Một tiểu thuyết

Không giống như một cuốn giáo trình triết học khô khan với những thuật ngữ, khái niệm khó nuốt – nỗi ám ảnh của những sinh viên, đây là một cuốn tiểu thuyết viết về lịch sử triết học phương Tây và lập tức trở thành một best-seller trong những năm 1990. Cuốn tiểu thuyết đã đưa người đọc vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú qua 3000 năm triết học bằng một câu chuyện thần tiên của thời văn minh điện toán với hư ảo và hiện thực đan xen nhau tạo thành một thế giới hấp dẫn và đầy ấn tượng.

Triết học và triết gia

Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống? Nếu người ta hỏi một người đang đói thì đó là thức ăn, một kẻ đang lạnh thì đó là hơi ấm, và một ai đó đang cô đơn thì có lẽ là tình yêu. Mọi người đương nhiên cần cơm ăn, áo mặc và tình yêu. Nhưng còn có những điều hệ trọng khác mà ai cũng từng thắc mắc: thế giới được tạo ra như thế nào? Có chăng một ý chí hay một ý nghĩa đằng sau những gì đang xảy ra? Có chăng một sự sống sau cái chết? Và quan trọng nhất vẫn là: PHẢI SỐNG RA SAO ĐÂY?

Một lĩnh vực ra đời để đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi “viển vông” ở trên được gọi là Triết học. Những người đưa ra các câu trả lời cho những câu hỏi Triết học được gọi là các Triết gia – đó là những người “nhàn rỗi và luôn ngạc nhiên về mọi thứ”, như lời của một Triết gia cổ đại.

Hành trình triết học

Cuốn sách là cuộc phiêu lưu qua 3000 năm triết học phương Tây từ thời cổ đại, thời trung cổ, thời phục hưng, thời Ba rốc, thế kỷ ánh sáng, chủ nghĩa lãng mạn đến thời hiện đại. Chúng ta không thể nào nghĩ rằng tư tưởng này, tư tưởng nọ là đúng đắn hay vĩnh hằng và chúng ta cũng không thể nào tách một nhà triết học hay một tư tưởng ra khỏi bối cảnh lịch sử mà nhà triết học đó hiện diện hay tư tưởng đó đại diện. Thật ngớ ngẩn khi so sánh Socrates với Hegel. Vì sao? Vì hai người này sống trong hai bối cảnh lịch sử khác nhau cũng giống như việc so sánh 1kg với 1km.

Dù những vấn đề triết học quan hệ đến tất cả mọi người, nhưng mọi người không vì thế mà thành triết gia cả. Và cũng thật vô ích nếu phải tìm trong cuốn sách này những lời giải đáp như Thượng đế có hiện hữu hay không, liệu có một cuộc sống sau khi chết hay ta phải sống ra sao, nhưng đọc những gì mà các triết gia đã tư duy có thể giúp ta hình thành óc phê phán của chính chúng ta trước cuộc đời. Nhà thơ vĩ đại người Đức Von Goethe đã nói rất chí lý: “người nào không biết rút ra những bài học của 3000 năm chỉ sống vô tích sự”.