3 kỷ nguyên toàn cầu hóa

Vào thời điểm cuốn sách này ra đời và theo nhận định của tác giả, thế giới đã trải qua 3 kỷ nguyên toàn cầu hóa:

  • Toàn cầu hóa 1.0: Kỷ nguyên thứ nhất kéo dài từ năm 1492 đến khoảng năm 1800 – khi Columbus giăng buồm, mở ra sự giao thương giữa Thế giới Cũ và Thế giới Mới. Thế giới lúc này đã co lại từ kích thước lớn thành kích thước trung bình. Tác nhân then chốt của sự thay đổi, động lực thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu là việc quốc gia của bạn sở hữu bao nhiêu sức cơ bắp, bao nhiêu sức ngựa, sức gió hay sức hơi nước – và bạn sử dụng sức mạnh trên như thế nào. Vấn đề cơ bản được đặt ra lúc này là: Vị trí của một nước trong quá trình cạnh tran và tận dụng cơ hội toàn cầu như thế nào? Làm sao để cá nhân có thể vươn ra toàn cầu và cộng tác với cá nhân khác trong khuôn khổ quốc gia?
  • Toàn cầu hóa 2.0: Kỷ nguyên thứ hai kéo dài từ năm 1800 đến năm 2000, bị gián đoạn bởi cuộc Đại Khủng hoảng và hai cuộc chiến tranh Thế giới. Thế giới lúc này co lại từ cỡ trung bình xuống cỡ nhỏ. Tác nhân then chốt của sự thay đổi, động lực thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu là các công ty đa quốc gia. Vấn đề cơ bản được đặt ra lúc này là: Vị trí của tổ chức, công ty của tôi như thế nào trong nền kinh tế toàn cầu? Công ty, tổ chức cần tận dụng các cơ hội như thế nào? Làm thế nào để tôi có thể vươn ra toàn cầu và cộng tác với những công ty, tổ chức khác?
  • Toàn cầu hóa 3.0: Kỷ nguyên thứ ba bắt đầu năm 2000. Thế giới co lại từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và đồng thời san bằng sân chơi toàn cầu. Động lực lúc này chính là các cá nhân với khả năng cộng tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Vấn đề trong Toàn cần hóa 3.0: Vị trí của tôi, với tư cách là một cá nhân, trong sự cạnh tranh và trong cơ hội toàn cầu hiện nay là gì, và chính tôi phải cộng tác với những người khác trên thị trường toàn cầu như thế nào?

Thế giới phẳng

Tác động của Toàn cầu hóa 3.0 đã làm Thế giới bước vào thời kỳ mà tác giả gọi là “Thế giới phẳng”. Đó là thời kỳ mà hầu hết mọi thứ đều được số hóa, ảo hóa và tự động hóa; Là thời kỳ các quốc gia, công ty và cá nhân có thể tăng năng suất nếu áp dụng các công cụ công nghệ mới; Là thời kỳ mà nhiều cá nhân hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây trong lịch sử có cơ hội tiếp cận các công cụ này, bất kể họ là các nhà đổi mới hay người cộng tác, và thật trớ trêu là có cả những kẻ khủng bố; Là thời kỳ mà các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới và phải tự biến đổi thành các cấu trúc theo chiều ngang và có tính công tác hơn và từ đó xuất hiện các mô hình xã hội, chính trị và kinh doanh hoàn toàn mới.

Khái niệm “phẳng” ở đây đồng nghĩa với “sự kết nối”. Những dỡ bỏ rào cản về chính trị cùng với những tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng số đang làm thế giới phẳng ra và không còn nhiều trở ngại về địa lý như trước.

Có những thời điểm quyết định hay các bước ngoặc lịch sử có tầm quan trọng lớn lao hơn các thời điểm khác bởi vì những thay đổi chúng tạo ra là cực kì sâu rộng, nhiều chiều và khó tiên đoán. Đó là những thời điểm nào đã quyết định “thế giới phẳng”?

Mười nhân tố làm phẳng thế giới

  • Nhân tố thứ nhất là sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 và hệ điều hành Windows 3.0 được công ty Microsoft chuyển đến khách hàng vào ngày 22 tháng 5 năm 1990. Lúc này mọi hàng rào ngăn cách địa lý bị xóa bỏ và sự phát triển của máy tính cá nhân chạy bằng hệ điều hành Windows đã xóa bỏ sự hạn chế về dung lượng thông tin mà bất cứ cá nhân nào có thể tích lũy, kiểm soát và phổ biến.
  • Nhân tố thứ hai là khi Mạng (web) xuất hiện và Netscape bán cổ phiếu đợt đầu cho công chúng vào ngày 8 tháng 9 năm 1995. Lúc này cho phép mọi người liên lạc và tương tác với những người khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới và hơn bao giờ hết.
  • Nhân tố thứ ba là sự xuất hiện các phần mềm xử lý công việc như email, word, excel,v.v. cho phép chúng ta tham gia vào quá trình thiết kế, trưng bày, quản lý và tiếp cận dữ liệu mà trước đây chỉ có thể xử lý thủ công. Công việc bắt đầu lưu thông dễ dàng giữa các công ty, tổ chức và các quốc gia.
  • Nhân tố thứ tư là sức mạnh cộng đồng bằng được tăng cường bằng cách cho phép các cá nhân có thể tải các nội dung lên mạng. Lúc này tất cả chúng ta có thể trở thành những nhà sản xuất chứ không đơn thuần là người tiêu dùng. Wikipedia là một ví dụ và khả năng này.
  • Nhân tố thứ năm là xuất hiện dạng công việc mới là làm từ xa hay thuê làm bên ngoài (outsourcing) có nghĩa là thay vì thực hiện một chức năng nhất định nhưng hạn chế mà công ty của bạn đang làm trong nội bộ công ty bạn để các công ty khác thực hiện chức năng đó cho bạn và sau đó gắn phần công việc này vào hoạt động chung của bạn.
  • Nhân tố thứ sáu là chuyển sản xuất ra nước ngoài (offshoring) là hình thức chuyển các nhà máy sản xuất trong nước đến các quốc gia khác. Tại đây, vẫn cùng một loại sản phẩm, một quy trình chỉ khác ở chỗ là nhân công rẻ hơn, thuế thấp hơn, chi phí năng lượng và y tế rẻ hơn. Chính vì thế mà có máy tính hiệu Dell, điện thoại iPhone mà lại Made in China.
  • Nhân tố thứ bảy là sự xuất hiện các chuỗi cung hay là phương phương cộng tác theo chiều ngang giữa các nhà cung cấp. người bán lẻ và khách hàng nhằm tạo ra giá trị. Chuỗi cung buộc các nhà cung cấp phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn chung.
  • Nhân tố thứ tám là hình thức thuê bên thứ ba hay thuê bên ngoài làm (insourcing). Đây là dịch vụ xuất hiện khi công ty(A) không muốn quản lý sản phẩm hay khách hàng của họ nữa thì họ sẽ thuê một công ty khác(B) thực hiện những công việc này. Vì công ty bên ngoài này (B) có thể can thiệp rất sâu vào công ty thuê họ (A) nên đòi hỏi rất nhiều sự tin tưởng lẫn nhau.
  • Nhân tố thứ chín là sự xuất hiện các cỗ máy tìm kiếm như Google, Yahoo hay MSN giúp tất cả mọi người có thể truy cập, tìm kiếm thông tin dễ dàng.
  • Nhân tố thứ mười là các công nghệ mới được tác giả gọi là các nhân tố xúc tác (steroids) như công nghệ không dây, chia sẻ tài liệu, gọi điện qua Internet, v.v.

Mười nhân tố hội tụ và phối hợp lại sẽ tạo thành một sân chơi toàn cầu mới, phẳng hơn. Khi sân chơi mới được xác lập, các doanh nghiệp và cá nhân đều bắt đầu áp dụng những thói quen, kỹ năng và các quy trình mới để tận dụng lợi thế của sân chơi này. Họ chuyển từ cách tạo giá trị theo chiều thẳng đứng sang chiều ngang hơn. Và lúc này cũng xuất hiện những con người mới.

Cơ hội – Thách thức

Thế giới phẳng tạo ra công cụ mới, cách thức làm việc – học tập mới, phong cách sống mới và nhiều cơ hội phát triển công bằng cho tất cả các quốc gia, các cá nhân nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều thách thức mới. Cơ hội cho nhiều người hơn cũng có nghĩa là cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn trên nhiều khía cạnh nhưng cạnh tranh không có nghĩa là đạp lên nhau mà là cùng cộng tác để phát triển như Karl Marx đã nói: ”Tà đạo không phải là việc loài người làm việc cùng nhau mà là mục đích của công việc đó. Điều quan trọng là chúng ta sử dụng công cụ mới đó để giao tiếp và hợp tác với nhau vì mục đích đúng đắn – cho những mục tiêu xây dựng con người chứ không phải cho những mục đích phóng đại tầm quan trọng của họ.”

Cuốn sách như một cẩm nang giúp mỗi độc giả có thể xác định vị trí của bản thân trong thế giới phẳng để tìm cho mình những giải pháp phù hợp.