Câu chuyện lịch sử
Cuốn sách là câu chuyện về lịch sử loài người, được kể lại một cách hấp dẫn và lôi cuốn bởi nhà nghiên cứu lịch sử Yuval Noah Harari, và bản tiếng Việt được dịch một cách công phu, có sự đóng góp của nhiều học giả uy tín của Việt Nam.
Yuval Noah Harari (Nguồn Internet)
Theo tác giả, có ba cuộc cách mạng quan trọng định hình tiến trình lịch sử: Cách mạng nhận thức đã khởi động lịch sử cách đây khoảng 70.000 năm; Cách mạng nông nghiệp đã tăng tốc lịch sử vào khoảng 12.000 năm trước đây; Và Cách mạng khoa học mới bắt đầu cách đây 500 năm, biết đâu sẽ kết thúc lịch sử và bắt đầu một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt. Cuốn sách này kể về câu chuyện về việc ba cuộc cách mạng đó đã tác động đến loài người và những sinh vật cùng sống với họ ra sao.
Loài Homo sapiens
Các nhà sinh học phân chia sinh vật thành các LOÀI. Các loài tiến hóa từ một tổ tiên chung được tập hợp lại thành một CHI. Sư tử, hổ, báo là các loài khác nhau trong chi Panthera. Sư tử được gọi là Panthera leo, tức loài leo thuộc chi Panthera. Và tất cả chúng ta đều thuộc về Homo sapiens – loài sapiens (tinh khôn) của chi Homo (người).
Tới lượt các chi lại được nhóm thành các HỌ, ví dụ họ mèo, họ sư tử, họ chó, họ voi, v.v. Homo sapiens cũng vậy, thuộc về cùng một họ. Họ hàng gần nhất của chúng ta là tinh tinh, khỉ đột và đười ươi. Bên cạnh đó, trong quá khứ, chúng ta đã từng có một vài anh chị em khác.
Con người bắt đầu tiến hóa ở Đông Phi khoảng 2,5 triệu năm trước, từ một chi trước của loài vượn gọi là Australopithecus (vượn cổ phương Nam). Khoảng 2 triệu năm trước, một nhóm người cổ đại đã di chuyển và định cư tại các khu vực trên thế giới như Bắc Phi, Châu Âu, Châu Á. Do những môi trường sống khác nhau đã tạo nên những quần thể người khác nhau. Con người ở Châu Âu và Tây Á đã tiến hóa thành Homo neanderthalensis (“Người đến từ thung lũng Neader”), thường gọi đơn giản là “Neanderthal”, đô con và lực lưỡng. Xa hơn về Châu Á là nhóm người Homo erectus (“Người có dáng đứng thẳng”). Trên đảo Java ở Indonesia, có Homo soloenesis (“Người đến từ thung lũng Solo”). Ở Đông Phi con người vẫn tiếp tục tiến hóa thành Homo rudolfensis (“Người tới từ hồ Rudolf”), Homo ergaster (“Người lao động”), và loài người chúng ta ngày nay, Homo sapiens (“Người tinh khôn”).
Hơn 10.000 năm qua, Homo sapiens đã quá quen với tư cách loài người duy nhất. Sự thiếu hụt các anh chị em khiến chúng ta nhầm tưởng hơn rằng mình là hình ảnh thu nhỏ của sự sáng tạo tuyệt đỉnh và khi Charles Darwin chỉ ra rằng Homo sapiens chỉ là một loài động vật, nhân loại đã cảm thấy bị xúc phạm.
Vậy những người anh em cổ đại của chúng ta đâu cả rồi? Sự thật rằng, hễ Sapiens đặt chân đến một nơi mới thì chẳng bao lâu sau cư dân bản địa sẽ bị tuyệt chủng và Homo sapiens còn gọi là loài người cuối cùng.
Làm thế nào chúng ta (Homo sapiens) có thể định cư nhanh chóng trong những môi trường sống xa lạ và có đặc điểm sinh thái khác biệt? Làm thế nào chúng ta đẩy được tất cả những loài người khác vào quên lãng? Tại sao ngay cả Neanderthal khỏe mạnh, thông minh, chịu lạnh cực tốt lại không thể tồn tại được trước sự tấn công của chúng ta? Đâu là bí mật thành công (với tư cách là loài người cuối cùng) của Homo sapiens?
Bí mật của sapiens
Kim tự tháp – Một trong những kiệt tác của Sapiens (nguồn Internet)
Bên cạnh một số đặc điểm chung của tất cả các loài người là có một bộ não lớn, đứng thẳng trên hai chân và đôi bàn tay khéo léo, Homo sapiens sở hữu hai công cụ sức mạnh riêng biệt giúp mình trở thành “loài người cuối cùng” đó là ngôn ngữ và khả năng hư cấu.
Nhờ ngôn ngữ, Homo sapiens có thể giao tiếp để từ đó hình thành những bầy sapiens lớn hơn và ổn định hơn. Trong trận chiến một chọi một, một Neanderthal có lẽ sẽ đánh bại một Sapiens. Nhưng trong một xung đột hàng trăm người, các Neanderthal sẽ không có cơ hội.
Tuy nhiên, nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng quy mô tự nhiên của một nhóm được gắn kết bởi giao tiếp hay tán gẫu (nhờ ngôn ngữ) là khoảng 150 cá thể. Vượt qua ngưỡng 150, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn và không thể kiểm soát. Vậy làm thế nào mà Homo sapiens xoay xở vượt qua ngưỡng quan trọng này, để cuối cùng lập nên các thành phố bao gồm hàng chục ngàn người và những đế chế cai trị hàng trăm triệu người? Bí mật nằm ở những câu chuyện hư cấu.
Bất kỳ sự hợp tác nào của con người (Homo sapiens) ở quy mô lớn – dù là một quốc gia hiện đại, một nhà thờ trung cổ, một thành phố cổ đại hay một bộ lạc cổ xưa – đều bắt nguồn từ những huyền thoại phổ biến vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của đám đông. Giáo hội bắt nguồn từ những huyền thoại tôn giáo chung. Tuy hai người Công giáo chưa từng gặp nhau, nhưng họ vẫn có thể cùng tham gia thập tự chinh hoặc cùng làm từ thiện. Các quốc gia bắt nguồn từ huyền thoại chung về dân tộc. Hai người Việt Nam chưa từng gặp nhau có thể liều mạng để cứu nhau vì cùng tin vào sự tồn tại của dân tộc Việt Nam, quê hương Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng. Sự thật là, không tồn tại những cái gọi là thần linh, dân tộc, tiền, nhân quyền, luật pháp, v.v. Tất cả chỉ là những câu chuyện được Sapiens sáng tạo và truyền khẩu. Đây là chìa khóa để Sapiens thành công. Neanderthal và những loài người khác có thể chia sẻ thông tin về nơi ở của sư tử nhưng họ không thể nói và sửa lại những câu chuyện về các thần linh của bộ lạc. Không có khả năng sáng tác truyện hư cấu, Neaderthal và các loài người khác không thể hợp tác hiệu quả với số lượng lớn và thay đổi hành vi phù hợp với các thách thức luôn thay đổi.
Hiện tại và tương lai của Sapiens
Sự giận dữ của tự nhiên trước lòng tham của các Sapiens (nguồn Internet)
Với cuộc cách mạng khoa học, con người trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhưng cũng trở nên vô trách nhiệm hơn bao giờ hết. Chỉ vì muốn làm cho mình thoải mái hơn mà các Sapiens đã gây nên những hậu quả thảm khốc cho các loài động vật anh em và hệ sinh thái xung quanh.
Chúng ta đọc về lịch sử, nghiên cứu về lịch sử không phải để đưa ra những dự đoán tương lai mà là để mở rộng chân trời hiểu biết của mình, để hiểu rằng tình trạng hiện nay của chúng ta không phải do tự nhiên, cũng không phải do tất yếu, và kết quả là chúng ta có nhiều lựa chọn hơn mình tưởng. Phát triển hay trì trệ, sinh trưởng hay diệt vong, tất cả là do sự lựa chọn của các Sapiens.
Ý kiến bài viết