Fukuzawa Yukichi đã xuất phát từ một tiền đề cơ bản rằng: “Ai đó đã nói trời không sinh ra người này hơn hoặc kém người kia. Điều ấy có nghĩa là người ta do trời sinh ra tất cả đều bình đẳng. Không có sự khác biệt bẩm sinh nào giữa cao và thấp.” Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có sự phân biệt rõ rệt giữa người khôn kẻ dại, người giàu và người nghèo, thượng lưu hạ lưu, v.v. Sự phân biệt này, theo Fukuzawa Yukuchi, xuất phát từ vấn đề giáo dục mà ra. (“Ai đó đã nói” thì tôi không rõ nhưng người (những người) này có ảnh hưởng rất lớn với cụ Fukuzawa. Có lẽ họ là những triết gia thời đại Khai sáng).

Chúng ta cần biết rằng, Nhật Bản thời đại của Fukuzawa Yukichi đang sống rất giống với hoàn cảnh của Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác thời điểm đó. Tình hình xã hội, chính trị lúc này đang trong giai đoạn chuyển giao với nhiều rối ren và đang bị các cường quốc phương Tây dòm ngó. Một số quốc gia như Nhật hay Thái Lan thực hiện chính sách mở cửa, giao thương với phương Tây nên họ thoát được cảnh bị nô dịch nhưng chỉ có Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở Châu Á trở thành cường quốc sánh ngang với các nước phương Tây (và là một trong 3 nước thuộc phe phát xít trong chiến tranh thế giới thứ 2). Nguyên nhân do đâu? Có nhiều yếu tố như sự sáng suốt của vua Minh Trị, tinh thần cầu tiến của người Nhật và phải kể đến những người như Fukuzawa Yukichi – những nhà trí thức Tây học và dấn thân. Đó là những người không thuộc quan chức nhà nước và cũng không thuộc quần chúng nhân dân lao động. Họ đứng ở vị trí trung gian, lãnh đạo thế giới bằng uy quyền của tri thức. Họ hành động quyết liệt “Bây giờ, nếu ai đó không làm được một điều gì cả, thì thuyết phục tốt hơn là chỉ huy và nên tự mình nêu gương hơn là thuyết phục…một gương tốt bây giờ còn tốt hơn cả trăm lập luận. Cho nên tôi sẽ nêu gương bằng chính công việc của tôi.” Công việc gì? Viết sách (như cuốn này), thúc giục nhà nước cải cách, viết báo, mở trường giảng dạy (trường Nghĩa thục Kéio).

Có nhiều so sánh Fukuzawa Yukichi với các cụ nhà ta như Phan Bội Châu hay Nguyễn Trường Tộ nhưng nếu cụ Phan không gặp thời thì cụ Nguyễn chỉ biết dâng sớ thúc giục triều đình mà không có một hành động thiết thực, cụ thể nào và cũng không may mắn là cụ lại mất sớm khi chí lớn còn dang dở.

Tác phẩm tên “Khuyến học” (theo cách dịch sang tiếng Việt) tức là khuyến khích chúng ta học nhưng cụ thể là gì? Đây là lời khuyên:

“Người có lòng yêu nước trong xã hội đương đại không nên lo lắng về sự xáo trộn trong cơ thể và trong tâm hồn của mình. Mục đích của anh ta nên như sau: Hãy để mỗi người tự xử sự một cách đúng đắn trên cơ sở bản chất con người, sau đó chăm chỉ theo đuổi học hành và mở rộng kiến thức của mình và thứ ba là hãy nắm lấy kiến thức và đạo đức phù hợp với vị trí của mình trong cuộc sống. Cả nhà nước và nhân dân nên có một mục đích chung là mỗi bên vận hành trong khả năng riêng của mình làm cho hòa bình đất nước được duy trì, nhà nước điều hành một cách trơn tru công việc của quốc gia và nhân dân không khổ sở dưới sự điều hành đó. Sự học hành mà tôi đang khuyến khích chỉ có mục đích duy nhất như vậy trong tầm nhìn của tôi.”