Haruki Murakami là một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật – được đề cử giải Nobel Văn học năm 2016 (cuối cùng giải này thuộc về nhạc sỹ, ca sỹ Bob Dylan)– với các tác phẩm nổi tiếng như Rừng Na Uy, Tazaki Tsukuzu không màu và những năm tháng hành hương, Kafka bên bờ biển,…Tiểu thuyết gia được biết tới – hay như truyền tụng – là những người kín đáo về đời tư, thích cô độc, lối sống có phần phóng túng, nhưng Murakami lại khác. Ông chọn cho mình một lối sống lành mạnh nhất có thể, và hệ quả là, như chúng ta đã thấy, một loạt các tác phẩm best seller ra đời. Bằng một sự thẳng thắn hiếm có, Murakami, trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, đã chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm sống, quan điểm cá nhân của bản thân trong quá trình kinh doanh, viết văn, và chạy bộ. Những bài học có sức ảnh hưởng lớn đến mọi người – những người luôn hướng tới sự cân bằng trong cuộc sống cá nhân, sự nghiệp, gia đình, và xã hội bất kể tuổi tác, nghề nghiệp

Tại sao một tiểu thuyết gia lại viết về chạy bộ? Phải chăng Murakami đã chuyển sang nghiên cứu về chạy bộ? Hay còn một lý do gì khác? Chúng ta dễ dàng biết được lý do ngay trong phần lời tựa của cuốn sách: “đây là cuốn sách trong đó tôi tập hợp những suy nghĩ của mình về việc chạy bộ có ý nghĩa như thế nào đối với tôi trong tư cách một con người” và ông cũng nói thêm rằng: “một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi mang tính thâm trầm, thậm chí là thiền định”. Thiền định, một cụm từ nghe có vẻ huyền bí, nhưng người ta có thể nói về nó bằng nhiều cách khác nhau, bằng nhiều công việc “bình thường” như bảo trì xe máy, pha trà, bắn cung, v.v… Vậy phải chăng đây là cuốn sách nói về thiền. Không hẳn vậy. Murakami suy tư về quá trình tập luyện, tham gia các cuộc thi chạy bộ cũng như hoạt động viết văn như một sự thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa trí tuệ – thể xác – tinh thần. Một trí tuệ sắc sảo, sức sáng tạo dồi dào luôn luôn đi liền với một tinh thần tráng kiện và một thể lực sung mãn – trừ một vài ngoại lệ như Stephen Hawking. Và trong đoạn cuối lời tựa, tác giả nói rằng: “dù tôi không thể gọi bất cứ gì ở đây là triết học nhưng cuốn sách này cũng chứa đựng đôi chút cái có thể gọi là những bài học cuộc đời”. Vậy bài học cuộc đời Murakami muốn truyền tải đến chúng ta qua những suy nghĩ về chạy bộ là gì?

Bài học cuộc đời từ người chạy bộ và tiểu thuyết gia

  • Chiến thuật duy trì niềm cảm hứng: chạy bộ là một công việc đòi hỏi tính kỷ luật cao và thường xuyên. Nhưng làm sao duy trì nó một cách kỷ luật và thường xuyên, Murakami chia sẻ: Ngay lúc này tôi đang nhắm chuyện tăng cự ly chạy, vậy nên tốc độ không thành vấn đề mấy. Chỉ cần tôi có thể chạy được một cự ly nào đó thì tôi chẳng quan tâm gì hơn. Thỉnh thoảng tôi chạy nhanh khi thích, nhưng nếu tăng tốc thì tôi giảm thời gian chạy, vấn đề là để niềm hồ hởi tôi cảm thấy vào cuối mỗi lần chạy kéo dài qua ngày hôm sau”. Không những áp dụng chiến thuật này trong chạy bộ, Murakami còn áp dụng trong viết tiểu thuyết:” tôi dừng lại mỗi ngày đúng vào lúc tôi cảm thấy mình còn có thể viết nữa”. Và Murakami cũng chia sẻ hết sức thẳng thắn rằng: “để đi tiếp, ta phải duy trì nhịp điệu. Đây là điều quan trọng đối với những công trình lâu dài. Một khi ta đã dẫn tốc độ rồi thì mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Vấn đề là làm sao cho bánh đà quay ở một tốc độ đã định – và để đến được thời điểm đó ta cũng phải tập trung và nỗ lực hết sức mình”.
  • Hãy đặt mục tiêu cho bản thân và hoàn thành thay vì so sánh với người khác: Muarakami chia sẻ: “bất luận ta đang nói về lĩnh vực nào – việc đánh bại ai khác đều không hợp với tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến chuyện tôi có thể đạt được các mục tiêu đã tự đặt ra cho mình hay không” và ông giải thích thêm trong chạy bộ:”…điều gì sẽ xảy ra nếu đối thủ…rút lui khỏi cuộc đua tranh? Động cơ chạy sẽ tiêu tan hay ít nhất cũng giảm đi, và sẽ khó lòng chạy lâu dài”. Vậy cái đích trong chạy bộ hay viết tiểu thuyết là gì? Trong chạy bộ, Murakami chỉ ra: “hầu hết người chạy bình thường được kích bẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua” và trong viết tiểu thuyết: “điều quan trọng là việc viết lách của anh có đạt đến những chuẩn mực anh đã tự đặt ra cho mình hay không”.
  • Luôn là chính mình: mỗi người là một cá nhân khác biệt, hãy luôn khác biệt, luôn là chính mình – dù đôi khi có bị tổn thương (cho mình và cho người khác) vì điều này: “chính bởi con người ta khác với mọi người mà họ có thể tạo ra cái tôi độc lập riêng của mình. Lấy tôi làm ví dụ. Chính nhờ cái khả năng phát hiện ra một số khía cạnh của một cảnh quan mà người khác không thể, cảm thấy khác với người khác và chọn lựa từ ngữ khác với từ ngữ của họ mà tôi có thể viết những câu chuyện chỉ của tôi mà thôi”.
  • Học cách giải toả căng thẳng, thất vọng: Murakami chia sẻ bí quyết: “nếu tôi giận dữ, tôi hướng cơn giận đó vào mình. Nếu tôi có cảm nghiệm gây thất vọng, tôi dùng nó để hoàn thiện mình. Đó là cách tôi vẫn luôn sống. Tôi âm thầm thẩm thấu những thứ tôi có thể, giải toả chúng đi sau đó, và trong một hình thức biến đổi có thể, như một phần của cốt truyện trong một cuốn tiểu thuyết”.
  • Duy trì sức khoẻ cho một chặng đường dài: để trở thành người bạn mong muốn, hay đạt được những mục tiêu dài hạn nào đó, điều quan trọng là phải có một sức khoẻ tốt, dẻo dai. Khi quyết định trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, Murakami gặp phải vấn đề: ”tôi có cái tạng nếu không làm việc gì thì dễ tăng cân…một khi đã ngồi vào bàn suốt ngày để viết, mức sinh lực của tôi giảm sút và tôi bắt đầu tăng cân. Tôi cũng hút thuốc quá nhiều mỗi khi tập trung vào công việc”. Và ông kết luận rằng:”nếu muốn sống cuộc đời tiểu thuyết gia lâu dài, tôi cần phải tìm cách giữ cho khoẻ mạnh và duy trì số cân nặng lành mạnh”. Chạy bộ đến một cách tự nhiên như một cách để rèn luyện sức khoẻ của Murakami – mặc dù sau này ông không còn hứng thú với nó và chuyển sang môn thể thao ba môn phối hợp.
  • Hướng đến công việc theo sở thích hay đam mê của bản thân: ta chỉ thành công khi làm những công việc mà ta thật sự thích và đam mê. Murakami chỉ làm việc theo sở thích: “tôi không hề chịu nổi nếu bị buộc phải làm điều gì tôi không muốn làm vào lúc tôi không muốn làm. Thế nhưng, mỗi khi tôi có thể làm gì đấy mà tôi thích làm, khi tôi muốn làm, và theo cách tôi muốn làm, thì tôi sẽ làm hết sức mình”. Murakami cũng chia sẻ thêm: ”tôi chỉ bắt đầu hứng thú học tập sau khi qua được hệ thống giáo dục và trở thành cái gọi là thành viên xã hội. Nếu có gì làm tôi quan tâm, và nếu tôi có thể nghiên cứu theo nhịp độ của riêng mình và tiếp cận nó theo cách tôi thích, tôi khá là có năng lực trong việc đạt được kiến thức và kĩ năng….một người dù có ý chí mạnh thế nào chăng nữa, dù y có ghét thất bại bao nhiêu chăng nữa, song nếu đó là hoạt động y không thật sự để tâm, y sẽ không duy trì nó được lâu. Cho dù y có làm, điều đó cũng không có lợi cho y”.
  • Xây dựng những thói quen lành mạnh: tuỳ theo mỗi người, mỗi hoàn cảnh mà xây dựng cho mình những thói quen lành mạnh. Chia sẻ của Murakami là một tham khảo về những thói quen lành mạnh (cho chính tác giả, đương nhiên): “tôi dậy trước 5 giờ sáng và đi ngủ trước 10 giờ tối. Người ta sung mãn nhất vào những thời gian khác nhau trong ngày, nhưng tôi thì dứt khoát là người của buổi sáng. Đó là khi tôi có thể tập trung và hoàn tất công việc quan trọng tôi phải làm. Sau đó tôi tập luyện hay làm mấy việc lặt vặt khác không cần tập trung nhiều. Cuối ngày tôi thư giãn và không làm việc gì cả”. Và thói quen nào thì cũng có cái hậu quả kèm theo, như Murakami chia sẻ tiếp: “tuy nhiên, đó là một lối sống không có chỗ cho cuộc sống về đêm, nên đôi khi mối quan hệ của ta với người khác có vấn đề. Một số người thậm chí còn bực ta nữa, vì họ mời ta đi đâu đó hay làm gì đó cùng họ mà ta thì cứ từ chối mãi”.
  • Xác định điều gì là quan trọng nhất, ý nghĩa nhất: Murakami nhận định:”tôi cho rằng trừ khi ta còn trẻ, nếu không ta thật sự cần phải biết cái gì là ưu tiên trong đời, xem xem nên phân chia thời gian và sức lực của mình theo thứ tự nào…phải có thái độ sống và quan điểm rõ ràng, và kiên quyết giữ vững quan điểm đó trong mọi tình huống”.
  • Xem thất bại là bài học để hoàn thiện bản thân: khi gặp thất bại trong một cuộc đua chạy bộ, Murakami chia sẻ: “bức tường phân cách giữa tự tin đúng đắn và kiêu hãnh vô căn cứ khá là mong manh…Không ai thắng mãi…Dẫu vậy, dứt khoát là tôi không muốn cứ lặp lại sai lầm mãi. Tốt nhất là học hỏi từ sai lầm của mình và áp dụng bài học đó lần tới đây”.
  • Tập trung và bền bỉ: khi được hỏi phẩm chất quan trọng nhất của một tiểu thuyết gia cần có là gì, Murakami cho rằng đó là tài năng, sự tập trung, và tính bền bỉ. Tài năng thì không phải ai cũng có, nhưng sự tập trung và tính bền bỉ thì luôn cần phải có cho bất kì một người thành công nào, trong bất kì một lĩnh vực chuyên môn nào.