Mở đầu
Tôi biết đến cuốn sách này qua reading list của Bill Gates. Khi hơi thở hóa thinh không (tên gốc: When Breath Becomes Air ) là cuốn tự truyện của Paul Kalanithi – tiến sỹ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Ấn – được viết trong giai đoạn tác giả phải đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Cuốn sách là những chia sẻ đầy trăn trở về nghề y, về sự sống và cái chết với tư cách một bác sỹ và một bệnh nhân như chính lời của tác giả:
Nguồn: gatesnotes.com
Một bác sĩ phẫu thuật thần kinh
Bạn không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới.
Tôi biết tới y học chỉ bằng sự thiếu vắng nó – cụ thể là sự thiếu vắng người cha đang trên đà sự nghiệp, người luôn đi làm trước bình minh và chỉ trở về với đĩa thức ăn hâm lại lúc trời đã tối…Động cơ thôi thúc tôi nhiều hơn không phải là những thành tựu mà là muốn tìm hiểu: Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa?
Tôi bắt đầu trong sự nghiệp này, một phần nào đó, nhằm theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt. Ngành phẫu thuật thần kinh thu hút tôi không chỉ ở sự quấn quýt của não bộ và ý thức mà còn ở sự quấn quýt của sinh và tử. Tôi đã nghĩ rằng cuộc đời nằm giữa khoảng trống của sự sống và cái chết có thể đem tới cho tôi không chỉ một sân khấu cho những hành động trắc ẩn mà còn là sự nâng cấp về tồn tại của chính bản thân tôi: tránh càng xa càng tốt những vật chất tầm thường, những tự cao tự đại, để mà đi tới nơi đó, trọng tâm của vấn đề, những quyết định và vật lộn thực sự giữa sống-và-chết…
Kỹ thuật xuất sắc chưa đủ. Là một bác sỹ nội trú, lý tưởng cao nhất của tôi không phải là cứu lấy mạng sống – ai rồi cũng phải chết – mà là dẫn dắt để người thân và gia đình họ có được sự thấu hiểu về cái chết hoặc bệnh tật….
Chúng tôi mang trên mình một cái ách nặng nề về trách nhiệm trọng đại. Cuộc sống của bệnh nhân và nhân diện của họ có thể nằm trong tay chúng tôi, song cái chết sẽ luôn chiến thắng. Cho dù bạn có hoàn hảo, nhưng nhân gian thì không. Bí kíp là bạn biết rằng cuộc đời đã chơi gian, rằng bạn rồi sẽ thua, rằng đôi tay hay phán đoán của bạn sẽ sơ sẩy và dù vậy vẫn cần phải vật lộn để giành chiến thắng cho bệnh nhân của mình. Bạn không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới.
Một bệnh nhân
Suy cho cùng cũng chỉ chạy đua theo gió thoảng
Như những bệnh nhân của mình, tôi phải đối mặt với cái chết và cố gắng hiểu được điều gì khiến cuộc đời mình đáng sống… Sau bao nhiêu năm chung sống với việc tử, tôi đã hiểu rằng cái chết dễ dàng nhất không hẳn là cái chết tốt nhất.
Tôi thức giấc trong đau đớn, phải đối mặt với một ngày mới nữa. Ngoài bữa sáng, không có kế hoạch nào có vẻ khả thi. Tôi đã nghĩ mình không thể tiếp tục và rồi ngay lập tức, tiếng hồi đáp vang lên trong câu niệm chú của Samuel Beckett mà tôi đã từng học thời đại học: Tôi sẽ tiếp tục. Tôi ra khỏi giường, bước thêm một bước, lặp đi lặp lại mẫu câu: “Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.”
Cuối cùng, không thể nghi ngờ rằng mỗi chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần bức tranh. Bác sĩ nhìn thấy một phần, bệnh nhân nhìn thấy phần thứ hai, kỹ sư phần thứ ba, nhà kinh tế phần thứ tư,… Kiến thức của con người sẽ không bao giờ chứa đựng chỉ trong một con người. Nó nảy sinh từ mối quan hệ mà chúng ta tạo ra gữa mỗi con người với nhau và với thế giới, và vẫn không bao giờ hoàn chỉnh.
Thời gian với tôi như một con dao hai lưỡi: Mỗi ngày mang tôi đi xa khỏi thời điểm tệ hại của lần phát bệnh trước nhưng gần hơn tới lần tái phát kế tiếp – và cuối cùng, cái chết. Có lẽ muộn hơn tôi nghĩ nhưng chắc chắn là sớm hơn tôi mong muốn. Có hai phản ứng trước nhận định rõ ràng đó. Điều hiển nhiên nhất có lẽ là sự thôi thúc về hành động điên rồ: để “sống trọn vẹn cuộc đời”, để du lịch, để ăn uống, để đạt được một lố những tham vọng bị bỏ quên. Bên cạnh đó, phần tàn nhẫn của ung thư đó là nó không chỉ giới hạn thời gian của bạn, nó giới hạn cả nguồn năng lượng, hạ thấp một cách thê thảm những gì bạn có thể làm được trong một ngày. Trong cuộc đua hiện giờ là một con thỏ mỏi mệt. Và thậm chí ngay cả khi tôi có năng lượng, tôi vẫn ưa chuộng phương thức của chú rùa. Tôi lê từng bước một, tôi cân nhắc. Có những ngày tôi đơn thuần là bền bỉ duy trì.
Tất cả mọi người đều đầu hàng trước tính hữu hạn. Tôi ngờ rằng mình không phải người duy nhất đã đi tới thì quá khứ hoàn thành này. Hầu hết đam mê đều có thể đạt được hoặc bị bỏ rơi; và dù thế nào chúng cũng thuộc về quá khứ. Tương lai, thay vào đó, là một chiếc thang hướng tới mục tiêu cuộc sống, trải phẳng trong một thì hiện tại vĩnh hằng. Tiền bạc, danh vọng, tất cả những thứ phù phiếm…đều vô nghĩa: suy cho cùng cũng chỉ chạy đua theo gió thoảng.
Lời kết
Ai dạy con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống.
Nếu chúng ta từng thổn thức trước những lời tâm tình của Randy Pausch – một chuyên gia máy tính – trong Bài giảng cuối cùng, thì giờ đây với Hơi thở hóa thinh không, chúng ta lại phải thổn thức trước những chia sẻ đầy xúc động của Paul Kalanithi – một chuyên gia về giải phẫu thần kinh. Cả hai đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình và đều cùng mắc bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn trẻ, còn nhiều ước mơ, và có một gia đình để chở che. Mặc dù đang giai đoạn sắp chết, nhưng họ vẫn luôn luôn lạc quan và truyền cảm hứng cho chúng ta rằng, ai cũng có một điều vô cùng quý giá, hơn hẳn tất cả mọi điều, đó là cuộc sống. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải trân trọng cuộc sống, biết ơn vì đã là một phần của cuộc sống. Như triết gia Michel De Montaingne từng nói: ai dạy con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống.
Ý kiến bài viết