Sống ra sao nếu như ngày mai ta không còn nữa

Là giáo sư Công nghệ thông tin của một trường đại học danh tiếng, có một người vợ đáng yêu và là cha của ba đứa trẻ,  nhiều công trình nghiên cứu còn dang dở, nhiều mối quan tâm, và nhiều công việc ý nghĩa phải hoàn thành, bạn sẽ ra sao khi biết mình chỉ còn vài ngày nữa để sống trên cõi đời này? Một câu trả lời được đưa ra:

“Hiển nhiên là tôi nên sống và chăm sóc cho gia đình mình. Trong khi vẫn còn sức lực, tôi sẽ dành mọi thời gian cho vợ con, làm những điều thiết thực nhất để việc họ bước vào cuộc sống thiếu vắng tôi được dễ dàng hơn.

Phần ít hiển nhiên hơn là làm thế nào để dạy các con tôi những gì mà đáng ra tôi có thể dạy chúng trong 20 năm tới. Các con tôi còn quá nhỏ để có thể trao đổi với tôi. Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn dạy con biết phân biệt cái đúng cái sai, dạy những gì ta nghĩ là quan trọng, và dạy chúng nên hành xử thế nào trước những thách thức do cuộc sống mang tới. Chúng ta cũng muốn con cái biết một vài câu chuyện từ cuộc đời của chúng ta, đó thường là cách để dạy chúng lèo lái cuộc đời mình…”

Randy Pausch (Nguồn Internet)

Đó là tình huống và là câu trả lời của Randy Pausch – Giáo sư Đại học Carnegie Mellon. Nói là làm và kết quả là cuốn sách kinh điển “Bài giảng cuối cùng”  ra đời. Đây là thành quả cộng tác giữa tác giả và jeffrey Zaslow như chính tác giả thổ lộ:

“ Bởi thời gian là hết sức eo hẹp, và tôi muốn dành nhiều nhất có thể cho các con tôi, nên tôi đã nhờ Jeffrey Zaslow giúp đỡ….Jeff đã dành rất nhiều giờ để giúp chuyển những câu chuyện của tôi – có thể gọi là năm mươi ba “bài giảng” thành cuốn sách này.”

Mục đích cuối cùng của cuốn sách đã được chỉ rõ: “không gì có thể thay thế được việc có cha mẹ sống bên cạnh. Nhưng đâu phải lúc nào ta cũng có được giải pháp hoàn hảo, vậy cần cố làm điều tốt nhất có thể với những tài nguyên hạn hẹp. Cả bài giảng lẫn cuốn sách này là nỗ lực của tôi để thực hiện chính điều đó.”

Lời cuối cho tất cả

“Bài giảng cuối cùng “ là tên của một chương trình, đã thành thông lệ, tại các trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ – trong đó có trường Carnegie Mellon. Tại chương trình này, các giáo sư uy tín được yêu cầu nói về những thất bại và về những gì ý nghĩa nhất đối với họ. Các cử toạ tham gia chương trình cũng là những người day dứt với câu hỏi: có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, ta muốn để lại gì?

Giáo sư Randy Pausch khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo và sẽ sống không được bao lâu nữa đã quyết định tham gia chương trình với bài giảng: Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ. Vậy ước mơ tuổi thơ của tác giả là gì?

  • Ở trạng thái không trọng lượng
  • Chơi bóng bầu dục ở hạng quốc gia
  • Viết một bài cho Bách khoa toàn thư thế giới
  • Làm thuyền trưởng Kirk
  • Thắng giải thưởng những con thú bông
  • Làm một Disney Imagineer

Tác giả đã kể lại những ước mơ từ tuổi thơ và cách để đạt được những ước mơ đó. Phải chăng là những lời phô trương rỗng tếch? Có lẽ là đúng với một người khoẻ mạnh nhưng với một người sắp chết thì không đúng, tất cả chỉ nhằm gửi một thông điệp: cuộc sống mỗi người là đáng trân trọng và dù có xảy ra bất cứ điều gì thì hãy luôn biết ơn cuộc sống này. Hãy luôn sống một cách hào hứng nhất, tích cực nhất, giàu năng lượng nhất, và đồng thời không ngừng theo đuổi ước mơ của bản thân.

Bên cạnh câu chuyện về những ước mơ từ tuổi thơ, tác giả cũng kể lại nhiều câu chuyện khác mà tác giả đã trải nghiệm trong 46 năm cuộc đời như đó là trải nghiệm lần đầu khi biết tin mình bị ung thư và phẫu thuật, đó là trải nghiệm trong giao tiếp với người xung quanh, đó là trải nghiệm trong lần đầu gặp Jai (người vợ sau này), đó là trài nghiệm khi hồi tưởng lại người cha đã mất, đó là trải nghiệm khi tham gia dự án ở Walt Disney, v.v.

Mỗi một câu chuyện luôn gắn liền với một bài học mà tác giả rút ra cho bản thân. Những bài học này có lẽ ban đầu tác giả chỉ định dùng cho mình nhưng khi thời gian sống không còn nhiều, chúng đã trở thành lời nhắn gửi của tác giả đến các con, đến người vợ yêu dấu, đến gia đình, và đến mọi người.

Tất cả nội dung bài giảng đã được biên tập lại thành cuốn sách “Bài giảng cuối cùng”.

Video Bài giảng cuối cùng: Thật sự đạt được ước mơ tuổi thơ

Một nhà truyền bá tận tâm

Những tác phẩm vĩ đại, có sức ảnh hưởng lớn thường chứa đựng nhiều tư tưởng uyên thâm. Để dịch những tác phẩm này đòi hỏi người dịch cũng rất uyên thâm và trên hết là có một cái tâm khao khát truyền bá những tinh hoa nhân loại đến người đọc. Dịch giả Vũ Duy Mẫn–  là chuyên gia Công nghệ thông tin và có nhiều năm làm việc trong ban thư ký Liên Hiệp Quốc với dịch phẩm nổi tiếng Chuyển đổi lớn của Nicholas Carr –  xứng đáng là một dịch giả, một nhà truyền bá tận tâm.