Bất kỳ ai, những người đam mê đọc sách, đều hi vọng cuốn sách mình đọc có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức. Đọc sách là một cách mở mang trí tuệ, kết nối tri thức nhân loại. Trong thời đại ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với vô vàn các cuốn sách hay từ khắp năm châu bốn bể cả về bản gốc lẫn các bản dịch; bản gốc thì không phải độc giả nào cũng có thể “nuốt trôi” không những do nội hàm sâu sắc mà còn ở rào cản ngôn ngữ – lúc này, các dịch giả đóng một vai trò vô cùng quan trọng.Với tôi, đọc các cuốn sách chuyên ngành thì luôn chọn bản ngôn ngữ gốc ( thường là tiếng Anh) do cũng có một vài kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, nhưng các sách khác – tôi thích đọc nhiều chủ đề khác nhau – thì thường tôi đọc các bản dịch. Với các tác phẩm liên quan đến Triết học dịch giả tôi kính nể nhất là Bùi Văn Nam Sơn, với các tác phẩm phổ biến khoa học thì tôi trân trọng Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Văn Thiều, và các loại sách chứa đựng tri thức giao thoa giữa hai lĩnh vực Triết học và Khoa học – như cuốn Đạo của Vật lý – thì không ai hơn Nguyễn Tường Bách.

Đạo của Vật lý bàn về sự tương đồng giữa Đạo học phương Đông và khoa học phương Tây mà đại diện là lĩnh vực Vật lý. Rõ ràng rằng, để nói lên điểm tương đồng giữa hai lĩnh vực “khó nhằn” này, tác giả cuốn sách, Fritjof Capra, phải có sự hiểu biết tương đối sâu sắc về cả hai lĩnh vực – để hiểu được mỗi lĩnh vực thì cũng tốn không ít thời gian, đôi khi là cả đời người. Một tác phẩm, ngay từ khi vừa ra đời, đã làm nổi lên biết bao cuộc tranh luận trái chiều trong giới hàn lâm phương Tây. Ý kiến ủng hộ thì cho đây là một cuộc cách mạng tư duy, ý kiến phản đối – một phần do chưa hiểu hay định kiến tư tưởng phương Đông – thì chỉ trích tác giả vì cho rằng không thể có sự tương đồng nào giữa một lĩnh vực khoa học mang tính thực nghiệm và có thể kiểm tra qua thực tế và một lĩnh vực “mơ hồ” chỉ tồn tại qua một vài cuốn sách hay một vài lời kể lại, không thể kiểm tra qua thực tế. Nhưng dù thế nào thì đây cũng là một tác phẩm rất tuyệt vời và nó cũng khẳng định một niềm tin cơ bản của tác giả – như chia sẻ trong Lời nói đầu – “mối hoà điệu sâu xa giữa các quan niệm, được trình bày trong ngôn ngữ của khoa học hệ thống, và những ý niệm tương tự của đạo học phương Đông, là những bằng cớ thuyết phục cho sự đoán quyết của tôi, là triết lý của các truyền thống đạo học, cũng có tên gọi là triết học vĩnh cửu, cung cấp một cơ sở triết học nhất quán cho các lý thuyết khoa học hiện đại của chúng ta.

Nguyễn Tường Bách – người am tường cả ngôn ngữ, triết học, và cả khoa học hiện đại – đã cống hiến một bản dịch xuất sắc cho một tác phẩm xuất sắc.

Một vài tương đồng giữa tư tưởng phương Đông (PĐ) và Vật lý hiện đại (VL)

: cốt tuỷ của thế giới quan phương Đông (với các đại diện là Ấn Đô giáo, Phật giáo, và Lão giáo) là ý thức về tính nhất thể và mối tương quan của mọi sự vật, mọi biến cố, và mọi hiện tượng trong thế giới đều là biểu hiện của một thực thể cơ bản duy nhất.

VL: hình dung thế giới như một mạng lưới gồm toàn những tiến trình, gồm toàn những liên hệ chồng chéo lên nhau, tác động lẫn nhau, và quyết định cơ cấu của toàn bộ mạng lưới.

: thừa nhận tính cá thể của mọi sự, nhưng đồng thời ý thức rằng, trong tính toàn thể bao trùm thì mọi khác biệt và đối lập đều tương đối cả.

VL: vật chất và lực, sóng và hạt, vận động và tĩnh tại, có và không, đó là vài cặp khái niệm đối lập nhau, và chúng đã được vật lý hiện đại xem là những khía cạnh khác nhau của một thực tại duy nhất. Vì vậy những cái đối lập này chỉ là tương đối.

: các bậc hiền nhân, khi ở trong tình trạng ý thức cao cấp hay “giác ngộ”, họ không những ra khỏi một không gian ba chiều bình thường – mà còn mạnh hơn – họ còn vượt qua sự cảm nhận thời gian thông thường. Thay vì những khoảng thời gian tuyến tính họ chứng một thực tại vô tận, phi thời gian, năng động, và khi họ vượt qua thời gian thì họ cũng vượt qua nhân quả.

VL: với thuyết tương đối, không gian và thời gian là tương đối và thống nhất trong một cơ cấu năng động không – thời gian. Với thuyết lượng tử, mọi biến cố trong không-thời gian đều liên hệ với nhau, nhưng các mối liên hệ này không có tính nhân quả (thể hiện cụ thể trong sự tương tác hạt).

: có một thực tại được xem là thực thể của vũ trụ, nó là nguồn gốc của muôn hình vạn trạng sự vật và biến cố. Tự tính của thực thể này là luôn luôn hiện hành hàng tỉ sắc hình, chúng sinh thành và biến hoại, chúng chuyển hoá từ cái này qua cái khác một cách vô tận, hay nói cách khác, tự tính của nó là ĐỘNG. Tự thân thế giới là vận động, trôi chảy, và biến dịch.

VL: Vũ trụ không hề tĩnh tại, nó đang giãn nở; các hạt của thế giới hạ nguyên tử rất năng động, không những vì chúng vận hành nhanh chóng, mà còn vì bản thân chúng là những tiến trình. Sự hiện hữu của vật chất và hoạt động của chúng không thể tách rời. Chúng đều chỉ là hai khía cạnh của một thể thực tại không – thời gian.

: nhấn mạnh tính nhất thể động giữa Không và Sắc, Sắc do Không tạo ra qua câu nổi tiếng trong Phật giáo: Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Cái gì là Sắc, cái đó là Không. Cái gì là Không, cái đó là Sắc.

VL: lý thuyết trường buộc chúng ta phải từ bỏ sự phân biệt cổ điển giữa hạt mang khối lượng và không gian trống rỗng, và với việc phát hiện ra mối quan hệ động giữa hạt giả và không gian trống rỗng đã khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa vật chất và không gian.

Đọc thêm: Lược sử thời gian, Từ xác định đến bất định, ĐÔNG -TÂY…TÂY – ĐÔNG