Ai cũng có những ước mơ nhưng vì nhiều lý do đã không thể thực hiện được như trong bài phát biểu hài hước và cũng thẳng thừng của  Larry Smith

Có những người kiên trì theo đuổi đam mê của mình bất chấp những sức ép từ gia đình, từ xã hội để cuối cùng đạt được thành tựu như anh nông dân Thanh Hoa trong bài báo Anh nông dân khiến cả nhà khóc vì lười làm, giờ thành đại gia nổi tiếng.

Cũng kiên trì theo đuổi đam mê vẽ tương tự trường hợp anh nông dân Thanh Hoa (so sánh hơi khập khiễng chút), họa sĩ thiên tài Vincent van Gogh khi còn sống bị xem là một kẻ thất bại, chỉ bán nổi duy nhất một bức tranh với cái giá vỏn vẹn bốn trăm franc. Để xây dựng nên danh tiếng bất tử, ông đã phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Khát vọng sống (Lust for Life) thuật lại quãng đời ngắn ngủi nhưng rực cháy đam mê của Van Gogh và được xem là tiểu thuyết tiểu sử thành công nhất về cuộc đời các danh nhân của tác giả Irving Stone. Là một tiểu thuyết tiểu sử vừa đảm bảo yếu tố hư cấu nhưng cũng phải đảm bảo tính chân thực, tác giả  Irving Stone đã lần theo dấu chân của người họa sĩ qua các vùng đất tại Anh, Hà Lan, Bỉ, Pháp, gặp gỡ nhiều người và nghiên cứu hơn 650 thư từ giữa Van Gogh và người em, Theo Van Gogh. Đoạn trích sau đây thể hiện khát vọng sống với đam mê của Van Gogh mà không ngôn từ nào tả hết:

Vincent tin rằng vẽ được một bức tranh đẹp chẳng dễ dàng gì hơn tìm ra một hạt kim cương hoặc một viên ngọc. Anh vừa không bằng lòng với bản thân mình, vừa không bằng lòng với những gì anh vẽ ra, nhưng trong anh vẫn le lói một tia hi vọng: sớm hay muộn, rồi thế nào anh cũng vẽ tốt hơn. Đôi khi niềm hi vọng ấy có vẻ như hão huyền. Nhưng chỉ khi nào làm việc, Vincent mới cảm thấy anh đang sống. Anh không còn cuộc sống nào khác nữa. Anh chỉ là một cái máy, một thiết bị tự động mù quáng cứ sáng sáng lại nuốt thức ăn và cà phê, hăm hở vớ lấy thuốc màu trút lên mặt vải rồi đến chiều lại đem về một bức tranh đã vẽ xong.

Để làm gì nhỉ? Để bán chăng? Tất nhiên là không phải rồi. Anh biết sẽ không ai mua tranh của anh. Vậy làm gì anh phải vội vã thế? Tại sao anh cứ cố sức, cứ tự thúc bách bản thân anh vẽ liên tiếp hàng chục bức tranh, đến nỗi dưới chiếc giường sắt thảm hại của anh không đủ chỗ chứa nữa?

Vincent không còn thèm khát thành công. Anh làm việc bởi vì anh không thể không làm việc, bởi vì công việc cứu anh thoát khỏi những nỗi đau khổ trong tâm hồn và lôi cuốn trí óc anh. Anh có thể không cần có vợ, không cần có tổ ấm, không cần con cái; anh có thể không cần tình yêu, không cần tình bạn, không cần tinh thần sảng khoái và sức khỏe; anh có thể làm việc mà không cần một niềm hi vọng vững chắc, không cần những tiện nghi đơn giản nhất, không cần ăn uống; anh có thể không cần cả Chúa nữa. Nhưng anh không thể thiếu cái cao cả hơn cả bản thân anh, không thể thiếu cái là cuộc sống của anh, đó là ngọn lửa sáng tạo, là sức mạnh cảm hứng.

Và Anh đã ra đi để lại cho nhân loại di sản là các tác phẩm với giá từ vài đến hàng trăm triệu đô.