng tử thì chỉ bị ám ảnh về những khuôn khổ cứng nhắc.

Và không hiểu gì về Alexis Zorba thì chỉ bị ám ảnh bởi những thú vui tầm thường. Nhân vật Alexis Zorba chính là hiện thân của tình yêu con người,  tình yêu cuộc sống và những khoảnh khắc hiện tại, một cách mãnh liệt.

Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh một nhà tư bản trí thức trẻ tuổi nhưng đang mắc kẹt với cuộc sống của mình: Làm sao tôi, một kẻ yêu đời mãnh liệt đến thế, lại có thể để mình mắc kẹt lâu như vậy trong đống sách nhảm nhí và mớ giấy đen ngòm mực.

Sau khi chia tay và được tư vấn từ một người bạn, nhà tư bản trí thức trẻ tuổi quyết định thay đổi: Lời lẽ của bạn tôi hẳn đã lặng lẽ thấm trong tôi. Tôi đã kiếm cớ để từ bỏ mớ sách vở, tài liệu và lao mình vào một cuộc đời hành động.

Anh chuẩn bị sự thay đổi trong một tâm trạng háo hức – một tâm trạng mà ai cũng có khi chuẩn bị đón nhận một sự thay đổi, một điều mới mẻ: Tôi náo nức chuẩn bị lên đường , tựa hồ như cuộc hành trình này có một ý nghĩa bí ẩn. Tôi đã quyết định thay đổi lối sống. “Cho tới nay”, tôi tự nhủ, “mi chỉ thấy cái bóng và bằng lòng với nó, giờ đây, ta sẽ dẫn mi đến với bản thể”.

Trong chuyến đi của mình, nhà tư bản đã kết giao với Alexis Zorba mà ấn tượng đầu tiên: Một người lạ mặt khoảng sáu mươi tuổi, rất cao và gầy nhom, mắt thao láo, dán mũi vào ô kính từ lúc nào và đang nhìn tôi. Lão cắp ở nách một bọc nhỏ lép kẹp.

Ban đầu không mấy ấn tượng nhưng rồi chính con người xa lạ này đã mở mắt hay “khai minh” cho nhà tư bản:

Phải. Tôi hiểu. Zorba là con người tôi đã hoài công tìm kiếm bao lâu. Một trái tim đầy sức sống, một cái miệng to phàm ăn, một tâm hồn lớn thô mộc chưa bị tách rời khỏi mẹ đất.

Với tôi, các từ: nghệ thuật, tình yêu, sự trong sáng, đam mê, tất cả đều được người lao động này làm rõ nghĩa bằng những từ mộc mạc nhất của tiếng người.

Trong khi nghe Zorba nói, tôi có cảm giác như thế giới đang khôi phục lại sự tươi mát thuở ban sơ. Tất cả mọi sự vật thường nhật bị làm mờ đục bỗng lại sáng ngời như trong buổi ban đầu khi con người vừa sinh ra từ bàn tay Thượng đế. Nước, đàn bà, trăng sao, bánh mì thảy đều trở về cội nguồn nguyên thủy, huyền bí và cơn lốc thần thánh, một lần nữa, lại bùng lên trong không trung.

Đời mình thật phí hoài, tôi nghĩ thầm. Giá tôi có thể lấy một mảnh vải chùi sạch mọi thứ tôi đã học được, mọi cái tôi đã nhìn thấy, nghe thấy, để đến thụ giáo Zorba và bắt đầu học hệ thống chữ cái lớn lao đích thực thì con đường tôi chọn theo hẳn đã khác biết bao!

Chính lão là kẻ đã phát hiện ra chân lý, tôi nghĩ thầm. Con đường của lão là chính đạo.

Tôi sung sướng và tôi tự nhủ: “Đây là hạnh phúc thật sự: không tham vọng gì hết mà vẫn làm việc như trâu ngựa, tựa hồ có mọi tham vọng. Sống xa mọi người, không cần đến họ, mà vẫn thương yêu họ. Tham gia các cuộc vui nhân lễ Giáng sinh và sau khi ăn uống no say, trốn đi một mình, xa mọi cạm bẫy, có cả trời sao trên đầu, biển ở bên trái và đất liền bên phải, và đột nhiên, ý thức ra rằng trong tim ta, cuộc đời đã hoàn thành phép màu tối hậu của nó: nó đã trở thành một truyện thần tiên ”.

Zorba là con người của hành động. Với lão, mọi sách vở chẳng có ý nghĩa gì:

Sếp này, tôi xin nói với sếp một ý này của tôi, nhưng sếp đừng có nổi giận mới được. Hãy chất đống sách vở của sếp, cho nó một mồi lửa. Sau đó, biết đâu sếp lại chả hết khờ, sếp thành người hay ho…sếp có thể trở thành một cái gì.

Tại sao ấy à? Vì lý do đơn giản là tôi bận sống tất cả các bí ẩn đó, theo các ông gọi, nên chẳng còn đâu thì giờ mà viết. Lúc nó là chiến tranh, lúc là đàn bà, khi là rượu, Khi lại là cây đàn santuri; tôi lấy đâu ra thì giờ múa may một cây bút khốn khổ? Vì thế nên việc đó rơi vào tay bọn cạo giấy! Tất cả những kẻ thực sự sống những bí ẩn của cuộc đời đều không có thì giờ viết và tất cả những kẻ có thì giờ viết lại không sống trong những bí ẩn ấy! Sếp hiểu chưa?

Zorba sống trọn vẹn với những lạc thú và công việc trần gian:

“Biển, đàn bà, rượu và làm việc cật lực! Nhào vô công việc, rượu và ái tình, và không bao giờ sợ Thượng đế cũng như ma quỷ…tuổi trẻ là thế đó.

Sống trọn vẹn với cảm xúc của bản thân mình:

Một con người có bầu máu nóng, xương cốt vững vàng, khi đau khổ thì để những giọt nước mắt đích thực giàn giụa trên má, và khi sung sướng không làm bợn niềm vui trong sáng của mình bằng cách lọc nó qua cái rây mắt nhỏ của siêu hình học.

Và quan trọng là sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc hiện tại:

Tôi đã thôi hẳn không nghĩ đến những gì xảy ra hôm qua và thôi tự hỏi mình những gì sẽ xảy đến ngày mai. Điều tôi quan tâm là cái gì xảy ra hôm nay, giờ phút này. Tôi nói: Mày đang làm gì đó, Zorba? – Tao ngủ – Được, ngủ cho ngon đi – Mày đang làm gì đó, Zorba? – Tao làm việc – Ờ, hãy làm cho ra trò nhé – Mày đang làm gì đó, Zorba? – Tao đang hôn một người đàn bà – Ờ, hãy hôn cho say đắm, Zorba. Và quên hết mọi thứ ngoài cái điều mà mày đang làm, không có gì khác trên đời ngoài mày và nàng. Cứ tiếp tục đi.

Nếu chỉ cần đọc một cuốn sách mà có thể hiểu về tư tưởng của triết gia Friedrich Nietzsche, Đức Phật hay Khổng tử thì đây là tác phẩm đáng đọc.