Bất định lượng tử

Cơ học Newton đã thống trị nền vật lý qua nhiều thế kỷ. Với nó, mọi thứ đều tuân theo quy luật, xác định và tuyệt đối. Đến thế kỉ 20, với việc Einstein phát minh ra Thuyết Tương Đối (1905, 1915), Max Plank đề xuất khái niệm lượng tử, Werner Heisenberg phát minh ra Nguyên lý Bất định và sự ra đời của cơ học lượng tử thì mọi quan niệm đã thay đổi; cái xác định, tuyệt đối được thay bằng cái bất định, tương đối (xem thêm tóm tắt Lược sử thời gian với một vài cột mốc đáng chú ý trong lịch sử ngành vật lý).

Định lý Godel và tính bất toàn

Toán học là một trong những ngành khoa học quan trọng nhất của loài người. Giấc mơ xây dựng một thế giới tuân thủ các nguyên lí toán học đã có từ rất lâu trước khi nền khoa học hiện đại ra đời. Trong thời hiện đại, nhiều nhà tư tưởng, toán học kiệt xuất như Bertrand Russell, David Hilbert,…đã dành trọn cuộc đời mình để xây dựng một hệ thống hoạt động theo các nguyên tắc toán học một cách chắc chắn, xác định cho tới khi xuất hiện Kurt Godel. Godel đã chứng minh rằng toán học vừa bất toàn, vừa mâu thuẫn và nó đã làm choáng váng nhiều nhà tư tưởng, những người luôn tin toán học là một khoa học tuyệt đối chắc chắn.

Kurt Godel

Tính bất toàn và bất định trong ngôn ngữ

Người ta luôn tin rằng, ngôn ngữ, kể từ khi nó ra đời, có thể dùng để mô tả, giải thích mọi điều về thế giới, về tư duy. Nhiều nhà tư tưởng như Leibniz, Russell,…đã đề xuất xây dựng một ngôn ngữ phổ quát, tuyệt đối chắc chắn và xác định dùng chung cho loài người trên trái Đất. Nhưng trớ trêu thay, chính học trò của Russell Ludwig Wittgenstein lại chứng minh chương trình này là phù phiếm, vô ích. Ông chỉ ra rằng ngôn ngữ đầy hạn chế và bất toàn, không thể mô tả được một thế giới đầy bất định, mơ hồ. Ông đã để lại một câu nói kinh điển: “với cái gì không thể nói thì phải giữ im lặng”.

Ludwig Wittgenstein

Hội hoạ và nghệ thuật: sự thay đổi về “cách nhìn”

Hội hoạ là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của loài người. Những tác phẩm hội hoạ ra đời xuất phát từ “cách nhìn” thế giới của người nghệ sỹ. Nếu trước đây những tác phẩm hội hoạ luôn phản ánh một cách trung thực “cách nhìn” tự nhiên, xã hội, con người,…của người nghệ sỹ và người nghệ sỹ phải tuân theo những nguyên tắc hình học phối cảnh một cách chặt chẽ thì ngày nay, khi mà ý thức con người thay đổi, cái gì nhìn thấy thì chưa hẳn là thật như các hình ảnh trên phim, báo chí,…, người hoạ sỹ cũng đã thay đổi trong hoạt động sáng tạo của mình. Cách nhìn đã thay đổi từ một chiều, xác định đã trở thành đa chiều, bất định. Trước đây tác phẩm là độc quyền sáng tạo của hoạ sỹ, người xem phải cảm nhận và nhìn theo cách nhìn của người hoạ sỹ thì ngày nay, mỗi người xem là một người sáng tạo. Điều này cũng xảy ra tương tự trong các lĩnh vực nghệ thuật khác như viết tiểu thuyết văn học, thơ ca, âm nhạc,…
Một bức tranh của Picasso: thể hiện cách nhìn đa chiều

Mọi hệ thống đều tồn tại sự hỗn độn

Cùng với sự bất định và tương đối, thế kỷ 20 cũng đã xuất hiện một lý thuyết mới, lý thuyết hỗn độn. Lý thuyết hỗn độn cho rằng mọi hệ thống, tổ chức từ tự nhiên, xã hội, kinh tế,…đều sau một thời gian phát triển theo một trật tự sẽ đến một thời điểm sẽ chuyển sang sự hỗn độn. Sau một thời gian hỗn độn sẽ hình thành một trật tự mới và rồi lại hỗn độn….Tóm lại, mọi hệ thống đều tồn tại hai khuynh hướng đối lập đan quyện vào nhau là trật tự và hỗn độn.

Một ví dụ cho lý thuyết hỗn độn

Kết luận

Câu hỏi mấu chốt của cuốn sách là: Tại sao những tư tưởng đổi mới phi thường có thể xuất hiện song song trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau? Tác giả cuốn sách đã trả lời:

đó là những biểu lộ của một thay đổi thực tế trong nhận thức của con người liên quan tới sự thay đổi cách chúng ta “nhìn” thế giới. Vào một lúc nào đó, thời điểm sẽ chín muồi, và mọi điều sẽ xảy ra. Nhận thức của con người sẽ đạt tới điểm tới hạn, và tiềm năng này được nắm bắt, tượng trưng hoá trước tiên bởi các nhà văn, nghệ sỹ, rồi đến các nhà khoa học trong từng lĩnh vực của họ. Thay vì một lĩnh vực này ảnh hưởng tới một lĩnh vực khác theo cách trực tiếp, mỗi lĩnh vực đều nắm bắt và biểu lộ những hạt giống của sự thay đổi.

< Từ xác định đến bất định