Tôi đã biết tới Murakami cách đây 1 năm, kể từ cái lần đọc “Rừng Na Uy”. Thú thật rằng, tôi đọc cuốn tiểu thuyết này vì tò mò, vì độ nổi tiếng của nó, hơn là tự mình cảm nhận qua việc tốn hàng giờ liền đi vòng quanh các nhà sách như là hầu hết những cuốn sách mà tôi từng mua và đọc. Khi đọc Rừng Na Uy lần đầu, tôi thấy nó như là một dạng “dâm thư” trá hình và tôi đã đưa nó vào dạng những cuốn sách cần tống khứ gấp. Nhưng sau một thời gian, một lần tình cờ – cũng không hiểu vì sao lại thế, tôi lại đọc cuốn sách ấy lần thứ hai và khác với lần trước, lần này tôi bị chinh phục hoàn toàn và Rừng Na Uy đã có một vị trí trang trọng trên kệ sách nhỏ bé của tôi. Kể từ lần đó, tuy biết tới tên tuổi Murakami, nhưng tôi vẫn chưa đọc cuốn tiểu thuyết nào khác của ông (dù đọc thêm Rừng Na Uy 1, 2 lần nữa), cho tới gần đây.

Murakami

Không như Rừng Na Uy – tò mò vì sự nổi tiếng, cuốn tiểu thuyết “TAZAKI TSUKURU không màu và những năm tháng hành hương” đến với tôi một cách tình cờ trong một lần lang thang ở nhà sách. Ấn tượng đầu tiên là tác giả, hẳn nhiên rồi. Chính Murakami đã khiến tôi cầm cuốn sách lên và bìa cuốn sách cùng với cái cảm giác “vật lý” – cái cảm giác chỉ có với sách giấy và không thể nào có được từ các cuốn sách điện tử (ebook) – mà nó mang lại đã khiến tôi phải lật vài trang lướt qua. Và cái quyết định khiến tôi bỏ tiền mua và mang về nhà đọc một mạch chính là tiêu đề cuốn sách. Tại sao lại là TAZAKI TSUKURU không màu? Phải chăng là Tazaki Tsukuru là một đồ vật gì đó và không có màu sắc? Những năm tháng hành hương là đi đâu? Thánh địa Mecca chăng? Và ai hành hương?  v.v… và rất nhiều câu hỏi tương tự và chính chúng đã tạo ra một thôi thúc khiến tôi muốn đọc hết cuốn sách này.

Tazaki Tsukuru không phải là đồ vật mà là một chàng trai, nhân vật chính của câu chuyện. Mở đầu cuốn sách là hình ảnh một chàng sinh viên tên là Tsukuru – sinh ra, học phổ thông ở Nagoya, học Đại Học ở Tokyo –  đang tuyệt vọng và muốn tìm cái chết. Điều gì khiến anh tuyệt vọng và muốn lìa bỏ cõi đời? Đọc một hồi mới biết lý do thật sự là anh bị nhóm bạn thân cấp 3 khai trừ ra khỏi nhóm mà không hiểu vì sao mình bị đối xử như vậy. 5 tháng tiếp theo kể từ lần bị khai trừ, anh ta sống dằn vặt, đau đớn, hụt hẫng như “bị quẳng xuống giữa đại dương trong màn đêm cô độc từ mặt boong của một con tàu đang trên chuyến hải hành. Nhưng khi bên bờ vực của cái chết, Tsukuru đột nhiên tỉnh táo – một dạng hồi sinh tinh thần – và muốn sống trở lại. Anh ta bắt đầu chú ý chăm sóc bản thân hơn, học tập chăm chỉ hơn, ra trường có một công việc làm như ý (kỹ sư thiết kế đường sắt), thừa kế gia sản “tương đối” từ người cha đã mất, hẹn hò với một vài cô gái và thấm thoắt 16 năm trôi qua, anh ta gặp Sara – cô gái làm tour du lịch và hơn mình 2 tuổi. Chính Sara là người đã giúp Tsukuru đối diện với cái ký ức hay nỗi đau  đã được anh chôn chặt trong lòng – cái ký ức đã được che đậy một cách tinh vi trong suốt 16 năm và chỉ có thể len lỏi vào trong giấc mơ của anh ta, khi mà ý thức nhường chỗ cho cái vô thức. Ký ức có thể che dấu nhưng lịch sử thì không thể thay đổi. Ký ức như những đồ vật cũ, có lúc chúng mang lại một cảm giác khoan khoái nhè nhẹ, có lúc mang lại một nỗi buồn man mác hay đơn thuần chỉ như một cơn gió thoảng qua. Lưu giữ chúng lại một cách trân trọng hay để chúng tự đến rồi đi nhẹ nhàng một cách không hề nuối tiếc là lựa chọn của mỗi người.

Tuổi trẻ và sắc màu

Những năm tháng cấp 3 là những năm tháng đẹp nhất của mỗi đời người, chỉ biết học, ăn, ngủ, vui chơi, và không suy nghĩ quá nhiều về những trách nhiệm ABC của thế giới người lớn (lớn tuổi). Như hầu hết những người cùng tuổi, Tsukuru cũng có một nhóm bạn thân. Nhóm gồm 5 người (3 nam, 2 nữ). Mục đích của nhóm rất rõ ràng là giúp nhau học tập, chia sẻ buồn vui, cùng nhau làm thiện nguyện, và một nguyên tắc rất quan trọng – không để chuyện giới tính nam nữ xen vào nhóm. Hay nói cách khác, giới tính bị nhóm “phớt lờ” một cách không thương tiếc (nhưng liệu nó có để yên hay không lại là chuyện khác). Nhóm rất gắn kết và nó mang đến cho Tsukuru một cảm giác tự hào là một phần của nhóm, đến nỗi anh ta luôn muốn nhóm tồn tại mãi mãi (tuổi trẻ mà!) và luôn lo sợ một ngày nào đó nhóm tan rã (hẳn nhiên rồi!). Và một điều khác cũng khiến Tsukuru trăn trở, là tại sao những người bạn kia lại chấp nhận anh ta là một thành viên của nhóm – cái khối ngũ giác hài hoà và thống nhất, như cách gọi của Tsukuru.

Dưới cái nhìn của Tsukuru, mỗi người bạn của anh đều có một cá tính hay một màu sắc riêng, và anh ta đã gán cho họ những màu sắc cụ thể là xanh, đỏ, đen, và trắng. Những người bạn kia cũng vui vẻ với cách gọi tên theo màu sắc thay vì tên thật, nhưng riêng Tsukuru vẫn là Tsukuru. Vì sao Tsukuru vẫn là Tsukuru mà không phải là một màu sắc nào – như những người bạn kia? Đơn giản vì Tsukuru tự nhận mình không có cá tính hay màu sắc nào. Cách cư xử, lối sống, suy nghĩ, v.v… của Tsukuru luôn luôn là – theo cách nghĩ của anh ta – trung lập hay trung tính hay trung dung, gọi bằng tên nào cũng được, đại khái là nó nằm đâu đó ở giữa mà không thuộc về bên nào.

Sự khai trừ, Haida và Những năm tháng hành hương

Tưởng rằng mối quan hệ với nhóm là mãi mãi nhưng rồi một ngày kia Tsukuru bị nhóm khai trừ một cách không rõ nguyên nhân, lạnh lùng, và dứt khoát. Bị khai trừ đột ngột, không rõ lý do, Tsukuru tuyệt vọng cùng cực, phải trải qua 5 tháng với một tâm trạng chán chường và một ý thức muốn tự sát. Vượt qua được cuộc khủng hoảng vì bị vứt bỏ, Tsukuru kết bạn với một cậu sinh viên nhỏ tuổi hơn mình tên là Haida một cách tình cờ trong một lần tập bơi (để lấy lại vóc dáng sau một thời gian khủng hoảng). Hai người cùng chia sẻ những câu chuyện, quan điểm sống, hỗ trợ nhau bơi lội, ăn uống cùng nhau, nghe nhạc cổ điển cùng nhau – và lúc này Tsukuru biết đến tác phẩm Le Mal du Pays (những năm tháng hành hương) của Liszt.

Bên lề: Việc lấy tên một bản nhạc cổ điển làm tên cho  tiểu thuyết của mình không phải chỉ có ở tác giả Murakami, nó cũng làm tôi nhớ đến một tác giả vĩ đại khác là Lev Toltoy với tác phẩm Bản Sonata Kreutzer – lấy tiêu đề một tác phẩm của Beethoven.

Và sau một thời gian ngắn ngủi trong “mối quan hệ bạn bè thân thiết”, Haida lại biến mất khỏi Tsukuru một cách đột ngột, không một lời nhắn gửi. Nhưng lần này, Tsukuru không cảm thấy bị sốc như lần bị nhóm 4 người bạn “vứt bỏ”  mà với một tâm trạng tĩnh tại. Có lẽ, đúng như lời Haida từng nói, khởi sinh của phản tỉnh là nỗi đau.

Sara và chuyến hành hương của Tsukuru

Sau khi vượt qua được khoảng thời gian khủng hoảng, Tsukuru đã kết bạn với hai người – đúng nghĩa là bạn. Người đầu tiên – khi còn là sinh viên – là Haida, nhưng mối quan hệ này cũng nhanh chóng chấm dứt với sự biến mất không rõ nguyên nhân của Haida, và người thứ hai – khi ra trường và làm công việc thiết kế đường sắt – là Sara. Sara là người bạn và một khía cạnh nào đó là người tình (ngủ cùng nhau hai lần) của Tsukuru. Chính Sara đã giúp Tsukuru đối diện với ký ức buồn về bốn người bạn, bốn con người cho đến giờ vẫn đeo đẳng trên lưng gã và Sara cũng muốn tìm hiểu thông tin về bốn “con người” này một phần vì Tsukuru, một phần vì tò mò, và một phần vì– theo như lời chia sẻ của cô – khi được cậu âu yếm, tôi có cảm giác như cậu đang ở đâu đó bên ngoài. Ở một nơi cách xa chỗ chúng ta đang yêu.

Trong thế giới hiện đại và với công nghệ hiện đại, việc tìm lại những người bạn, những người thân sau một thời gian lưu lạc là chuyện vô cùng dễ dàng, nhưng – theo lời Sara – về cơ bản, chúng ta đang sống trong một thế giới dửng dưng, nhưng đồng thời cũng bị bao bọc bởi một khối lượng thông tin khổng lồ về những con người khác. Nếu muốn, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể lấy được những thông tin như thế. Dẫu vậy, chúng ta thật sự gần như chẳng biết gì về mọi người.

Với những thông tin do Sara cung cấp, Tsukuru đã có chuyến “hành hương” tìm lại những người bạn của mình – Xanh và Đỏ vẫn làm việc tại quê nhà Nagoya, Đen lấy chồng ở Helsinki – Phần Lan, và Trắng thì đã chết vì bị sát hại. Gặp lại những người bạn cũ, Tsukuru vỡ lẽ nhiều điều về nguyên nhân mình bị nhóm “khai trừ” một phần từ Xanh và Đỏ, một phần từ người bạn gái đã từng thầm yêu trộm nhớ mình và cũng rất thân với Trắng là Đen, và một phần từ những suy tư của chính bản thân.

Thủ đô Helsinki – Phần Lan

Nỗi đau – một phần tất yếu của cuộc sống

Kết thúc chuyến “hành hương”, Tsukuru có thể đã hiểu ra nhiều điều, đã tìm ra nguyên nhân mình bị “khai trừ” nhưng quá khứ là quá khứ, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, không thể lùi lại được nữa, và trên hết, Tsukuru đã thấy được tầm quan trọng của nỗi đau trong cuộc sống:

lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hoà. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn để của sự hài hoà đích thực.