Oscar Wilde, tên đầy đủ là Oscar Fingal O’Flahertie Wills Wilde, là một nhà văn nổi tiếng người Ireland. Ông sinh ngày 16 tháng 10 năm 1854 tại thành phố Dublin thuộc Ireland, và mất ngày 30 tháng 11 năm 1900 tại Paris vì viêm não. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một nghi vấn đối với các nhà khoa học.
Một nhà văn xuất chúng, tư tưởng vượt thời đại, đồng tính và không e ngại chống đối lối sống, xu hướng xã hội đương thời, tất cả đã hội tụ trong tác phẩm Chân dung Dorian Gray – mặc dù bị kiểm duyệt, tác phẩm vẫn gây nên cuộc thịnh nộ trong giới đọc sách tiếng Anh; họ cho rằng ông đáng bị lên án vì cuốn tiểu thuyết vi phạm đạo đức xã hội.
Một vài trích đoạn mang lại nhiều suy ngẫm:
Ông biết đấy, tôi luôn yêu thích sự kín đáo và những điều bí mật. Đấy là những điều duy nhất còn sót lại khiến cho thế giới hiện đại này giữ được đôi chút dáng vẻ kỳ diệu, không đến độ quá đỗi tuềnh toàng trần trụi. Henry này, điều tầm thường nhất sẽ trở thành điều kỳ diệu nếu chúng ta biết che đậy để chúng trở thành hấp dẫn.
Chàng trai này khiến tôi nhận ra cả một trường phái nghệ thuật mới qua một lối suy nghĩ hết sức vô thức – Một trường phái chỉ có cảm xúc và khát khao tinh thần mới nhận ra, một phong cách thuần túy Hy Lạp, một sự giao hòa tuyệt đỉnh giữa cơ thể và tâm hồn… Chúng ta đang sống trong giai đoạn bức xúc vì sự phân cách giữa hai phạm trù ấy. Vì thế con người luôn khao khát đi tìm những kênh sáng tạo để nối kết một thế giới hiện thực với những nhân định trống rỗng.
Thiên tài bao giờ cũng trường tồn so với vẻ đẹp. Đấy là lý do tại sao chúng ta cứ phải dằn vặt rồi lao đầu vào giáo dục. Tất cả chỉ là những cố gắng vùng vẫy để sinh tồn. Chúng ta muốn mình tồn tại càng lâu càng tốt nên sẵn sàng nhồi nhét đủ thứ dữ liện linh tinh vào trong đầu, với một hy vọng ngốc nghếc rằng chúng ta sẽ được sống yên ổn. Những kẻ được coi là rất am hiểu lẽ đời – đấy là mô hình hiện đại mọi người đổ xô đi tìm – Nhưng một cái đầu như thế thực ra chỉ là một điều thật đáng sợ.
Ôi. Một ngày nào đó Dorian cũng sẽ già nua nhăn nhúm, đôi mắt sẽ mờ và đục, cơ thể cân đối sẽ xộng xiệu và giòn gãy. Màu môi sẽ nhạt và màu tóc hoe vàng sẽ bị ăn cắp. Cuộc đời tinh thần mà tâm hồn Dorian khao khát chăm sóc cuối cùng sẽ phản bội bằng cách chà đạp lên thân thể của anh. Rồi chàng trai sẽ lủi thủi, sẽ né tránh, sẽ trở thành tiều tụy, xơ xác, chơ vơ. Sẽ trở thành một ông già nhăn nheo, lọm khọm.
Nhưng giờ thì em ghen tị với tất cả mọi vật không bao giờ mất đi vẻ đẹp của nó. Em ghen tị với bức tranh mà anh đã vẽ. Tại sao bức tranh giữ được những nét đẹp mà em cuối cùng sẽ bị mất. Mỗi giây phút trôi qua, thời gian sẽ ăn cắp vẻ đẹp của em rồi đem tặng cho bức tranh này. Phải chi có một cách nào đó. Nếu như bức tranh này sẽ thay đổi còn em thì không. Em muốn mình mãi mãi sẽ cứ được trẻ đẹp như thế này. Tại sao anh vẽ nó hả Basil? Bức tranh sẽ chế giễu em sau này – một sự chế nhạo đau đớn bỉ ổi nhất.
Càng sống lâu, tôi càng nghiệm ra rằng những gì thế hệ trước thích sẽ chẳng phù hợp với chúng ta nữa. Cả trong nghệ thuật lẫn trong chính trị.
Con người thường nói ra những điều có ý nghĩa liên quan cần thiết đối với họ nhất.
Lý do tất cả chúng ta đều muốn nghĩ tốt về người khác là vì chúng ta sợ hãi thay cho chính mình. Nền tảng của lạc quan chính là một bức tường hoảng sợ. Chúng ta tin rẳng mình tử tế bởi vì chúng ta đánh giá hàng xóm của mình qua những giá trị đạo đức có lợi cho chúng ta. Chúng ta khen ngợi một ngân hàng khi họ cho phép chúng ta rút tiền nhiều hơn số tiền chúng ta có trong tài khoản. Hoặc chúng ta khen một tài xế tốt bụng vì anh ta không lấy tiền quá đắt khi anh ta chở chúng ta đi.
Biết đâu chừng chính bức chân dung mà Basil đã vẽ cho anh sẽ trở thành một kim chỉ nam hướng dẫn đời sống tư cách. Biết đâu anh sẽ sống đạo đức hơn, ý thức đến cảm xúc người khác nhiều hơn. Rồi anh sẽ kính sợ Thượng đế nhiều hơn….Nhưng tại sao bức tranh lại là hình ảnh biểu tượng của sự tha hóa tội lỗi. Đây chính là dấu hiệu tàn ác. Liệu nó có mãi mãi hiện diện, tố cáo sự mục rửa lương tâm mà Dorian sẽ luôn bị ám ảnh trong tâm hồn hay không?
Một dạo đấy là bức tranh vô tư, tuy có phần ích kỷ trong vẻ đẹp của chính mình, giống như cảm giác của chàng trai trẻ Narcissus trong thần thoại Hy lạp. Chính Narcissus đã yêu hình bóng dưới đáy nước của mình và lao đi tìm hình bóng ấy đến độ chết đuối. Đôi môi của Dorian đã từng hôn những nụ ngọt, giờ thì đôi môi ấy trong bức tranh đanh nhếch lên một nụ cười độc ác và đểu cáng.
Nếu cần thiết, dù không thực tế lắm, hình thức cần phải được cấu kết với giả dối hoặc những vay mượn lãng mạn, những thông minh vụn vặt để tạo ra những cuộc vui hấp dẫn…Giả dối chỉ khiến cho chúng ta có nhiều hơn những nhân cách phong phú mà thôi.
Dorian bất chợt cảm thấy mình thật sự hạnh phúc bởi những kết tinh giữa điều kiện tinh thần và điều kiện sinh lý, dù đấy là những tư tưởng bệnh tật hay khỏe mạnh, bình thường hay dị dạng. Cuối cùng Dorian đã đi đến một kết luận, không có bất cứ học thuyết nào quan trọng đối với anh bằng chính bản thân cuộc sống. Anh ý thức sâu sắc rằng cuộc đời này sẽ chỉ là một sự thật trần truồng nếu như chúng ta tách rời giữa hành động và kinh nghiệm tư tưởng. Anh biết rằng cảm giác nhục thể của con người không hề thua kém tâm hồn. Anh tin rằng nhục thể cũng có những giá trị huyền bí cần được tìm kiếm và giải thoát.
Ý kiến bài viết