Cuốn sách đề cập đến những điều tưởng như nhỏ nhặt, không có ý nghĩa nhưng nếu được tích lũy theo thời gian đến một điểm đặc biệt – điểm bùng phát – và khi hội đủ điều kiện có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn lao ngay lập tức. Sự thay đổi ở đây là đột ngột và bùng phát dữ dội như kiểu một đại dịch ảnh hưởng trên phạm vi rộng và đến nhiều người. Nếu yêu bóng đá Việt Nam, có thể xem thời điểm xuất hiện huấn luyện viên Park Hang Seo như một điểm bùng phát giúp bóng đá Việt Nam thay đổi mạnh mẽ  ở mọi cấp độ đội tuyển và đạt được nhiều thành tích mà trước đó, dù là người lạc quan đến mấy, chúng ta cũng không thể hi vọng có được.

Tuy nhiên, điểm bùng phát sẽ vẫn mãi chỉ là một trạng thái tiềm năng nếu không hội đủ các điều kiện để tạo nên một đại dịch. Ba điều kiện là gì?

  • Người khởi phát (trong sách là Người kết nối (Connectors), Người thông thái (Mavens) và Người bán hàng (Salesmen)): Họ chiếm số ít trong xã hội nhưng lại là người có uy tín, tầm ảnh hưởng rộng và có tầm nhìn. Nếu xem thời điểm huấn luyện viên Park Hang Seo xuất hiện là điểm bùng phát thì có thể xem Bầu Đức chính là Người khởi phát trận “đại dịch” cho nền bóng đá Việt Nam.
  • Yếu tố kết dính (The Stickiness Factor): Chính là chất lượng của nội dung truyền tải. Huấn luyện viên Park Hang Seo dù tài năng, nhiệt huyết đến mấy nhưng nếu không xuất hiện đúng thời điểm bóng đá Việt Nam sản sinh ra những cầu thủ có chất lượng tốt từ những lò đào tạo như HAGL, PVF, v.v. thì cũng không thể thay đổi được gì.
  • Sức mạnh của hoàn cảnh (the Power of Context): Hoàn cảnh hay môi trường thuận lợi cũng góp phần không nhỏ cho đại dịch bùng phát. Có một huấn luyện viên tài năng, chất lượng cầu thủ vượt trội nhưng người dân không yêu bóng đá, đất nước không đầu tư cho bóng đá thì cũng không đi về đâu.

Cuốn sách dạy ta cách hi trọng đồng thời cũng dạy ta cách tôn trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Mỗi hành động, cách sống, lời nói, v.v. dù là nhỏ bé nhưng chính là khởi nguồn của những thay đổi không thể lường trước được.