Trong cuốn sách văn học tiêu đề tiếng Việt Khát Vọng Sống về tiểu sử của danh họa Vincent Van Gogh, có đoạn Vincent ý kiến về các bức tranh của một người bạn:

Khi tôi vẽ phong cảnh, Vincent đáp, bao giờ tôi cũng cố gắng đưa vào một nét gì đó của thân hình con người. Anh vượt trước tôi nhiều năm, thêm nữa anh còn là một họa sĩ nổi tiếng. Nhưng trên tình bạn bè, anh có cho phép tôi được nói lên một ý kiến phê bình không?

Rất sung sướng được nghe ý kiến anh.

Tôi muốn nói thế này: tranh của anh thiếu niềm say mê.

Tất nhiên là người bạn này (De Bock) đã phản ứng – như cách mọi người hay làm khi có người “động chạm” :

Nhưng anh bạn hãy nghe đây, De Bock đứng dậy, chăm chú nhìn một trong số các bức tranh của mình và nói. Tôi không thể trút tình cảm của tôi lên mặt vải chỉ vì công chúng đòi hỏi như vậy! Tôi vẽ những gì tôi trông thấy và tôi cảm thấy. Nếu tôi không cảm thấy một niềm say mê nào, thì làm sao tôi truyền được niềm say mê cho cây bút của tôi? Bởi vì niềm say mê có phải là thứ mua được theo cân ở cửa hàng rau quả đâu.

Ở đây không bàn chuyện “Đắc nhân tâm” hay nghệ thuật giao tiếp thành công theo cung cách Dale Carnegie. Ở đây chỉ là vấn đề “niềm say mê”. Làm sao biết được mình đang “say mê” một điều gì (công việc, một ai đó hay lối sống,…). Đánh giá ai đó say mê là việc rất khó – như cách Vincent góp ý De Bock – và đánh giá chính bản thân mình có “say mê” hay không cũng khó khăn không kém. Có thể “say mê” thật nhưng cũng có thể ta nghĩ hay khoác lên mình chiếc áo choàng gọi là “say mê” để che dấu một điều gì đó. Thật khó khăn bởi lẽ “niềm say mê” không thể được định lượng như là thứ mua được theo cân ở cửa hàng rau quả.