Tôi đã đề cập đến Chủ nghĩa Khắc Kỷ trong phần review các cuốn sách mà mình đã đọc như Suy tưởng, Nghệ thuật sống và CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản và sẽ không bàn thêm về chủ đề này. Cuốn CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản đã đề cập một cách tổng quan về tư tưởng và những nhân vật sáng lập, truyền bá tư tưởng Khắc Kỷ từ thành Roma đến Hy Lạp đến toàn cõi Châu Âu và dần lan tỏa trên toàn cầu. Khi nói về tầm ảnh hưởng của Chủ nghĩa Khắc Kỷ, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Seneca .
Seneca là một chính trị gia kiệt xuất, cố vấn (hay quân sư) cho các vị vua La Mã. Học trò và vị vua nổi tiếng nhất của ông là Nero – không phải vì tài năng, đức độ mà vì sự tàn bạo. Ông đạt đỉnh cao quyền lực và chết cũng vì cậu học trò này.
Trải qua vô số vinh quang và sóng gió trên chính trường cũng như trên con đường học thuật, vào cuối đời, Seneca đã phát triển một định dạng mới cho văn bản triết học mà ông thấy đặc biệt phù hợp với tài năng của mình. Đó là viết một loạt bức thư về các chủ đề triết học, sử dụng tính thân mật của thư cá nhân như một phương tiện để tìm kiếm các giá trị và lựa chọn cuộc sống. Epicurus – một nhà triết học Khắc Kỷ khác – cũng đã dùng phương thức này nhưng Seneca không gửi cho vài người bạn khác nhau mà chỉ cho một người duy nhất, người bạn của ông, Gaius Lucilius con.
Seneca viết để giúp đỡ nhiều người, đồng thời ông, cũng trả lời một câu hỏi lớn vốn luôn gây tranh cãi giữa các triết gia. Nghĩa vụ của một cá nhân là phục vụ cộng đồng – một điểm luôn được nhấn mạnh trong trường phái Khắc Kỷ – vậy, có lý do gì để dành ra nhiều thời gian để học triết và phản tư? Theo Seneca, một người lánh đời dành trọn thời gian cho tri thức đôi khi còn có ích hơn một người cả đời làm những việc khác. Những Bức thư đạo đức là một minh chứng, những điều ông viết khi nghỉ hưu nhằm giúp những người đọc La Mã thời đấy biết cách sống một cuộc đời hạnh phúc và năng suất. Dù kỳ vọng lớn lao, chắc ông sẽ bất ngờ khi tác phẩm của mình lại có sức ảnh hưởng xuyên thời đại như vậy.
Seneca và Cicero là hai nhân vật theo trường phái Khắc Kỷ gây nhiều tranh cãi bởi lối sống và triết lý có phần mâu thuẫn nhưng tổng thể, những đóng góp của họ cho truyền bá và ảnh hưởng của chủ nghĩa Khắc Kỷ là vô cùng lớn lao.
Ý kiến bài viết