Tôi là ai?
Nếu bạn đã từng say mê với cuốn tiểu thuyết lịch sử triết học phương Tây “Thế giới của Sophie” thì cuốn sách Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? là một nhập môn triết học phương Tây thú vị khác mà chúng ta phải đọc. Nhưng khác với “Thế giới của Sophie” – là một nhập môn lịch sử triết học – Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? không phải là cuốn sách về lịch sử triết học. Đây là cuốn sách nhập môn vào các vấn đề triết học của việc làm người và của loài người. Immanuel Kant từng chia các câu hỏi lớn của nhân loại thành các câu nhỏ: “Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? và Tôi có thể hy vọng gì? và chúng tạo ra một kim chỉ nam tuyệt vời cho cả cách phân đoạn cuốn sách này. Cuốn sách trả lời cho ba câu hỏi không chỉ dựa trên những thành tựu hàng ngàn năm của triết học phương Tây mà còn dựa vào những thành tựu tuyệt vời của ngành nghiên cứu não bộ, tâm lý và ứng xử của khoa học hiện đại.
Tôi có thể biết gì?
Người ta có thể biết gì về chính mình, câu hỏi đó là câu hỏi kinh điển của lý thuyết nhận thức, ngày nay chỉ hãn hữu được coi là câu hỏi triết học. Nó đã chủ yếu biến thành đề tài của ngành nghiên cứu não bộ có khả năng giải thích cho ta rõ cơ sở bộ máy nhận thức của chúng ta và năng lực nhận thức của nó. Vai trò của triết học ở đây thiên về người tư vấn, hỗ trợ ngành nghiên cứu não bộ, để ta hiểu được chính ta trong trường hợp cụ thể nào đấy.
Tôi nên làm gì
Phần này tập trung vào các vấn đề xoay quanh luân lý và đạo đức với các câu hỏi nền tảng: Cơ sở của luân lý và đạo đức là gì? Vì sao con người có thể ứng xử một cách đạo đức? Tính Thiện và Ác thích hợp với bản năng con người đến mức nào? Trả lời cho những vần đề này không chỉ có triết học mà còn có sự chung tay của ngành nghiên cứu não bộ, tâm lý và ứng xử.
Tôi có thể hy vọng gì
Phần này xoay quanh một số câu hỏi trung tâm, vốn được hầu hết mọi người quan tâm trong cuộc sống như các câu hỏi về Chúa, tình yêu, hạnh phúc, tự do và ý nghĩa cuộc sống. Những câu hỏi không dễ trả lời, song chúng rất quan trọng với chúng ta, bõ công sức ra để tập trung suy nghĩ.
Và nếu vậy thì bao nhiêu?
Khi mọi tri thức của chúng ta phụ thuộc vào bộ não của động vật có xương sống và được phản chiếu trong đó, thì tốt nhất là chúng ta bắt đầu với bộ não ấy. Và kể cả khi các nhà nghiên cứu não biết mình đang đi đúng hướng để tiến tới giải mã các trung khu và chức năng của não thì còn lâu mới thấu hiểu nổi cơ chế sản sinh ra tinh thần, ý thức và giác tính. Thay vào đó, hiện nay những gì chúng ta chưa biết còn nhiều gấp bội những gì chúng ta đã biết. Càng biết thêm về bộ não thì ta càng thấy nó phức tạp hơn.
Nhưng thực ra chuyện ấy có gì tồi tệ không? Biết đâu, khi con người hiểu biết tất tần tật về bản thân mình thì còn tồi tệ hơn? Liệu chúng ta có nhất thiết cần một sự thật tung bay lơ lửng một cách tự do và độc lập trên đầu mình không? Đôi khi chính đường đi cũng là đích đến tươi đẹp, nhất là khi đó là lối đi hấp dẫn như con đường quanh co dẫn chúng ta đến với chính mình.
Ta không bao giờ đánh mất khả năng đặt ra câu hỏi. Vì học tập và hưởng thụ là bí quyết của một cuộc sống viên mãn. Học tập mà không hưởng thụ sẽ khiến người ta buồn nản, hưởng thụ mà không học tập làm người ta ngu đi. Còn gì tuyệt vời hơn là thông qua nhận thức ngày càng cao để sống một cuộc đời có ý thức hơn như Friedrich Nietzche từng hy vọng trở thành “thi sĩ của đời mình”: có được ”khả năng nhìn hiện trạng của mình với con mắt nghệ sĩ, ngay cả trong đau khổ và những ngang trái khác mà ta phải đón nhận.”
Ý kiến bài viết