Tác phẩm được viết ra bởi một nhà tâm lý học lâm sàng, nhưng, cuốn sách không chỉ là kiến thức chuyên môn về tâm lý. 12 quy luật là cuộc sống của chính tác giả.

Một cách nhìn mới từ các tác phẩm kinh điển

12 quy luật được đúc kết từ tri thức uyên thâm của tác giả thông qua cách nhìn mới mẻ từ các tác phẩm kinh điển triết học (cả phương Đông lẫn phương Tây),  các thành tựu tâm lý học (đặc biệt là tâm lý học nhận thức), văn học kinh điển (như các tác phẩm của Lev Tolstoy hay Fyodor Dostoevsky), phân tâm học (của Jung hay Freud), v.v. và đặc biệt là Kinh Thánh. Những giai thoại, những câu châm ngôn từ các tác gia, tác phẩm kinh điển tưởng rằng đã lỗi thời hay đã bị khai thác cạn kiệt thông qua lịch sử hàng trăm năm nhưng trong cuốn sách này, tác giả Jordan B. Peterson lại soi chúng hay diễn giải chúng trở lại một cách mới mẻ, sinh động, khiến cho các quy luật được suy ra ngay sau đó như là những điều hiển nhiên một cách thuyết phục.

Nếu như trong Quy luật số 1 (Đứng thẳng hiên ngang), tác giả đã viện dẫn kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý nhận thức, khoa học thần kinh thì ở quy luật kế tiếp (Quy luật số 2 – Đối xử với bản thân như là người bạn có trách nhiệm giúp đỡ), để diễn giải cuộc sống như là sự hài hòa giữa Trật tự và Hỗn loạn, tác giả đã viện dẫn đến triết học phương Đông (Thái Cực hay Đạo Đức Kinh), phương Tây (Kinh Thánh) và cả học thuyết Tiến hóa (của Darwin). Quy luật số 3 (Kết bạn với những ai mong muốn điều tốt đẹp nhất cho bạn) rút kết từ Kinh thánh và văn học kinh điển (tác phẩm của thiên tài Fyodor Dostoevsky), Quy luật số 4 (So sánh bản thân với chính bạn ngày hôm qua, chứ không phải người nào khác hôm nay) – mà chúng ta đã quá quen thuộc trên các phương tiện truyền thông, trong các cuốn sách hay các khóa học kỹ năng sống – được tác giả rút ra từ nghiên cứu Tâm lý nhận thức, từ Kinh Vệ Đà cổ đại (một thánh thư cổ xưa nhất của Hindu giáo và là một phần nền tảng văn hóa Ấn Độ), từ Kinh Thánh (trong Bài giảng trên núi), từ triết gia Nietzsche (tác phẩm Bên Kia Bờ Thiện Ác), v.v.

Kinh nghiệm sống

Cuốn sách sẽ là vô nghĩa nếu tác giả của nó không thực sự sống với những triết lý mình đang rao giảng. 12 quy luật được tác giả Jordan B. Peterson rút kết từ kinh nghiệm chữa bệnh và “sống cùng” với các bệnh nhân, kinh nghiệm quan hệ với người khác trong quá khứ (một cậu bạn tên Chris), kinh nghiệm của người đã từng trải qua những khủng khiếp của chiến tranh thế giới, chiến tranh Lạnh, kinh nghiệm của một người chồng, một người cha trong gia đình.

Trong Quy luật số 5 (Đừng để con bạn làm những điều khiến bạn không ưa chúng) hay Quy luật số 6 (Đặt ngôi nhà của bạn trong một trật tự hoàn hảo trước khi chỉ trích thế giới) hay Quy luật số 11 (Đừng ngăn cản con bạn đón nhận thử thách), tác giả đã nêu rất nhiều các trải nghiệm về cách giữ mối quan hệ hài hòa giữa vợ và chồng, về cách giáo dục con cái và về cách cân bằng trong mối quan hệ bạn bè. Quy luật số 8 (Nói sự thật hoặc chí ít cũng đừng nói dối) là những ám ảnh kinh hoàng về thế chiến thứ 2, về chủ nghĩa toàn trị, phát xít, v.v.

Truyền cảm hứng

Nói cuốn sách là thần dược cho cuộc sống hiện đại thì hơi quá nhưng nó thật sự mang lại nhiều suy ngẫm, nhiều nguồn động viên giúp thúc đẩy chúng ta chấp nhận cái “bất toàn” của cuộc sống, giữ trạng thái cân bằng giữa cái Trật tự và Hỗn loạn và truy cầu những điều có ý nghĩa.

Mặc dù tiêu đề cuốn sách nghe có vẻ to tát vì 12 quy luật này chúng ta đã rất quen thuộc (trên các phương tiện truyền thông, các cuốn sách hay khóa học kỹ năng sống) nhưng khi đọc các nội dung bên trong chúng ta lại cảm thấy cuốn hút và thuyết phục. Điều này là bởi 12 quy luật được rút ra từ quá trình hấp thụ, sàng lọc tri thức và kinh nghiệm của chính tác giả. Do đó, cuốn sách còn mang một thông điệp khác, đó là, thúc giục chúng ta hãy sống, hãy trải nghiệm để tự rút ra những quy luật cho riêng mình và từ đó chia sẻ cho người khác để họ cũng có thể làm những điều tương tự. Điều đó sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.