Đây là một cuốn sách khác của tác giả cuốn sách kinh điển The Pragmatic Programmer. Trong cuốn sách này, tác giả tập trung vào cách thức nâng cao khả năng học và tư duy dựa trên các thành tựu nghiên cứu trong các lĩnh vực như khoa học thần kinh, khoa học nhận thức hay khoa học hành vi. Bài viết này là những ghi chép sau khi đọc chương 2: Journey from Novice to Expert.

Mô hình 5 tầng Dreyfus

Học tập không ngừng là yêu cầu bắt buộc trong thời đại thông tin hiện nay. Người học sau một thời gian trau dồi kiến thức và kỹ năng sẽ đạt đến một mức độ nào đó. Vậy các mức độ đó là gì? Và tiêu chuẩn nào để đánh giá các mức độ đó? Năm 1970, anh em nhà Dreyfus (Hubert and Stuart) đề xuất mô hình 5 tầng thể hiện các mức độ mà người học có thể đạt được

  • Novice (hay Beginner): Là mức thấp nhất, dành cho những người bắt đầu học tập về một lĩnh vực nào đó và họ có rất ít hay chưa có kinh nghiệm nào về lĩnh vực đang học. Đạt được mức này, người học có thể giải quyết một vấn đề đơn giản theo một công thức được cung cấp sẵn.
  • Advance Beginner: Là mức kế tiếp mức Novice. Đạt được mức độ này người học có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp hơn bằng cách chia nhỏ thành những những vấn đề nhỏ và dễ giải quyết hơn. Người học có thể dễ dàng tham khảo các ý kiến từ những người khác và áp dụng cho công việc trực tiếp của mình. Tuy nhiên, ở cấp độ này, người học chưa có khả năng nhìn thấy tổng thể vấn đề (hay bức tranh lớn) và họ vẫn còn “đắm chìm” trong các chi tiết. Đây là những người chiếm số đông trong hầu hết các lĩnh vực.
  • Competent: Người học đạt tới mức này được xem là có năng lực trong lĩnh vực mình đang học. Bằng cách tận dụng những kinh nghiệm đã có, họ có thể tự xây dựng kế hoạch và xử lý các vấn đề mình đang đối mặt. Tuy nhiên việc hạn chế kinh nghiệm và giải quyết vấn đề với “bức tranh lớn” chính là nhược điểm lớn nhất của người học ở mức này.
  • Proficient: Là những người học xuất sắc trong lĩnh vực của mình. Ở mức này, người học giải quyết công việc của mình dựa trên bức tranh lớn, có thể xây dựng những mô hình mức khái niệm và đặc biệt họ có thể biết chính xác các giải pháp mình áp dụng là đúng hay sai, đã là tốt nhất hay chưa để có những giải pháp tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, họ vẫn còn lệ thuộc vào kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm có sẵn (hay tham khảo từ nguồn có sẵn).
  • Expert: Đây là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình, là nguồn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho những người ở những mức độ thấp hơn có thể tham khảo. Khi làm việc, vì ít khi dựa vào kiến thức và kinh nghiệm đã có mà chủ yếu tuân theo trực giác (intuition) nên những chuyên gia là khởi nguồn cho những cải cách, phát minh trong lĩnh vực của họ. Họ chiếm thiểu số và thường gọi là nhóm “tinh hoa” trong các tổ chức.

Lưu ý: mô hình trên áp dụng cho một lĩnh vực cụ thể. Bạn có thể là Expert trong lĩnh vực này nhưng lại là Novice trong lĩnh vực khác.

Ai cũng là người học, kể cả Chuyên gia ( Expert)

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, những kiến thức mới, kỹ năng mới không ngừng xuất hiện với tốc độ chóng mặt để giải quyết những vấn đề mới phát sinh một cách liên tục. Do đó,  bất kỳ ai cũng phải luôn đóng vai trò là người học dù bạn có thể được công nhận ở mức độ cao nhất là Expert. Nhưng trí não con người là có hạn và đã có rất nhiều nghiên cứu giúp chúng ta cải thiện khả năng học, khả năng tư duy. Trong bài báo Hacking the Brain: Dimensions of Cognitive Enhancement, nhóm tác giả đã chỉ ra các khía cạnh cần cải thiện sau:

  • Mode of action: Tập trung vào việc cải thiện các chức năng tinh thần dựa trên các khía cạnh sinh hóa, vật lý và hành vi.
  • Cognitive domain: Liên quan đến các chức năng nhận thức của con người như trí nhớ, khả năng xử lý thông tin.
  • Personal factors: Các yếu tố cá nhân như khả năng nhận thức, tâm lý, văn hóa, xã hội.
  • Temporal factors: Yếu tố thời gian cũng là vấn đề cần chú trọng khi nghiên cứu cải thiện khả năng nhận thức của con người.
  • Side effects: Các hiệu ứng phụ cũng cần được tính đến khi áp dụng các phương pháp cải thiện.
  • Availability: Liên quan đến tính hợp pháp hay tính khả thi về chi phí và yếu tố thời gian.
  • Acceptance: Các nghiên cứu có được chấp nhận rộng rãi trong xã hội hay không.

Mỗi khía cạnh có những kỹ thuật hay chiến lược cải thiện cụ thể nhưng khó khăn xuất hiện khi một khía cạnh được cải thiện đáng kể thì khía cạnh khác bị suy yếu và điều này gây đau đầu cho các Chuyên gia. Sự hợp tác của các Chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau là cần thiết.

Chúng ta đang không ngừng học hỏi và tư duy để đạt đến những cột mốc nhưng khi đã đạt đến những cột mốc ấy thì những cột mốc mới lại xuất hiện. Quá trình này liên tục và dường như vô tận nhưng năng lực con người là hạn chế. Vậy, có lẽ chúng ta nên học theo tư tưởng của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20, Albert Einstein, là: Đừng cố gắng để học chỉ để thành công mà hãy cố gắng học để trở nên có ích hơn.