Xã hội nào muốn vận hành tốt thì các thành viên phải học được kiểu tính cách khiến họ muốn hành xử theo cách họ phải hành xử với tư cách là thành viên của xã hội hay của một giai cấp riêng biệt trong xã hội đó.
Mỗi loại xã hội có một cách bắt buộc tuân thủ và nhào nặn tính cách xã hội khác nhau rõ rệt. Để rõ ràng hơn với người đọc, tác giả lưu ý, các kiểu tính cách bàn đến trong cuốn sách này là các kiểu không tồn tại trên thực tế, mà là một cấu trúc, dựa trên những vấn đề lịch sử nào đó để nghiên cứu.
Vai trò của đồ thị dân số trong việc hình thành các kiểu tính cách xã hội
Xã hội với tiềm năng tăng cao dân số phát triển ở các thành viên tiêu biểu của mình một tính cách xã hội mà tính tuân thủ được bảo đảm bằng khuynh hướng tuân theo truyền thống. Vì kiểu trật tự xã hội này tương đối ổn định, nên tính tuân thủ của cá nhân có chiều hướng phản ánh tư cách thành viên của người đó trong một độ tuổi, thị tộc hay đẳng cấp cụ thể; anh ta học cách hiểu và trân trọng các khuôn mẫu đã tồn tại hàng bao thế kỷ, có được điều chỉnh nhưng không đáng kể trong quá trình thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Những thành viên này có kiểu tính cách, theo cách gọi của tác giả, kiểu truyền thống định hướng. Giai đoạn viết cuốn sách, các quốc gia tiêu biểu cho kiểu xã hội này bao gồm Ấn Độ, Ai Cập, Trung Hoa, các nước Trung Phi, Trung và Nam Mỹ.
Xã hội ở giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp phát triển ở các thành viên tiêu biểu của mình một tính cách xã hội mà tính tuân thủ được bảo đảm bằng khuynh hướng thu nhận từ thời thơ ấu một tập hợp các mục tiêu đã được nội tại hóa. Một xã hội như vậy có đặc điểm là tính di động cá nhân tăng, sự tích lũy tư bản nhanh chóng, và sự bành trướng gần như liên tục: bành trướng tập trung trong sản xuất hàng hóa và sản sinh con người, bành trướng mở rộng trong thám hiểm, chiếm hữu thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc. Nhiều lựa chọn hơn mà xã hội này trao cho – và nhiều sáng kiến hơn mà xã hội này đòi hỏi để đương đầu với các vấn đề mới lạ – được xử lý bởi các kiểu tính cách co khả năng xoay xở sống hòa hợp mà không chịu sự định hướng hiển nhiên và khắt khe của truyền thống. Điều này có được ở những cá nhân có kiểu tính cách nội tại định hướng. Giai đoạn viết cuốn sách, các quốc gia tiêu biểu cho kiểu xã hội này là các nước phương Tây.
Cuối cùng, khi tỉ lệ sinh bắt đầu nối đuôi tỷ lệ chết mà đi xuống, các xã hội tiến tới giai đoạn chớm giảm dân số. Càng ngày càng có ít người làm việc trên đất đai, trong các ngành khai khoáng hay ngay cả trong sản xuất. Giờ làm việc giảm. Người ta có thể có vật chất dư dật và còn được nhàn rỗi nữa. Lúc này, các xã hội đã phát triển ở các thành viên tiêu biểu của mình một tính cách xã hội mà tính tuân thủ được bảo đảm bằng khuynh hướng trở nên nhạy cảm với các kỳ vọng và sự ưa thích của người khác. Kiểu tính cách này, theo tác giả, là kiểu ngoại tại định hướng. Một xã hội kiểu mẫu cho giai đoạn này để phân tích là nước Mỹ – nước có nền kinh tế số 1 thế giới.
Vai trò của cha mẹ và các nhân tố khác trong việc hình thành tính cách
Các đồ thị dân số và cấu trúc kinh tế chỉ là một phần trong sinh thái học hình thành tính cách. Xen vào giữa chúng và tính cách xã hội được tạo nên là các tác nhân con người trong quá trình hình thành tính cách: cha mẹ, thầy cô, bạn bè và truyền thông.
Có một khuynh hướng trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội hiện nay, chịu ảnh hưởng của phân tâm học, nhấn mạnh quá mức và kết luận vội vàng về tầm quan trọng của thời thơ ấu trong sự hình thành tính cách. Ngay trong giai đoạn đầu đời, đôi khi người ta dồn sự chú ý gần như chỉ mang tính kỹ thuật vào các mẹo nuôi dạy trẻ như: lịch ăn uống và rèn trẻ đi vệ sinh đúng giờ. Quan điểm hàm chứa trong sự chú trọng này hóa ra lại là một nhận định vừa lạc quan vừa bi quan. Lạc quan vì dường như nó cho rằng các thay đổi đơn giản mang tính máy móc trong cách đào tạo của cha mẹ sẽ biến đổi sâu sắc tính cách của con cái. Cùng lúc nó lại bi quan bởi thừa nhận rằng một khi đã tới, chẳng hạn như giai đoạn cai sữa, cấu trúc tính cách của đứa trẻ đã định hình đến mức nếu không có sự can thiệp sâu về mặt tâm thần học, những sự kiện xảy ra sau đó sẽ không có mấy tác dụng ngoài việc giúp bộc lộ những chiều hướng đã ổn định.
Song, càng ngày người ta càng nhận ra là tính cách có thể biến đổi ghê gớm sau thời thơ ấu và rằng các tác nhân văn hóa ngoài cha mẹ cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Các nền văn hóa khác biệt nhau không chỉ ở sự phân định thời điểm của các bước trong quá trình hình thành tính cách mà còn ở các tác nhân chi phối trong từng bước. Mỗi giai đoạn lịch sử mới trên đường đồ thị dân số đều được đánh dấu bằng sự gia tăng tuổi đời và thời gian hòa nhập xã hội – tức là giai đoạn trước khi đứa trẻ đảm nhiệm hoàn toàn vai trò kinh tế và xã hội của người trưởng thành. Đồng thời, trách nhiệm đặt lên các tác nhân hình thành tính cách tồn tại bên ngoài gia đình, thị tộc, hay làng xã cũng gia tăng.
Đám đông cô đơn
Lấy bối cảnh nước Mỹ khi chuyển dịch từ xã hội sản xuất sang xã hội tiêu thụ từ đầu đến giữa thế kỷ 20, với sự bùng nổ của giai tầng trung lưu lớp trên, tác giả David Reisman đã phân tích sắc sảo và đầy thuyết phục sự biến đổi trong tính cách của họ (tầng lớp trung lưu lớp trên) từ nội tại định hướng sang ngoại tại định hướng, thể hiện trong các công việc, chính trị, giải trí, truyền thông, giáo dục, gia đình…Và ông đi đến một nhận định giật mình: các kiểu tính cách ấy đều không làm cho con người được tự do, con người luôn bị định hướng dưới hình thức này hoặc hình thức khác, bởi vậy nó luôn mang cảm giác vong thân và cô đơn. Nói cách khác, chính là tiêu đề cuốn sách, họ chính là đám đông cô đơn.
Nhưng đây không phải là câu chuyện của riêng nước Mỹ. Đám đông cô đơn là một cuộc giải phẫu xã hội hiện đại cho cả nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, trong đó nó chỉ ra những khuyết tật của con người, của xã hội, đồng thời cho thấy những cơ may giúp con người trở nên hạnh phúc.
Và nếu tự do, hạnh phúc con người là mục tiêu hướng đến của mọi quốc gia, mọi xã hội, thì những bài học của Đám đông cô đơn vẫn luôn tươi mới.
Ý kiến bài viết