Cuộc sống ngây thơ, vui vẻ của cô bé 13 tuổi đột nhiên thay đổi khi đất nước Hà Lan bị xâm lược bởi Đức quốc xã và người Do Thái bị truy lùng gắt gao. Gia đình Anne gồm 8 người trú ẩn ở một nơi gọi là Annex.
Sự căng thẳng ngày càng tăng do sự lùng sục gắt gao của Đức quốc xã, do điều kiện thiếu thốn, bệnh tật, kiệt sức thể chất dẫn đến suy kiệt tinh thần. Sống chung lâu ngày với những người trong gia đình cộng với các căng thẳng ngày càng tăng khiến mối quan hệ trong gia đình cũng căng thẳng và cô bé đã phải tìm nhiều cách khác nhau để vượt qua điều này.
Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu tất cả tám người chúng tôi đều than thở và hờn dỗi, sự thể sẽ ra sao, chúng tôi sẽ đi đến đâu? Tôi thường hay tự hỏi câu này “Ai trên đời có thể hiểu tôi, có thể quên tôi là người Do Thái, chỉ nhìn thấy ở tôi một cô gái đang đòi hỏi mỗi một điều: vui chơi, vui chơi, vui chơi?”
Đối với tôi, chẳng có gì không ổn cả, nếu không phải là tôi đang ăn không còn ngon miệng nữa… Đầu tôi hầu như lúc nào cũng đau, tôi cứ buồn rũ ra. Không khí trong Annex buồn tẻ, và ngột ngạt, nhất là chủ nhật. Bên ngoài, không một tiếng chim. Bên trong thì im lặng đến phát hoảng, đến ngạt thở, tôi cảm thấy không chịu nổi…Một tiếng kêu thốt lên trong lòng tôi: “Tôi muốn thoát ra, tôi muốn trời rộng, tôi muốn cười!”
Dù thế, cô bé Anne vẫn xem cuộc sống ở đây là thiên đường vì vẫn còn hơi thở tự do nếu so với những người Do Thái đã bị bắt đến trại tập trung. Trong sự khắc nghiệt đó, cô bé Anne đã làm gì để vượt qua? Học, đọc lịch sử, viết lách, cười thật nhiều,…Mọi cách mà cô bé có thể nghĩ ra. Cô luyện viết không ngừng vì giấc mơ của cô là trở thành nhà báo.
Thỉnh thoảng tôi chợt nghĩ rằng Chúa muốn thử thách tôi, không những bây giờ mà cả về sau; cái chính là phải trở nên khôn ngoan, không lý sự và múa may vô ích, để sau này trở thành người khỏe mạnh nhất.
Ai sẽ đọc những dòng này nếu không phải là chính tôi?
Ai sẽ an ủi tôi? Bởi tôi thường xuyên muốn được an ủi; tôi cũng thường xuyên thiếu nghị lực, việc gì tôi cũng làm chỉ dở chừng, do đó tôi không hoàn thành được một phận sự nào cả. Không phải tôi không biết như thế. Tôi sẽ cố gắng sửa chữa, ngày nào cũng sửa.
Những người được sống tự do chẳng bao giờ hiểu được cái mà sách đem đến cho những người sống trốn tránh. Sách, sách nữa và ra-đi-ô, ấy là tất cả sự giải trí của chúng tôi.
Cô bé phải chiến đấu không ngừng với sự suy nhược thể chất, tinh thần, với hoàn cảnh ngột ngạt và những người xung quanh đầy rối loạn, bất an vì cô bé biết rằng:
Người hạnh phúc có thể làm cho người khác hạnh phúc. Người không đánh mất dũng khí và niềm tin sẽ không bao giờ bị chết trong đau thương, thống khổ.
Dù mạnh mẽ và thông minh nhưng Anne vẫn là cô bé 13 tuổi, cô vẫn cần sự an ủi và cảm thông. Nhưng ai là người bạn “đích thực” mà cô bé có thể trút mọi nỗi niềm, cảm xúc?
Tôi phải suy nghĩ mất mấy hôm mới dứt khoát được Nhật ký là gì. Để lộ ý nghĩ của mình, tôi cứ thấy kỳ cục làm sao ấy, không những vì tôi chưa từng ghi Nhật ký, mà còn vì sau này, có lẽ sau này sẽ chẳng ai kể cả tôi nữa để tâm đến tâm sự của một cô học sinh mười ba tuổi. Thế nhưng chuyện đó chẳng quan trọng. Tôi muốn viết nhật ký, hơn nữa, muốn thăm dò xem tim tôi phản ứng ra sao trước mọi chuyện ở đời.
“Trang giấy kiên nhẫn hơn con người”, câu ngạn ngữ này một hôm hiện lên trong óc tôi vào lúc tôi đang ngồi tay chống má, buồn bã, phân vân quá, không biết nên ra khỏi nhà hay ở lại. Vâng, thực tình, trang giấy kiên nhẫn hơn con người, và vì nghĩ rằng chẳng ai để mắt đến quyển vở bìa cứng được gọi là Nhật ký này, tôi định sẽ không cho bất kỳ người nào đọc, trừ phi tôi gặp được người tri kỷ dù trai hay gái. Thế là tôi đã đi đến điểm xuất phát, đến quyết định bắt đầu ghi nhật ký: Bởi tôi không có bạn chí thân.
…
Đấy là lý do cần có quyển Nhật ký này. Để gợi rõ hơn hình ảnh người bạn chí thân bao ngày mong đợi, tôi không muốn tự hạn chế những sự việc đơn thuần như bao người khác thường làm, mà muốn coi bạn ấy như có thật trong cuốn Nhật ký. Bạn ấy tên là Kitty.
…
Hóa ra, bao giờ tôi cũng quay về như một cái máy với nhật ký của tôi, nó là bắt đầu và cũng là kết thúc của tôi. Chao ôi, Kitty có khi nào thiếu kiên nhẫn không. Tôi xin hứa với bạn rằng bất chấp tất cả, tôi sẽ đứng vững, sẽ ngậm đắng nuốt cay và mãi mãi đi theo con đường của mình. Có điều tôi khao khát được thấy một thắng lợi, được cổ vũ, dù chỉ một lần, bởi một người yêu thương tôi.
Đọc cuốn Nhật ký tôi cảm thấy ý nghĩa lớn lao của tự do. Vâng tự do và điều này được cảm nhận rõ hơn qua những ngày giãn cách vì dịch Covid. Tất cả điều đó cũng phần nào giúp tôi hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình Anne nói riêng và của những người Do Thái nói chung trong giai đoạn tàn bạo, khủng khiếp nhất thế kỷ 20.
Câu chuyện của Anne cũng giúp cho những bậc làm cha làm mẹ hiểu hơn và đồng cảm hơn với các con – đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì. Ai cũng là trẻ con trước khi là người lớn nhưng vì nhiều thứ, vì cuộc sống cơm áo gạo tiền mà chúng ta quên đi chúng ta cũng từng chống đối ba mẹ mình thế nào. Và rồi chúng ta lại lặp lại, lại đi vào vết xe đổ của cha mẹ chúng ta trong cách nhìn nhận, giáo dục con cái.
Về việc gì, tôi cũng là người quan điểm hoàn toàn đối lập với má, cho nên má con tôi va chạm rất nặng. Tôi không phán xét tính cách của má, bởi vì đó không phải là bổn phận của tôi. Có điều, tôi đem má so sánh với hình ảnh người má lý tưởng. Theo tôi, má không phải là má; chính tôi phải đảm nhiệm vai trò này. Tôi tách ra khỏi bố mẹ, trôi nổi lênh đênh, không biết sẽ đến bờ nào. Sở dĩ như vậy chỉ là do tôi tôn thờ hình ảnh tuyệt đẹp: người má lý tưởng, thế mà thực tế tôi chẳng thấy có gì chung với người mà tôi buộc phải gọi là má.
Trên hết, Anne chỉ là một cô bé đang tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi và yêu, một con người với cảm xúc mạnh mẽ và yếu đuối, ghen tị và đồng cảm, … đan xen và cô biết rõ điều đó:
Xin đừng phán xét tôi, hãy nhìn nhận tôi giản dị như một con người đôi khi cảm thấy chén rượu đời quá đầy, quá nồng đượm!
Ý kiến bài viết