Những năm 60, 70 là những năm mà Người Nhật đã phải trải qua một cuộc sống đầy xung đột, căng thẳng giữa một bên là những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, và một bên là ”phong trào Joint Campus; chủ nghĩa Mác; những quyển tiểu thuyết phi lý của Camus; chuyện tự sát, tự do tình dục; chế độ quân phiệt và tôn giáo; phong trào bạo động của sinh viên; ban nhạc The Beatles; chủ nghĩa hư vô; ” Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất không ai khác chính là những người trẻ tuổi – những người nhạy cảm nhất với sự thay đổi . Đó là Watanabe và Naoko trong Rừng Nauy, Tsukuru và nhóm bạn “sắc màu” trong Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương và giờ đây là  nhóm bạn của Kensuke Yazaki trong tác phẩm 69 của một tác gia Murakami khác – Ryu Murakami. Khác với dư vị buồn, ảm đạm trong hai tác phẩm của Haruki Murakami, 69 của Ryu Murakami lại mang đến một luồng gió mát và ngào ngạt hương thơm của tuổi trẻ – cái tuổi “thanh xuân bất diệt”.

Những âm mưu: khát vọng điên rồ và tình yêu thuần khiết

Nhân vật chính là Kensuke Yazaki, chàng trai 17 tuổi và đang học phổ thông, kết bạn với Adama và Iwase. Bên cạnh những câu chuyện hài hước, nhẹ nhàng về những chàng trai cô gái tuổi mới lớn như chuyện tò mò về giới tính, chống đối người lớn, trốn nhà đi bar, đi xem phim sex, phong trào phong toả trường học,…, thì 69 nổi bật lên là các “ÂM MƯU” rất dễ thương của chàng trai trẻ Kensuke Yazaki. Các “âm mưu” xoay quanh những chuyện “đại sự”  gây tiếng vang trong giới học sinh và những chuyện “tiểu sự” liên quan đến các cô gái (tôi tạm chia thành “đại sự” và “tiểu sự”).

Nói về “đại sự”, Ken (tên gọi tắt của nhân vật chính của chúng ta) và nhóm bạn của mình có hai âm mưu: đầu tiên là tham gia phong trào phong toả trường học – mặc dù âm mưu này không phải xuất phát từ chính khát vọng của Ken, nó chỉ đơn giản là vì để “lấy lòng” một cô gái mà Ken si mê, Kazuko Matsui với đôi mắt như chú nai Bambi – và đó là một hành trình thực hiện “âm mưu” cười ra nước mắt của Ken và nhóm bạn như thám hiểm phòng thay đồ của các học sinh nữ hay phi vụ “ỉa chảy” của Nakamura. Âm mưu đầu tiên thực hiện rất thành công, gây tiếng vang lớn trong giới học sinh, nhất là các học sinh nữ trong đó có Kazuko Matsui (Ken nhận được một bó hoa hồng đầy ngưỡng mộ) mặc dù Ken và nhóm bạn của mình phải trả giá bằng hình phạt 119 ngày quản thúc tại nhà. Âm mưu “đại sự” thứ hai là thực hiện một đại nhạc hội và là một thành công vang dội – một phần nhờ thừa hưởng từ thành công của âm mưu ban đầu. Đại nhạc hội mang tên đầy khiêu khích “Đại nhạc hội Bình minh dựng đứng” với các tấm vé bán ra in hình một em gái tô son môi và đằng sau là hình ảnh một dương vật dựng đứng bên trong lồng một cảnh núi lửa phun hoành tráng. Quả là biểu tượng đầy khiêu khích, khơi gợi và điên rồ của tuổi trẻ.

Nếu các âm mưu “đại sự” thành công vang dội bao nhiêu thì những âm mưu “tiểu sự” càng thất bại thê thảm bấy nhiêu. Âm mưu “tiểu sự” đầu tiên là lúc Ken 16 tuổi. Âm mưu này xuất phát từ suy nghĩ “ngây thơ” của một cậu nhóc 16 tuổi:”16 tuổi mà vẫn còn là trinh nam tử thì là chuyện hệ trọng đấy” và chàng đã bỏ nhà ra đi vừa để trốn cuộc thi điền kinh mà chàng ta ghét cay ghét đắng, vừa để thực hiện âm mưu tìm kiếm một cô gái để hiến dâng cái “trinh nam tử” của mình. Nhưng, thay vì tìm thấy một cô gái có “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, thì lại là một mụ đen thui, mặt mũi như gấu trúc và âm mưu đã thất bại một cách chóng vánh. Hai âm mưu “tiểu sự” kế tiếp là nhằm tìm kiếm “nụ hôn đầu đời” với cô gái có đôi mắt như chú nai Bambi, Kazuko Matsui. Lần đầu là trong quá trình thực hiện “Đại nhạc hội Bình minh dựng đứng”, Ken và Kazuko Matsui có cơ hội tập diễn cùng nhau và chàng lúc nào cũng tìm mọi cách để thiên thần của mình mất hết lý trí để thực hiện “âm mưu mờ ám” nhưng khi chàng có cơ hội mười mươi để hôn nàng thì một cảm giác ”run bắn người lên, cổ họng khô rốc, và đôi môi tuyệt đẹp của thiên thần làm chàng sững sờ, khiến chàng không đủ dũng cảm chạm môi mình vào đó” và âm mưu bất thành với một câu hỏi “mùa đông này mình ra bãi biển chơi nghe em”. Và lần thứ hai là khi Ken với Kazuko hẹn nhau ra bờ biển, nhưng thay vì một nụ hôn nồng cháy, thì lại là một buổi xem phim giết chóc ghê rợn, buổi ăn trưa khô khan, và cuối cùng là trở về nhà. Lại là một thất bại buồn. Tuổi trẻ là thế đấy. Rất nổi loạn, điên rồ, nhưng đôi khi lại trong sáng, nhút nhát trong tình yêu biết nhường nào.

Vẫn điên rồ sau bấy nhiêu năm…

Ken và Kazuko Matsui đã chia tay vào năm 1970 (không biết trước đó hai người có kịp hôn nhau chưa nữa???) để lại nỗi buồn miên man cho chàng trai trẻ “tối hôm đó, tôi đã uống cạn một chai Whisky Kaku, nửa chai rượu trắng Sunory, một chai vang đỏ và hai đĩa cari, hai chén bò hầm. Sau đó, vào lúc sáng sớm, tôi lấy sáo ra chơi, kết quả là tên yazuka nhỏ tuổi sống chung căn hộ phàn nàn là tôi làm hắn mất ngủ và thoi tôi bốn quả vào mặt”. Nỗi buồn nào rồi cũng vơi, Ken trở thành một nhà văn nổi tiếng, Kazuko có chồng, và những người bạn của Ken mỗi người đều có con đường đi cho riêng mình. Ken và Kazuko tuy chia tay nhưng thỉnh thoảng hai người vẫn liên lạc với tư cách là “bạn bè”. Câu chuyện kết thúc với một bức thư Kazuko gửi cho Ken và cuối thư nàng viết một câu tiếng Anh từ bản nhạc của Paul Simon:

Vẫn điên rồ sau bấy nhiêu năm…

Chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa thực dụng, phim ảnh, sách báo đồi truỵ, tư tưởng lệch lạc, v.v… đang dần dần huỷ hoại cả một thế hệ. Làm sao cân bằng được những giá trị truyền thống và hiện đại, cũ và mới, văn minh và lạc hậu,…? Làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ trẻ được tự do học hỏi, phát triển, và hội nhập nhưng vẫn không đánh mất sự trong sáng, lành mạnh, và khát vọng sáng tạo, cống hiến? Nhật Bản đã đi trước Việt Nam hàng chục năm, thành công tột bậc nhưng cũng phải trả giá không ít. Bài học của người Nhật xứng đáng là tấm gương để chúng ta học hỏi. Hãy xem một người cha Nhật Bản đối xử như thế nào khi con mình, một cậu bé 17 tuổi, mắc sai lầm (lúc Ken bị phát hiện tham gia trong âm mưu phong toả trường học):

Hãy nhìn thẳng vào họ. Cha tôi nói, “khi hiệu trưởng phỉ báng con, đừng nhìn ra chỗ khác hay cúi đầu gì cả. Cha không muốn con phải khúm núm trước người ta. Con chẳng cần phải nghêng ngang nhưng cũng không cần thiết phải khúm núm vì sự thật con không phải phạm tội giết người, cướp của hay hiếp dâm. Con đã tin vào những gì con làm và bây giờ hãy chịu trách nhiệm với những hành động đó.”