Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, không những được biết đến là nhà cải cách công nghệ thiên tài mà ông còn nổi tiếng bởi khả năng thuyết trình gây mê hoặc người khác. Có thể nói, những thành công đã đưa Apple thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới luôn luôn gắn liền với tầm nhìn, sự cải cách, và khả năng thuyết trình (hay có thể gọi là khả năng tiếp thị, bán hàng,…) xuất chúng của Steve Jobs. Vậy đâu là bí mật của những thành công trong các bài thuyết trình của Steve Jobs? Và liệu chúng ta có thể học hỏi được gì từ kĩ thuật thuyết trình của con người vĩ đại này không? Cuốn sách Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs của tác giả Carmine Gallo đã hé lộ cho chúng ta câu trả lời và xứng đáng là cẩm nang cho mọi người vì thuyết trình là một trong những kĩ năng mềm quan trọng nhất cho hầu hết các công việc trong thời đại ngày nay.

Tuy nhiên, một số người sẽ nói rằng Steve Jobs là thiên tài nên chúng ta không thể bắt chước được ông ấy, nhưng tôi sẽ trả lời rằng, có hai yếu tố làm nên thành công trong các bài thuyết trình của Steve Jobs là:

  • Yếu tố chủ quan: đây là yếu tố chỉ có riêng ở Steve Jobs và chúng ta chỉ có thể ngưỡng mộ và không thể bắt chước như tố chất thiên tài, bản lĩnh, phong cách, và cá tính phi thường được hình thành trong những tháng ngày phiêu bạt, từ những năm tháng ở đỉnh cao của thành công đến những năm tháng ở vực thẳm của thất bại và tuyệt vọng, từ những suy tư khi thiền định hay suy tư về tình yêu, sáng tạo, và cái chết. Và cuối cùng, một khía cạnh không thể bỏ qua là xung quanh Steve quy tụ những con người ưu tú nhất luôn đưa ra những góp ý chất lượng nhất cho mỗi bài thuyết trình của Steve.
  • Yếu tố khách quan: đây là những yếu tố chúng ta có thể học tập từ Steve và đã được nêu ra một cách tương đối đầy đủ trong cuốn sách của Carmine Gallo và theo tôi, những kĩ thuật này xuất phát từ những tiền đề quan trọng sau:
    • Niềm đam mê: bạn không thể thuyết trình thành công một chủ đề nếu bạn không tập trung đủ sự quan tâm, chú ý về nó mà nguyên nhân là bạn không đam mê, không có tình yêu với chủ đề mình đang nói và khi không có tình yêu hay sự đam mê bạn sẽ không thể chạm đến trái tim của người khác.
    • Sự đơn giản: Einstein từng nói, nếu chúng ta làm mọi thứ không đủ đơn giản nghĩa là chúng ta chưa hiểu đủ về chúng. Theo tôi, sự đơn giản được chia thành 3 cấp độ: cấp độ 1 là sự đơn giản tầm thường bắt nguồn từ sự nông cạn, hời hợt; cấp độ 2 là sự đơn giản tinh tế chỉ có được khi chúng ta hiểu sâu về vấn đề hay sự vật, hiện tượng (như lời Einstein hay như câu nói của Leonardo da Vinci: đơn giản là tối thượng); và cấp độ 3 đơn giản là một khối thống nhất trọn vẹn chỉ có được trong trạng thái giác ngộ khi thiền định (cấp độ 2 có thể hiểu được nhưng cấp độ 3 này thì rất khó hiểu nên khó tin vì không phải ai cũng có thể “giác ngộ”). Những bài thuyết trình của Steve Jobs luôn luôn rất đơn giản (và cả những sản phẩm đình đám của Apple như iPod, iPhone, iPad,…) vì Steve rất rất yêu các sản phẩm, yêu các chủ đề mình đang nói và vì vậy ông hiểu rất sâu về chúng và có thể trình bày về chúng một cách rất đơn giản.
    • Khoa học: những bài thuyết trình của Steve Jobs mang đầy cảm hứng, sinh động, và cuốn hút, nhưng tuân theo những quy luật cơ bản trong khoa học thần kinh nghiên cứu não bộ hay nhận thức. Một số kĩ thuật dựa vào khoa học như quy luật số 3 (vì bộ não chỉ ghi nhớ tốt nhất 3 hay cùng lắm là 4 vấn đề), những đoạn ngắt quãng 10 phút (không phải 5 hay 11 phút), các slide giàu hình ảnh, ít văn bản và tuyệt đối không có các dấu bullet đầu dòng (nghe thì nghịch lý khi sử dụng PowerPoint hay KeyNote), các kĩ thuật tương tự (gợi sự liên tưởng cho bộ não),…
    • Tập luyện, tập luyện, và tập luyện: Steve Jobs đã bỏ rất nhiều thời gian tập luyện cho các bài thuyết trình của mình. Thời gian tập luyện tối thiểu để tinh thông một kĩ năng nào đó là bao lâu? Theo Malcolm Gladwell và các nhà nghiên cứu là 10.000 giờ. Tất nhiên không phải ai bỏ ra ngần ấy thời gian để luyện thì đều có thể trở nên xuất sắc hàng đầu thế giới nhưng hầu hết những người thành công nhất thì thời gian tối thiểu họ bỏ ra không ít hơn 10.000 giờ.

Đọc cuốn sách, học và rèn luyện những kĩ thuật trong cuốn sách có thể sẽ không giúp chúng ta thuyết trình quyến rũ như Steve Jobs nhưng có thể giúp chúng ta trở thành người thuyết trình hiệu quả hơn, hấp dẫn hơn, và có lẽ sẽ dễ dàng thành công hơn. Cũng như một cuốn sách rất nổi tiếng khác là Đắc nhân tâm của Dale Carnegie dạy chúng ta cách đối nhân xử thế nhưng không phải ai đọc nó, học các kĩ thuật trong đó sẽ thành công tột bậc trong cuộc sống nhưng ít ra nó cũng làm các mối quan hệ tốt đẹp hơn, hài hoà hơn, và vì thế có lẽ sẽ hạnh phúc hơn.

Trải nghiệm cùng Steve Jobs

Steve Jobs có vô số các bài thuyết trình “đình đám” nhưng đây là 3 bài tôi cho là thành công nhất của Steve (tôi đang thực hành quy luật số 3). Hãy đắm mình vào chúng (và quên đi rào cản ngôn ngữ) để thấy được sự kì diệu trong nghệ thuật thuyết trình Steve Jobs

Giới thiệu máy Macintosh 1984

Giới thiệu iPod năm 2001

Giới thiệu iPhone năm 2007

Nâng tầm

  • Để nâng cao hiệu quả thuyết trình chúng ta có thể học tập từ cách thiết kế các slide thuyết trình tại slideshare.net.
  • Học cách thuyết trình lôi cuốn từ những bậc thầy tại TED.com.