Cải cách, đổi mới, sáng tạo

Cải cách – đổi mới – sáng tạo cùng có nghĩa chung là phương pháp làm việc mới đem lại sự thay đổi tích cực. Nó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chuyên môn của bạn là gì không quan trọng, vấn đề là bạn phải thích ứng với thế giới mới. Và thích ứng nghĩa là áp dụng các phương pháp mới và sáng tạo để nhìn nhận những vấn đề đang tồn tại hoặc tiềm tàng.

Cải cách thường bị nhầm lẫn với phát minh. Hai khái niệm này bổ sung cho nhau nhưng không đồng nghĩa với nhau. Phát minh là hành động thiết kế, tạo ra, xây dựng các sản phẩm hay quy trình mới. Còn cải cách bắt đầu với các ý tưởng sáng tạo và cuối cùng được  biến thành các phát minh, dịch vụ, quy trình và phương pháp. Không phải ai cũng có thể trở thành nhà phát minh, nhưng ai cũng có thể là một nhà cải cách. Cải cách là việc những người bình thường có thể làm mỗi ngày để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mục đích của cuốn sách không phải là tạo ra một phương pháp cải cách cứng nhắc từng bước một mà là tiết lộ những nguyên tắc chung đã giúp Steve Jobs đạt được thành công vượt trội, những nguyên tắc làm phong phú thêm trí tưởng tượng, nâng cao khả năng sáng tạo, và giúp bạn nảy ra những ý tưởng mới để phát triển cuộc sống cho mỗi cá nhân, tổ chức. Tuy các nguyên tắc này dựa trên mô hình của huyền thoại Steve Jobs, nhưng cải cách không chỉ nằm trong lĩnh vực công nghệ; cải cách là tạo ra những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề. Hãy coi đây là những chỉ dẫn cơ bản dẫn tới thành công trong công việc và cuộc sống. Vậy những nguyên tắc đó là gì?

Những nguyên tắc và vận dụng

Cuốn sách trình bày Bảy nguyên tắc giúp Steve Jobs thành công vượt trội:

Nguyên tắc số 1: Làm những việc bạn yêu thích

Steve Jobs đã nghe theo sự mách bảo của trái tim trong suốt cuộc đời mình, và ông cho rằng chính điều đó đã tạo nên tất cả những điểm khác biệt. Jobs đã rời khỏi Reed College và theo học một khóa thư pháp để mười năm sau, ý tưởng về thư pháp được đưa vào thiết kế các kiểu chữ của máy tính Macintosh. Sẽ không dễ dàng để tìm thấy niềm đam mê thật sự của cuộc đời mình và Jobs cũng không phải ngoại lệ. Steve Jobs đã không ngừng khám phá niềm đam mê của bản thân bằng cách tham gia các khóa học mình yêu thích, du lịch đến Ấn Độ, trải nghiệm chất kích thích và thiền định, v.v. cho đến khi tìm được tình yêu của mình là điện tử (và tất nhiên là cả người bạn thân đồng chí hướng Steve Wozniak).

Vận dụng: Chúng ta nên làm những công việc bản thân thật sự yêu thích. Nếu chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Bạn sẽ không bao giờ đủ hứng thú để tạo ra những cải cách thú vị nếu không đam mê những gì bạn đang làm.

Nguyên tắc số 2: Để lại dấu ấn cho nhân loại

Những thành tựu tuyệt vời của Steve Jobs đạt được do ông luôn được dẫn dắt bởi các lý tưởng. Đó là lý tưởng đem máy tính cá nhân đến tất cả mọi người dẫn đến sự ra đời của chiếc Macintosh; đó là ý tưởng biến máy tính cá nhân thành trung tâm kỹ thuật số dẫn đến một loạt các phát minh như iPod, iPhone, iPad. Jobs có lý tưởng và ông đã thu hút những người có chung quan điểm, những người chia sẻ với ông định hướng và giúp biến ý tưởng của ông thành những cải cách thay đổi thế giới. Niềm đam mê là năng lượng cho quả tên lửa của Apple, và lý tưởng của Jobs tạo ra đích đến.

Vận dụng: Chúng ta làm việc không chỉ để nuôi sống bản thân và gia đình mà còn vì lý tưởng. Nếu công việc và lý tưởng chuyển động cùng một hướng thì lúc đó năng lực của chúng ta mới được phát huy mạnh mẽ và đầy đủ nhất. Lý tưởng phải đủ táo bạo để truyền cảm hứng, phải cụ thể, súc tích và nhất quán.

Nguyên tắc số 3: Kích hoạt cho bộ não của bạn

Cải cách sẽ không tồn tại nếu không có sự sáng tạo. Theo Steve Jobs, sáng tạo là hành động kết nối những thứ có sẵn. Jobs tin rằng kinh nghiệm dày dạn sẽ giúp bạn mở mang trí óc về những trải nghiệm của loài người. Ông đã dành cả đời mình để khám phá những thứ mới mẻ và không mấy liên quan đến nhau như thư pháp, trải nghiệm chất kích thích, thiền Ấn Độ, các chi tiết tinh xảo của chiếc Mercedes-Benz, v.v.

Vận dụng: Không ngừng khám phá những trải nghiệm mới mẻ, chấp nhận sự thay đổi, cởi mở với những quan điểm và trải nghiệm khác nhau.

 Nguyên tắc số 4: Bán ước mơ chứ đừng bán sản phẩm

Đối với Jobs, những người mua sản phẩm của Apple không phải là “người tiêu dùng”. Họ là những người có ước mơ, hi vọng và tham vọng. Jobs tạo ra nhũng sản phẩm giúp họ hoàn thành giấc mơ của mình.

Vận dụng: Dù làm bất cứ công việc gì, sẽ luôn luôn có những đối tượng mà sản phẩm hay dịch vụ của chúng ta hướng đến. Đừng xem họ là những đối tượng thuần túy chỉ để moi tiền. Hãy giúp họ thực hiện ước mơ, hi vọng thông qua các sản phẩm hay dịch vụ của chúng ta.

Nguyên tắc số 5: Nói không với 1000 thứ

Theo Jobs, những gì đơn giản lại thường vô cùng tinh tế. Cải cách nghĩa là hạn chế những gì không cần thiết để nhu cầu thực sự được lên tiếng. Jobs đã giảm số lượng sản phẩm của công ty từ 350 xuống còn 10 khi ông quay trở lại Apple năm 1998; Jobs đã loại bỏ bàn phím khỏi giao diện của một chiếc điện thoại thông minh và cho ra đời chiếc iPhone; trong các bài thuyết trình của mình, Jobs sử dụng rất ít chữ nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Vận dụng: Bạn có trải mình ra quá rộng không? Hãy tập trung vào những lĩnh vực mà bạn nổi trội. Xóa bỏ hết những thứ khác. Áp dụng quy tắc số 3 vào danh sách công việc của bạn, tức là, dành phần lớn thời gian cho 3 việc quan trọng nhất bạn có thể làm ngày hôm nay để cải thiện chất lượng cuộc sống, công việc của bản thân. Và tập nói “KHÔNG” thường xuyên hơn.

Nguyên tắc số 6: Tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời

Jobs đã biến các cửa hàng bán lẻ Apple thành tiêu chuẩn vàng của chất lượng dịch vụ. Cửa hàng của Apple trở thành nhà bán lẻ tốt nhất trên thế giới chỉ bằng cách áp dụng những cải cách đơn giản mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể học tập để hình thành mối quan hệ tình cảm sâu sắc và lâu dài với khách hàng.

Vận dụng: Tự hỏi bản thân:”Đâu là lý do sâu xa khiến mọi người sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của tôi?” Câu trả lời phải trở thành tiêu điểm cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Thường xuyên xem xét lại mọi thứ về sản phẩm hay dịch vụ của bạn trên phương diện người dùng.

Nguyên tắc số 7: Làm chủ thông điệp

Jobs là chuyên gia marketing và truyền thông xuất sắc nhất trên thế giới, người biến các đợt giới thiệu sản phẩm thành một dạng nghệ thuật. Bạn có thể sở hữu một ý tưởng tiên tiến bậc nhất, nhưng nếu không thể làm cho khách hàng thích thú với chúng thì cải cách của bạn sẽ chẳng có giá trị gì.

Vận dụng: Nghiên cứu cuốn: Nghệ thuật thuyết trình của Steve Jobs của cùng tác giả.

Đọc thêm: Tiểu sử Steve Jobs.