Những ngày tết âm lịch gần kề, có rất nhiều thứ mà ai cũng quan tâm như thưởng tết bao nhiêu, dọn dẹp nhà cửa thế nào (có thể đọc cuốn Lối sống tối giản của người Nhật), phải uống bia ra sao để ra đường không bị phạt và quan trọng là phải ăn gì vừa đảm bảo sức khỏe, không tăng cân và tiết kiệm – nên nhớ thịt heo đang là đặc sản.

Cuốn sách “Ăn gì cho không độc hại” của tác giả Pha Lê là một trong những cuốn sách viết về chủ đề dinh dưỡng hấp dẫn, dễ hiểu và rất hài hước. Nhận thức được vấn đề ăn gì uống gì là một đề tài rối rắm và thông tin “ngập lụt” khiến nhiều người hoang mang và dễ bị lợi dụng, tác giả Pha Lê đã viết cuốn sách này với hy vọng giúp mọi người chọn lựa thông tin hợp lý để có thể yên tâm hơn trong việc ăn và uống của mình.

Tùy theo mục đích, mỗi người sẽ tìm ra cho mình những thông tin hữu ích từ cuốn sách. Dưới đây là một số điều mà giờ đây tôi mới biết.

MEME ĂN UỐNG

Một cách dễ hiểu, meme là một cách sống, cách hành xử, một kiểu niềm tin, tập tục, một dạng hoạt động, v.v. phổ biến trong mỗi nhóm người, mỗi quốc gia, hay mỗi nền văn hóa nào đấy. Người đầu tiên dùng từ này là nhà sinh học lỗi lạc người Anh Richard Dawkins trong cuốn sách Gen vị kỷ (The Selfish Gene) của ông. Dawkins là người theo trường phái tiến hóa của Charles Darwin. Theo học thuyết tiến hóa của Darwin, cấu tạo cơ thể con người ngày nay là những thành phần “tối ưu nhất” của quá trình chọn lọc tự nhiên giúp con người có thể tồn tại, phát triển và trở thành loài sinh vật thống trị quả đất. Một cách tương tự, meme ăn uống là những tập tục, hành vi, những công thức,v.v. trong ăn uống “tối ưu nhất” giúp con người có thể sống một cách khỏe mạnh, hoạt động một cách có hiệu quả và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Sự truyền lại này không đơn thuần chỉ là một sự sao chép đơn giản mà là một sự tiến hóa. Như vậy, không phải điều gì ông bà truyền lại cho con cháu là lạc hậu, cổ hủ hay mất vệ sinh.

ĂN SẠCH UỐNG SẠCH

Hỏi: “Ăn cái gì, uống cái gì cho không độc hại” không quan trọng bằng hỏi: “Nguyên liệu từ đồ ăn, thức uống được nuôi trồng thế nào và được chế biến/xử lý ra sao?” Có lẽ đa phần chúng ta không ai rãnh rỗi đến mức mỗi lần mua một bó rau hay mua một ít thịt phải đi nghiên cứu nguồn gốc của chúng, cái lý lẽ ở đây là, không có loại thức ăn nước uống nào độc hại, độc hại là do con người ( quy trình chế biến, lạm dụng, v.v.). Nếu ai đó đã từng tin tưởng một vài thương hiệu ăn uống nào đó, hãy thử một lần bỏ thời gian ra để tìm hiểu về cách thức/quy trình chế biến các loại đồ ăn thức uống mà mình đang dùng.

Bên cạnh việc quan tâm đến nguồn gốc các loại đồ ăn thức uống, một kinh nghiệm quan trọng khác được cuốn sách chia sẻ từ người Nhật – dân tộc có tuổi thọ “vô địch” thế giới – là HÃY THẬT SỰ VUI VẺ, THOẢI MÁI KHI ĂN UỐNG. Một điều quan trọng cần để ý rằng, người Nhật luôn ưu tiên chọn mua đồ ăn thức uống được cung cấp bởi chính người Nhật, mặc dù đắt hơn mua từ các nhãn hiệu nước ngoài. Có lẽ người Nhật tin tưởng vào những người nông dân, những công ty sản xuất đồ ăn uống của họ nên họ mới luôn ưu tiên mua mà không quan tâm giá cả và có thể vui vẻ trong khi ăn uống.

ĂN CHAY

Ăn chay đang trở thành “hot trend” trong thời đại ngày nay nhưng liệu nó có đúng? Bản chất con người là loài ăn tạp và nếu theo thuyết tiến hóa thì ĂN TẠP là một di sản của quá trình chọn lọc tự nhiên. Ăn chay là một cách ăn. Nếu chỉ ăn một hai lần trong một tháng thì không vấn đề gì nhưng nếu ăn chay trường thì để khỏe mạnh đòi hỏi người ăn chay phải bổ sung các loại vitamin tổng hợp từ các nhà thuốc. Nếu ăn chay không khoa học và không bổ sung đầy đủ vitamin cần thiết thì cái giá phải trả là rất đắt. Cần thận trọng trước các trào lưu ĂN CHAY.