Ông bà ta thường nói ăn được ngủ được là tiên để nhấn mạnh tầm quan trọng bậc nhất của việc ăn uống và giấc ngủ. Khoa học hiện đại nhấn mạnh việc mỗi người trưởng thành phải ngủ ít nhất từ 7-8 tiếng mỗi ngày. Giả định nếu bạn có thể sống đến 84 tuổi thì thời gian dành cho giấc ngủ là 28 năm. Câu hỏi tác giả Satoru Tsubota – một bác sỹ chuyên nghiên cứu về giấc ngủ người Nhật – nêu ra là: Liệu chúng ta có thể rút ngắn thời gian ngủ từ 8 tiếng xuống còn 5 tiếng mỗi ngày mà vẫn giữ được sức khoẻ tốt? Nếu thành công trong việc cắt giảm giờ ngủ thì chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn cho những điều quan trọng như gia đình, bạn bè, thực hiện những giấc mơ dang dở,…

Với nhiều năm nghiên cứu, quan sát từ các bệnh nhân cũng như áp dụng với bản thân, tác giả đã đúc kết những phương pháp ngắn gọn giúp chúng ta cắt giảm giấc ngủ thành công. Một trong những cách thức là biến giường ngủ thành “nơi để ngủ”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng ngày nay phần lớn chúng ta xem giường ngủ là nơi để xem ti vi, nghịch điện thoại hơn là nơi để ngủ. Một khám phá khác từ cuốn sách là Mùi cà phê. Uống cà phê giúp đầu óc tỉnh táo nhưng ngửi mùi cà phê giúp an thần, ngủ ngon. Tất nhiên đây là cà phê nguyên chất. Không sử dụng các thiết bị số như máy tính, điện thoại trước khi ngủ. Dùng cuốn sổ để ghi ra tất cả những điều khó chịu trong ngày. Tạo ra nghi thức trước khi đi ngủ,… là vài kỹ thuật hữu ích giúp chúng ta nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Ngủ bao lâu không quan trọng bằng ngủ sâu chính là tiền đề của cuốn sách. Bí quyết ở đây là Ngủ ngay lập tức và Thức dậy ngay. Chọn một thời điểm buổi tối để ngủ và ngủ ngay lập tức, chọn một thời điểm để thức dậy và thức ngay lập tức. Nhiều giải pháp được đưa ra như tạo chuông báo thức hai lần, cách nhau 5 phút, sẽ mang lại sự sảng khoái sau khi tỉnh dậy; thực hiện giấc ngủ sâu kéo dài 180 phút, bất kể thời gian nào, giúp tái tạo lại toàn bộ năng lượng tiêu hao trong ngày; không được ăn no trước khi ngủ 3 tiếng; không được ngủ trước thời điểm ngủ khoảng 2 tiếng; tầm quan trọng của các giấc ngủ ngắn 5, 10, 20 phút trong ngày;…

Và điều quan trọng cuối cùng, nếu bạn thành công trong việc rút ngắn thời gian ngủ từ 7-8 tiếng xuống còn 5 tiếng và thức dậy lúc 5 giờ thì bạn sẽ làm gì? Nếu những việc làm không mang lại động lực thì việc rút ngắn thời gian là vô nghĩa.