Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống

Đúng như tiêu đề, cuốn sách đề cập đến hai nhân vật Abel và William, một người sinh ra từ đáy (Abel) và một người sinh ra từ đỉnh xã hội (William), nhưng điểm chung của hai người là không ngừng nỗ lực hi vọng vươn lên để thoát khỏi số phận hiện tại. Một người quyết tâm vượt qua số phận thấp hèn và một người quyết tâm vượt qua truyền thống gia đình. Để thực hiện những hoài bão của mình, cả hai đã không ngừng học hỏi từ học cách quản lý ngân hàng hay khách sạn, lấy tấm bằng kinh tế loại ưu từ các trường đại học hàng đầu như Columbia hay Harvard, cho đến học cách làm cho một cô gái “hạnh phúc”. Một điểm chung khác của Abel và William là sự biết ơn quá khứ và tinh thần dân tộc. Khi chiến tranh thế giới lần hai nổ ra, cả hai đã không ngần ngại hi sinh tính mạng và tài sản của mình phục vụ quốc gia hiện tại mình đang sống hay từng sống (Ba Lan của Abel).

Cuốn sách tập hợp vô số tư tưởng, triết lý về tự lực, truyền cảm hứng. Đâu đó trong cuốn sách chúng ta thường bắt gặp những câu nói mang dáng dấp của những bậc thầy truyền cảm hứng lỗi lạc như Napoleon Hill (với tác phẩm kinh điển Nghĩ giàu và Làm giàu), Dale Carnegie (tác phẩm Đắc Nhân Tâm) hay David Schwartz (tác phẩm Dám nghĩ lớn) như:

Không bao giờ đánh bạc khi mọi thứ bất lợi với mình, và khi đã mặc cả đến giới hạn thì nên sẵn sàng bỏ đi.

Không gì thay thế được một nền giáo dục đúng đắn.

Số phận chỉ tương trợ người can đảm.

Nếu ai đó phải trả tiền, hãy luôn xem như số tiền đó không đáng kể. Nếu còn bận tâm, lần sau đừng đi ăn nhà hàng nữa. Dù thế nào cũng đừng than vãn hay tỏ vẻ bất ngờ, đó là đôi điều những người giàu đã dạy anh.

Thuyết định mệnh phong cách Romeo và Juliet

Vì mối thù giữa hai dòng họ mà Romeo và Juliet không đến được với nhau và Juliet đã nhờ sự giúp đỡ của tu sĩ Laurence. Vị tu sĩ này đã lên kế hoạch về cái chết giả của Juliet nhưng chưa kịp báo tin cho Romeo – lúc đó đang bị lưu đày. Cái chết của Romeo và Juliet có thể gây xúc động cho biết bao thế hệ nhưng nó cũng mang đến bài học về cách lập kế hoạch và đưa ra các quyết định.

Dường như có một sợi dây vô hình gắn kết hai số phận Abel và William lại với nhau. Cả hai đã giúp nhau trong những hoàn cảnh khó khăn hay thập tử nhất sinh nhưng lại vướng vào một sự hiểu lầm dẫn đến thù hận. Mối hận thù giữa hai nhà Abel và William chỉ giải quyết thông qua tình yêu theo phong cách “Romeo và Juliet” của hai người con – rất may là một kết thúc có hậu chứ không bi thảm như trong Romeo và Juliet vì cả hai đã cùng nhau lên kế hoạch, cùng nhau hành động. Có lẽ hai người con đã học được rất nhiều từ Romeo và Juliet.

Cái tôi và sự phù phiếm

Mối thù hận giữa Abel và William xảy ra một phần do hiểu lầm nhưng một phần khác là do cái tôi quá lớn của cả hai. Những đoạn cuối khi mà Abel trở nên mở lòng với hai người con, đặc biệt là con trai của William, cũng một phần đơn giản là trước khi William qua đời, Abel và William đã tình cờ gặp nhau:

Ồ, đúng mà – Abel nói – Chúng ta đi ngang qua nhau ở Đại lộ 5. Ông ấy đến để xem buổi khai trương cửa hàng mới của các con. Ông ấy nâng mũ chào ta. Như vậy là đủ, đủ rồi.

Trước đó, vì nghĩ rằng William là nguyên nhân cho cái chết của người bạn, người chủ thân thiết của mình, Abel đã tìm mọi cách đối đầu William như tìm cách mua cổ phiếu ngân hàng nơi William làm chủ tịch, ngăn cản đám cưới con gái,…Người bạn thân George của Abel đã chứng kiến mối thù hận phù phiếm đã gặm nhấm linh hồn, trí óc Abel và đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo với những đoạn hội thoại giữa hai người:

…Tôi sẽ không chịu quỵ lụy trong khi hắn ta còn sống để thích thú với việc đó. (Abel)

Thế nếu ông chết trước thì sao, Abel? Ông và ông ta đúng bằng tuổi nhau mà.(George)

Hay

Ông sẽ bằng lòng gặp chồng nó chứ?

Không, George ạ! Tôi không bao giờ có thể gặp cậu ta, không thể gặp khi cha cậu ta còn sống.

Thế nếu ông chết trước thì sao?

Câu nhắc “Thế nếu ông chết trước thì sao?” được lặp lại trong hai đoạn hội thoại khác nhau như một lời nhắc nhở về cuộc đời ngắn ngủi, phù du để trân trọng những điều quý giá. Câu nhắc nhở của George làm tôi nhớ đến bài phát biểu nổi tiếng của Steve Jobs:

Việc biết rằng mình sắp chết là công cụ quan trọng nhất mà tôi từng sở hữu để giúp bản thân ra những quyết định lớn trong đời. Vì hầu hết mọi thứ – mọi kỳ vọng bên ngoài, mọi sự kiêu hãnh, mọi nỗi sợ xấu hổ hay thất bại – đều gục ngã khi đối mặt với cái chết, chỉ còn lại những thứ thật sự quan trọng. Việc nhớ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi từng biết để tránh rơi vào chiếc bẫy suy nghĩ rằng bạn sẽ đánh mất thứ gì đó. Bạn đã trần trụi. Không còn lý do nào ngăn cản bạn lắng nghe con tim mình.

Nếu một hoàn cảnh nào đó khiến tôi chỉ được phép giữ lại hai cuốn sách thì cuốn Hai số phận và cuốn Alexis Zorba con người hoan lạc sẽ là hai cuốn tôi chọn. Alexis Zorba dạy chúng ta trân trọng cuộc sống và những khoảnh khắc hiện tại, Abel và William dạy chúng ta cách biết ơn quá khứ và hi vọng về tương lai. Cả hai cuốn sách cũng dạy chúng ta về sự phù du của cuộc sống và phải biết trân trọng những điều quý giá nhất ngay lúc này, ngay khoảnh khắc này.