Marcus Aurelius Antoninus

Marcus Aurelius Antoninus (121 -180): Hoàng đế La Mã từ năm 161 – 180, là người cuối cùng trong năm vị vua hiền của đế quốc La Mã. Cuốn Suy tưởng của ông được coi là một trong những tác phẩm triết học vĩ đại nhất, là nguồn quan trọng giúp thế giới hiện đại hiểu triết học Khắc kỉ thời Cổ đại.

Chủ nghĩa Khắc kỉ (Stoicism)

Triết học cổ đại chắc chắn có phương diện hàn lâm của nó. Athens và các thành phố lớn khác có những chức vụ như giáo sư triết được công khai tài trợ, và các nhà triết học chuyên nghiệp cũng giảng dạy, biện luận và viết như ngày nay. Nhưng triết học còn có một phương diện khác thực tế hơn. Nó không phải chỉ là chủ đề viết và biện luận, mà còn là cái được người ta mong đợi cung cấp một bản “đồ án cho cuộc sống”, một bộ quy tắc sống mà người ta sống theo nó.

Trong thời đại văn hóa cổ Hy Lạp chúng ta thấy nổi lên những môn phái triết học truyền bá những “hệ thống niềm tin” chặt chẽ mạch lạc, mà một cá nhân có thể chấp nhận toàn bộ, và được lập ra để giải thích vũ trụ trong tính toàn thể của nó. Nổi bật nhất là trường phái Khắc kỉ (Stoicism).

Trong các học thuyết trung tâm của thế giới quan Khắc kỉ chủ nghĩa, có lẽ quan trọng nhất là niềm tin không lay chuyển rằng thế giới được tổ chức theo một cách hợp lí, mạch lạc và chặt chẽ.

Đặc biệt hơn, thế giới ấy được kiểm soát và dẫn hướng bởi một lực lượng tràn ngập khắp nơi mà những người Khắc kỉ gọi bằng thuật ngữ Logos. Logos hoạt động cả trong cá nhân lẫn trong toàn thể vũ trụ. Trong cá nhân nó là khả năng suy lí. Trên bình diện vũ trụ nó là nguyên lí hợp lí chi phối việc tổ chức vũ trụ. Mọi sự đều được quyết định bởi Logos, và theo một chuỗi nhân quả vững chắc. Nhưng Logos không đơn giản chỉ là một lực lượng quan trọng chi phối và dẫn hướng thế giới. Nó còn là một chất có thật, tràn ngập thế giới này, không phải theo nghĩa ẩn dụ, mà trong một dạng cụ thể như oxy hay cacbon.

Trong các trường phái triết học chủ yếu thời La Mã, chủ nghĩa Khắc kỉ chính là một trường phái có sức thu hút lớn nhất. Không giống như một số môn phái khác, chủ nghĩa Khắc kỉ luôn luôn chấp thuận tham gia vào đời sống cộng đồng, và lập trường này đánh trúng vào thị hiếu của giới quý tộc La Mã. Chủ nghĩa Khắc kỉ La Mã là môn học thực hành – không phải là một hệ thống trừu tượng của tư tưởng, mà là một thái độ đối với cuộc sống.

Tác phẩm Suy tưởng

Marcus Aurelius thường được nhắc đến như là tinh thần của chủ nghĩa Khắc kỉ với tác phẩm Suy tưởng. Mặc dù tư tưởng Khắc kỉ là nền tảng cơ bản nhưng Suy tưởng cũng tham chiếu và trích dẫn một số lớn nhân vật, gồm cả những bậc “tiền bối” của Chủ nghĩa Khắc kỉ lẫn những đại diện của các trường phái đối thủ.

Với tác phẩm Suy tưởng, Marcus đang cố gắng trả lời những câu hỏi siêu hình học và đạo đức: tại sao chúng ta có mặt trên đời này? Chúng ta nên sống cuộc đời chúng ta như thế nào? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng những gì chúng ta đã làm là đúng?…Tuy nhiên cũng đáng chú ý tới một mẫu mực tư duy vốn là trung tâm của triết lí Suy tưởng đó là thuyết về ba kỉ luật: kỉ luật của nhận thức, của hành động và của ý chí.

Kỉ luật của nhận thức đòi hỏi rằng chúng ta phải duy trì tính khách quan tuyệt đối của tư tưởng, rằng chúng ta hãy bình thản thấy sự vật đúng như nó là. Nói cách khác, không phải các đối tượng và sự kiện mà chính các cách hiểu mà chúng ta áp đặt lên chúng mới là vấn đề. Vậy bổn phận của chúng ta là kiểm soát gắt gao năng lực tri giác của chúng ta, để bảo vệ trí óc chúng ta khỏi sai lầm.

Kỉ luật của hành động liên quan đến những mối quan hệ của chúng ta với người khác. Tất cả mọi người có một Logos chung, và tất cả có những vai để đóng trong bản thiết kế vĩ đại tức là thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tất cả là ngang bằng nhau và các vai trò được giao cho họ có thể đổi lẫn cho nhau. Bổn phận chúng ta phải hành động đúng không có nghĩa là chúng ta phải đối xử với người khác như ngang bằng với chúng ta; nó chỉ có nghĩa là chúng ta phải đối xử với người khác như họ xứng đáng được vậy. Và sự xứng đáng của họ được xác định một phần bởi vị trí của họ trong hệ thống tôn ti trật tự.

Kỉ luật của ý chí, theo một nghĩa nào đó là đối ứng với kỉ luật thứ hai, kỉ luật của hành động. Kỉ luật của ý chí chi phối thái độ của chúng ta đối với những sự vật không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, những sự vật mà thiên nhiên hay người khác làm, tác động đến chúng ta. Chúng ta kiểm soát những hành động của chúng ta, và chịu trách nhiệm về hành động ấy.

Cả ba kỉ luật gộp lại thành một cách tiếp cận toàn diện đối với đời sống. Chính vì lẽ đó một học giả người Pháp đã đề xuất tác phẩm Suy tưởng như là những bài tập tâm linh được soạn ra để an trú trong giây lát, chống lại stress và những hỗn độn rối ren của cuộc sống hằng ngày: một cuốn sách giúp tự lực theo đúng nghĩa đen.

Tuy nhiên, một học giả khác lại nhận định rằng: đọc Suy tưởng trong một thời gian dài có thể dẫn tới buồn nản sầu muộn. Marcus không hiến cho chúng ta một phương tiện để truy cầu hạnh phúc, mà chỉ có phương tiện để chống lại nỗi đau. Chủ nghĩa Khắc kỉ của Suy tưởng về cơ bản là triết học phòng thủ.

Một vài đoạn trích

Quyển 2, mục 7

Những việc bên ngoài làm sao nhãng bạn ư? Thế thì kiếm thời gian để học một cái gì xứng đáng: đừng để cho bản thân bạn bị kéo đi mọi hướng. Nhưng chắc chắn bạn phải cảnh giác với những loại nhầm lẫn khác. Những con người cần mẫn lao động cả đời nhưng không có mục đích nào để hướng mọi tư tưởng hay động lực của mình vào đó thì uổng phí cả đời.

Quyển 2, mục 13

Không gì thảm hại hơn những người cứ chạy vòng quanh “đào bới vào những gì nằm bên dưới” và điều tra thăm dò sâu vào linh hồn của những người xung quanh họ, mà không bao giờ nhận ra rằng tất cả những gì bạn cần làm là chăm chú vào cái sức mạnh bên trong bạn, và tôn thờ nó một cách chân thành.

Quyển 2, mục 14

Cho dù anh có sống thêm 3000 năm nữa, hay gấp 10 lần số đó, thì hãy nhớ: anh không thể mất một đời sống nào khác hơn cái đời mà anh đang sống đây, hay là sống một đời sống nào khác hơn cái đời mà anh đang mất. Cái dài nhất thì cũng bằng cái ngắn nhất. Hiện tại là như nhau với tất cả mọi người, và nên biết rõ rằng là tất cả những gì bị mất chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi. Vì anh không thể mất quá khứ hay tương lai, làm sao anh có thể mất cái mà anh không có?Hãy nhớ hai điều:

– Mọi vật luôn luôn là chính nó, nó cứ mãi lặp lại, cho dù anh có thấy một vật lặp lại 100 năm hay 200 năm, hay một khoảng thời gian vô tận thì cũng thế.

– Người sống lâu và người chết non cùng mất một thứ như nhau. Tất cả những gì y có thể từ bỏ là hiện tại, vì đó là cái duy nhất y có, và y không thể mất cái gì mà y không có.

Quyển 3, mục 1

Mỗi ngày trôi qua không chỉ cuộc sống cạn dần đi và cái còn lại cho chúng ta càng ít mãi, mà còn điều này nữa: nếu chúng ta sống lâu hơn, liệu ta có đảm bảo trí óc của chúng ta vẫn theo kịp hiểu biết thế giới không – kịp với suy tư vươn tới tri thức của thần linh và của con người. Nếu trí óc chúng ta bắt đầu đi lang thang, thì chúng ta vẫn thở, vẫn ăn, vẫn tưởng tượng ra mọi thứ, và vẫn cảm thấy sự thôi thúc v.v. Nhưng để đạt được những kết quả tốt nhất từ những cố gắng của bản thân chúng ta, suy tính xem bổn phận của chúng ta là gì, phân tích những gì chúng ta nghe thấy và nhìn thấy, quyết định đã đến lúc nên dừng lại hay chưa – tất cả những điều cần đến một trí óc lành mạnh để thực hiện, thì hư hết.Bởi vậy chúng ta cần gấp gáp lên. Không chỉ hằng ngày chúng ta đến gần hơn với cái chết, mà còn vì hiểu biết của chúng ta – việc nắm bắt thế giới của chúng ta – có thể bay mất trước khi chúng ta đến đó.

Quyển 3, mục 5

Hành động như thế nào? Không bao giờ hành động dưới sự cưỡng bức, vì lòng ích kỉ, không cân nhắc, còn nghi ngại. Đừng tô điểm những ý nghĩ của anh. Không nói thừa lời, không làm những hành động không cần thiết. Hãy để tinh thần trong anh tỏ ra là một người đàn ông, một người trưởng thành, một công dân, một người La Mã, một ông vua. Đảm nhận cương vị của mình như một người lính và kiên nhẫn chờ đợi tiếng gọi ra khỏi cuộc đời. Không cần lời thề hay nhân chứng. Hân hoan vui vẻ. Không đòi hỏi người khác giúp đỡ. Hay chờ người khác đem đên sự yên bình.Đứng thẳng, không phải nắn thẳng.

Quyển 4, mục 24

Nếu anh muốn tìm tĩnh lặng, hãy hành động ít đi. Hay (chính xác hơn): chỉ làm những gì thiết yếu, những gì Logos và xã hội đòi hỏi, và theo cách cần thiết. Điều này mang lại sự thỏa mãn kép: làm ít đi, nhưng tốt hơn.Bởi vì những gì chúng ta nói và làm là không thiết yếu. Nếu anh có thể hạn chế nó, anh sẽ có nhiều thời gian hơn, và nhiều tĩnh lặng hơn. Ở mỗi khoảnh khắc, hãy tự hỏi: “cái này có cần thiết không?”

Quyển 4, mục 39

Không có cái gì diễn ra trong óc của người khác có thể làm hại anh. Những biến chuyển và đổi thay trong thế giới xung quanh anh cũng thế. Thế thì cái hại nằm ở đâu? Trong cái khả năng anh nhìn thấy nó. Thôi đừng nhìn nữa và mọi chuyện sẽ ổn. Hãy bắt cái bộ phận trong anh có xét đoán như thế câm lặng, ngay cả khi thân thể anh bị đâm, bị đốt, chịu mưng mủ hôi hám, hay ung nhọt tàn phá. Hoặc diễn đạt cách khác, cần nhận thức rằng: tất cả mọi điều xảy ra cho mọi người – người tốt hay kẻ xấu – cũng đều không tốt không xấu. Những gì xảy ra cho mọi cuộc đời – sống tự nhiên hay không tự nhiên – cũng đều không tự nhiên hay không trái tự nhiên.

Quyển 5, mục 23

Để ý xem mọi vật trôi qua và biến mất nhanh như thế nào – những gì mới lúc này đây, đã qua đi. Cuộc sống trôi qua chúng ta như một dòng sông, cái “là gì” nằm trong dòng chảy miên viễn, cái tại sao có hàng ngàn biến thể. Không cái gì ổn định, ngay cả cái đang ở đây lúc này. Cái vô cùng của quá khứ và tương lai há hoác trước mắt chúng ta, một kẽ nứt sâu không đáy.Vậy chỉ những anh ngốc mới thấy mình quan trọng, hay đau khổ. Hay phẫn nộ. Làm như những chuyện gây bực tức cho chúng ta cứ còn mãi.