Các lực lượng phi lý trí (được đề cập trong sách):
Tính tương đối: chúng ta luôn nhìn nhận những thứ xung quanh trong mối tương quan (hay so sánh) với các sự vật khác. Sự so sánh giúp chúng ta đưa ra quyết định trong cuộc sống nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta gặp rắc rối vì lòng đố kỵ, sự ghen ghét và lòng tham không giới hạn của con người. Liều thuốc đặc trị duy nhất là phá vỡ sự so sánh.
Quan hệ giữa cung và cầu: qua các thí nghiệm cho thấy, các mối quan hệ chúng ta thấy trên thị trường giữa cung và cầu không phải dựa trên sở thích mà là ký ức. Chúng ta nên dành sự chú ý đặc biệt cho lần quyết định đầu tiên của mình vì nó có thể có ảnh hưởng lâu dài đến các quyết định trong tương lai.
Sự hấp dẫn của “miễn phí”: con người rất dễ “bị dụ” bởi những thứ “miễn phí” vì con người về bản chất rất sợ mất mát và sự cám dỗ của những thứ “miễn phí” liên quan tới nỗi sợ này. Chúng ta sẽ không mất gì nếu chọn những thứ “miễn phí”.
Các quy chuẩn xã hội: chúng ta thường cảm thấy vui mừng, tự hào vì được làm một điều gì đó nhưng lại không vui khi được trả tiền để làm việc đó. Nguyên nhân là chúng ta sống trong hai thế giới: một, được đặc trưng bởi các trao đổi xã hội và một, được đặc trưng bởi các trao đổi thị trường. Chúng ta áp dụng các quy chuẩn khác nhau cho hai kiểu quan hệ này. Nếu chúng ta đưa các quy chuẩn thị trường (ví dụ trả tiền) vào các trao đổi xã hội (ví dụ giúp đỡ người khác), thì chúng sẽ phá vỡ các chuẩn xã hội và làm tổn thương các mối quan hệ.
Sự hưng phấn: chúng ta thường nhìn thế giới dưới góc độ rất khác khi hưng phấn (do rượu bia, tình dục, một niềm vui bất ngờ,…) nên thường đưa ra những quyết định sai lầm. Do đó, để đưa ra các quyết định đúng đắn, chúng ta cần trải nghiệm và hiểu được cảm xúc mà chúng ta sẽ trải qua khi đang ở trạng thái đối lập. Hãy thận trọng khi đang ở trạng thái “hưng phấn”.
Sự sở hữu: chúng ta thường đánh giá quá cao những gì mình có. Nguyên nhân là do 3 thói quen sau:
- Chúng ta thường yêu quý những gì chúng ta có
- Chúng ta tập trung vào những gì chúng ta có thể bị mất hơn là những gì chúng ta có thể có
- Chúng ta cho rằng người khác sẽ nhìn nhận từ góc độ của chúng ta.
Một trong những cách thức giải quyết là cố gắng nhìn nhận tất cả các giao dịch như thể ta không phải là người sở hữu, đặt ra một khoảng cách nhất định giữa ta và “món đồ” đang quan tâm.
Nhiều lựa chọn: chúng ta nghĩ rằng, khi có nhiều phương án hay lựa chọn cho một vấn đề sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn nhưng thực tế lại ngược lại. Khi mải mê chạy theo rất nhiều thứ, chúng ta thường không dành đủ thời gian cho những việc thật sự quan trọng và cuối cùng lại khiến chúng ta phân tán khỏi mục tiêu ban đầu.
Sự mong đợi: chúng ta nghĩ một điều gì đó là tốt thì điều đó là tốt, chúng ta nghĩ một điều gì đó là xấu thì điều đó là xấu. Chúng ta thường đánh giá sự vật, hiện tượng theo những tri thức và định kiến của chúng ta đã có từ trước. Cách duy nhất là chúng ta phải chấp nhận mình đang bị mắc kẹt trong chính cách nhìn nhận của mình để có thể chấp nhận ý kiến trung lập bên thứ ba.
Sức mạnh của giá cả: hai viên aspirin có cùng chất lượng nhưng giá khác nhau, viên 50 xu và viên 1 xu. Bệnh nhân dùng viên 50 xu sẽ khỏi bệnh nhanh hơn nhiều so với viên 1 xu. Sự khác biệt là gì? Có hai điều làm nên sự khác biệt này:
- Niềm tin: một niềm tin phổ biến rằng, giá cả thường đi kèm với chất lượng.
- Điều kiện hóa: niềm tin viên aspirin 50 xu có chất lượng tốt sẽ làm cho cơ thể hình thành sự trông đợi giải phóng các hooc-môn và chất dẫn truyền thần kinh làm cho người bệnh cảm giác thoải mái, an thần.
Tác động của bối cảnh đến tính cách: chúng ta quan tâm đến trung thực và chúng ta muốn trung thực nhưng vấn đề là, cái máy kiểm soát sự trung thực bên trong mỗi chúng ta chỉ hoạt động khi xem xét đến những hành vi vi phạm lớn. Đối với những hành vi vi phạm nhỏ (như lấy trộm một hay hai chiếc bút), chúng ta thậm chí còn không xem xét xem những hành động này sẽ phản ánh mức độ trung thực của ta như thế nào.
Bài học
Bài học chính rút ra từ các nghiên cứu được miêu tả trong cuốn sách này, đó là: chúng ta là những quân tốt trong một trò chơi mà hầu như chúng ta không thể hiểu cách đi của nó. Chúng ta thường nghĩ mình đang ngồi ở vị trí người lái, với sự kiểm soát đối với các quyết định được đưa ra và hướng rẽ cuộc đời chúng ta lựa chọn; nhưng rất tiếc, nhận thức này liên quan nhiều tới mong muốn của chúng ta – với việc chúng ta muốn nhìn nhận bản thân ra sao – hơn là với thực tế.
Mỗi chương trong cuốn sách tác giả miêu tả một lực lượng (phi lý trí) ảnh hưởng tới hành vi của chúng ta. Chúng tác động tới chúng ta không phải vì chúng ta thiếu tri thức, thiếu thực hành hoặc thiếu óc phán đoán. Trái lại, chúng còn lặp đi lặp lại với cả các chuyên gia lẫn người chưa có kinh nghiệm, có hệ thống và hoàn toàn có thể dự đoán được. Các sai lầm vì thế trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta.
Bài học thứ hai, mặc dù phi lý trí nhưng không có nghĩa là chúng ta bất lực. Một khi đã hiểu chúng, ta có thể thận trọng hơn, sử dụng công nghệ để vượt qua các thiếu sót cố hữu của mình. Đây cũng là điểm các cá nhân, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp nên xem xét để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ý kiến bài viết