Henry David Thoreau là ai?
Nguồn Internet
Có người nói rằng, một cuộc đời ý nghĩa được đo bằng chất lượng sống thay vì số năm sống – điều này rất chính xác với cuộc đời của Henry David Thoreau. Sinh năm 1817 và mất năm 1862, chỉ sống được 45 năm ngắn ngủi nhưng đó là quãng thời gian sống thật phong phú, mạnh mẽ và độc đáo. Phong phú vì ông đa tài, hứng thú cũng như trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực như thơ, văn, tự nhiên học, sử học, toán học, triết học, v.v.; mạnh mẽ vì ông luôn nói đi đôi với làm, tin tưởng đi đôi với hành động; và độc đáo vì di sản của ông chính là cuộc đời ông, là trải nghiệm của riêng ông, khám phá của riêng ông. Tên tuổi, tư tưởng, tác phẩm của Thoreau như các loại rượu hảo hạng, càng để lâu càng ngon. Điều này có thể dễ dàng tìm thấy qua việc trích dẫn tên hay tác phẩm của Thoreau. Ví dụ, chúng ta có thể dùng công cụ Ngram Viewer của Google để xem thử tên của Thoreau được trích dẫn như thế nào trong các cuốn sách ngôn ngữ tiếng Anh (thống kê từ 1800 đến 2000) như sau:
Nếu chúng ta dùng công cụ GoogleTrends để theo dõi sự quan tâm về cụm từ “Henry David Thoreau Walden” từ năm 2004 đến nay thì sẽ thu được thống kê sau:
Là một triết gia tiên nghiệm, cuộc đời Thoreau là những suy tư, những trải nghiệm sâu sắc về cá nhân con người, về mối quan hệ giữa người với người và một tình yêu bất tận dành cho giới tự nhiên.
Chuyển thể một tác phẩm vĩ đại sang tiếng Việt là một nỗ lực tận tâm và phi thường. Sẽ không bao giờ có thể tát cạn hết tư tưởng thâm sâu của tác phẩm nguyên bản nhưng Walden – một mình sống trong rừng của dịch giả Hiếu Tân cũng thật đáng quý, đáng trân trọng, và đáng để đọc. Chính vì đáng đọc nên cần tuân theo nguyên tắc đọc sách của Thoreau – theo cách dịch sang tiếng Việt:
Đọc tốt, tức là đọc những quyển sách thật sự trong một tinh thần thật sự, là một môn luyện tập cao quý, và là môn sẽ giao cho người đọc nhiều nhiệm vụ hơn bất kỳ bài tập nào mà phong tục ngày nay coi trọng. Sách phải được đọc một cách cẩn trọng và dè dặt như chúng được viết ra. Đối với nhiều người việc đọc một cuốn sách đã mở ra một thời kì mới trong đời. Cuốn sách đó tồn tại cho chúng ta đôi khi sẽ giải thích những điều kì diệu của chúng ta và bộc lộ những điều mới. Những gì lúc này không thể thốt ra chúng ta sẽ thấy được thốt ra ở nơi nào đó. Cùng những vấn đề làm chúng ta bất an, khó hiểu và hoang mang cũng đã có lần xảy ra với những người khôn ngoan, tất cả không có ngoại lệ, và mỗi người đã trả lời chúng, theo khả năng của mình, bằng lời và bằng cuộc đời mình. Hơn nữa, với hiểu biết chúng ta sẽ học được cách nhìn rộng mở.
Walden – một thử nghiệm
Thử nghiệm, theo cách hiểu trong khoa học, là hành động thực tế dựa trên một vài niềm tin hay giá trị, và qua đó kiểm chứng tính đúng đắn của các niềm tin hay giá trị này đồng thời rút ra bài học, hay nói cách khác, bài học là khoảng cách giữa những điều hình dung và hành động thực tế.
Hình ảnh Đầm Walden trong cuốn sách (nguồn Internet)
Walden là cuốn sách viết về những hồi tưởng khi tác giả sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden. Đây chỉ là một thử nghiệm: “tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”. Và thử nghiệm nào cũng có thời điểm kết thúc. Khoảng thời gian kết thúc thật đẹp – chỉ có thể là do sự chủ động của tác giả – 2 năm 2 tháng 2 ngày. Lý do kết thúc cũng đã được giải thích: “tôi rời khỏi rừng cũng với lý do chính đáng như khi tôi đến. Tôi thấy dường như tôi còn có nhiều cuộc đời khác để sống, và không thể tiêu phí thêm thời gian cho cuộc sống này”.
Nguồn Internet
Niềm tin
Nguồn Internet
Đòi hỏi đầu tiên hay cuối cùng của mọi người viết là mô tả đơn giản và chân thực về cuộc sống của bản thân hắn, chứ không phải chỉ những gì hắn nghe được về cuộc sống của những người khác.
Người ta chỉ có thể là người quan sát sáng suốt và vô tư về cuộc sống con người khi đứng trên một cao điểm mà chúng ta có thể gọi là nghèo nàn tự nguyện.
Ngày nay chỉ có những giáo sư triết học, mà không có các triết gia. Nói ra điều ấy là đang khâm phục bởi vì sống là đáng khâm phục. Là một triết gia không phải chỉ là có những tư tưởng siêu việt uyên áo, thậm chí cũng không phải là lập ra một trường phái, mà là yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng, và tin tưởng. Đó là việc giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải về lý thuyết, mà về thực tiễn.
Tôi cũng vậy, cũng đan một loại rổ bằng nghệ thuật đan rất tinh tế, nhưng tôi chưa làm cho người ta thấy đáng mua chúng. Tuy nhiên, trong trường hợp của tôi, ít nhất tôi nghĩ tôi đã bõ công đan chúng, và thay vì nghiên cứu xem làm thế nào để người ta thấy đáng mua những chiếc rổ của tôi, tôi đã nghiên cứu xem làm thế nào để tránh cần phải bán chúng. Cuộc sống mà người ta ca ngợi và coi như thành công chỉ là một loại. Tại sao chúng ta lại quá đề cao một loại nào đó mà hạ thấp những loại khác?
2 năm 2 tháng 2 ngày
Thoreau và ngôi nhà của mình (nguồn Internet)
Sự thật không trình hiện ra như là sự thật mà luôn là ẩn dụ.
Sau khi xới đậu, hoặc đọc và viết, vào buổi chiều tôi thường tắm lần nữa trong đầm, bơi sang bờ bên kia kiếm một con dẽ giun, và rửa sạch bụi bặm khỏi cơ thể, hay làm dãn những nếp nhăn khi nghiên cứu, và cả buổi chiều tôi hoàn toàn tự do. Mỗi ngày hoặc hai ngày một lần tôi cuốc bộ vào làng…Tôi thường xuyên đến đó để quan sát những thói quen của họ. Với tôi làng giống như một phòng thông tin lớn.
Đôi khi, chán ngấy giao du với mọi người và những chuyện tầm phào, và mệt lử với những người bạn trong làng, tôi đi lang thang xa hơn về phía tây, vào phần ít tới của thành phố, “đến những cánh rừng xanh và những đồng cỏ mới”…đôi khi đi cùng một người bạn thiếu kiên nhẫn…trong những buổi tối ấm áp tôi thường ngồi trong thuyền thổi sáo và nhìn con cá rô…đôi khi tôi đi lang thang đến những bụi thông…hoặc nghe tiếng chuông nhà thờ, tiếng xe ngựa leng keng, tiếng bò rống, tiếng sơn ca,…hoặc đôi khi chỉ cần một ngụm khí trời ban sớm…
Nghệ thuật Sống Nghèo nàn tự nguyện
Phần đông người ta sống một cuộc sống tuyệt vọng trong thầm lặng. Cái được gọi là sự cam chịu là sự tuyệt vọng được xác nhận. Từ thành phố tuyệt vọng bạn đi về miền nông thôn tuyệt vọng…
Con người thường lao tâm khổ trí vì một sai lầm. Phần tốt hơn của con người đã sớm bị cày lấp dưới đất để làm phân bón. Bởi một thứ có vẻ ngoài như định mệnh, thường được gọi là tất yếu, như đã nói trong một cuốn sách cổ, họ bận rộn tích trữ những kho báu để mối mọt làm cho hư nát và kẻ cắp đột nhập vào lấy mất.
Con người mắc kẹt là kẻ định chui qua một cái lỗ hay đi qua một cái cổng nào đó nhưng đống đồ đạc của hắn không cho hắn lọt qua.
Trong thực tế, người lao khổ không có thời gian nhàn rỗi để ngày qua ngày chăm sóc cho tính toàn vẹn của tâm hồn mình, anh ta không thể cố giữ được những mối quan hệ người nhất với những con người; công lao của anh ta bị coi rẻ ở thị trường. Anh ta không có thời giờ là cái gì khác không phải cái máy.
Nhu cầu đời sống là bất cứ cái gì mà con người đạt được bằng nỗ lực của chính hắn, là cái ngay từ đầu, hay qua sử dụng lâu ngày, đã trở thành quan trọng với cuộc sống của con người đến nỗi rất ít người, nếu có, hoặc man rợ, hoặc nghèo túng, hoặc triết gia, từng dám sống không có nó. Nhu cầu đời sống của con người trong hoàn cảnh này là được phân phối thức ăn, chỗ ở, quần áo và chất đốt; vì nếu chưa đảm bảo chắc chắn những thứ này chúng ta chưa thể sẵn sàng theo đuổi những vấn đề thật sự của cuộc sống, một cách tự do và có triển vọng thành công.
Phần lớn những thứ xa xỉ, và nhiều thứ gọi là tiện nghi của đời sống, không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn là những trở ngại thực sự đối với sự phát triển của nhân loại.
Quần áo chẳng hạn, có lẽ lòng yêu chuộng cái mới, và xem xét ý kiến của mọi người thường xuyên dẫn dắt chúng ta nhiều hơn là cái tiện dụng thật sự.
Một người đàn ông cuối cùng đã tìm thấy công việc của đời mình sẽ không cần một bộ quần áo mới để mặc khi làm công việc đó, đối với ông ta quần áo cũ cũng được,bộ quần áo đã nằm trong bụi bặm trên gác xép một thời gian vô hạn….Nếu bạn phải làm một công việc gì quan trọng, hãy thực hiện nó trong bộ quần áo cũ của bạn. Tất cả những gì người ta muốn, không phải là cái mà người ta làm với nó, mà là cái mà người ta làm hay đúng hơn là cái mà người ta là.
Con người muốn có một ngôi nhà, một nơi ấm áp, thoải mái, trước hết là cái ấm áp về sinh lý, rồi mới đến cái ấm áp của tình thương yêu…nhưng phần lớn người ta dường như chưa bao giờ xem xét một ngôi nhà là thế nào, và trên thực tế mặc dù cả đời chịu nghèo túng không đáng, bởi vì họ nghĩ rằng họ phải có cái mà người hàng xóm của họ có…chính những kẻ ưa xa hoa và phung phí đã bày đặt ra những thời trang, mà bầy đàn cắm cúi đi theo.
Trong khi nền văn minh đã và đang cải tiến những ngôi nhà của chúng ta, nó không cải tiến được như vậy những con người sống trong ngôi nhà đó. Nó đã tạo ra những lâu đài, nhưng nó không dễ dàng tạo ra những nhà quý tộc và những bậc quân vương. Và nếu mục đích mà người văn minh theo đuổi không cao quý hơn của người dã man, nếu hắn sử dụng phần lớn hơn của đời hắn chỉ nhằm đạt những nhu cầu và tiện nghi thô thiển, thì sao có thể nói hắn có chỗ trú ngụ tốt hơn người dã man?
Kinh nghiệm trong hai năm cho tôi thấy, việc kiếm những thực phẩm thiết yếu ngay trong vùng này cũng ít phiền phức đến mức khó tin, rằng một người có thể ăn uống hằng ngày đơn giản như những con vật, mà lại giữ được khoẻ mạnh…Thế nhưng con người đã đi đến chỗ họ thường xuyên chết đói, không phải vì thiếu những thứ cần thiết, mà vì muốn những thứ xa xỉ; và tôi biết một người phụ nữ tốt, bà ta nghĩ con trai bà mất mạng vì nó chỉ uống nước (chứ không uống rượu?). Cái làm dơ bẩn một con người không phải những thức ăn vào mồm, nhưng chính cái cách thèm thuồng mà người ta ăn chúng…khi chúng không phải là thứ được ăn vào để nuôi sống thể xác chúng ta, hay khơi nguồn cảm hứng cho đời sống tinh thần của chúng ta, mà là thức ăn cho giun sán đục khoét chúng ta.
Chúng ta hãy bỏ ra một ngày thong thả như Thiên nhiên, và đừng để bị trật khỏi đường ray chỉ vì một chiếc vỏ hạt dẻ và cánh của con muỗi rơi xuống. Chúng ta hãy dậy sớm và nhanh, ăn sáng, dịu dàng và không lo lắng; chúng ta hãy để bạn bè đến và đi, hãy để chuông rung và trẻ em la hét, – nhất định làm ra một ngày theo cách đó.
Bản thân cuộc sống của tôi đã là thú vui và không bao giờ ngừng đổi mới. Nó là một vở kịch nhiều màn, và không có hồi kết. Nếu quả thật chúng ta được sống thật, và điều hoà cuộc sống của chúng ta theo cách mới nhất và tốt nhất mà chúng ta đã biết, thì chúng ta không bao giờ biết buồn chán.
Những ngày hè này một số người đương thời của tôi đắm chìm trong mĩ thuật ở Boston hay Rome, số khác thiền định ở Ấn Độ, và số khác nữa buôn bán ở London hay New York, còn tôi, với những nông dân khác ở New England, hiến mình cho nghề nông.
Nghệ thuật Tư duy
Làm sao cho tuổi trẻ học cách sống tốt hơn bằng cách thử trải nghiệm ngay cuộc sống? Tôi cho rằng điều này có thể luyện tập cho trí óc của họ ngang với môn toán. Nếu tôi muốn một thanh niên biết một điều gì đó về nghệ thuật hay khoa học chẳng hạn, tôi sẽ không theo một khoá trình thông thường, tức là chỉ gửi cậu ta đến chỗ một giáo sư nào đó, nơi người ta dạy và cho thực hành mọi thứ chỉ trừ nghệ thuật sống….hậu quả là, trong khi anh ta đang đọc Adam Smith, Ricardo, anh ta làm cho cha mình mắc nợ không thể trả nổi.
Khi chúng ta xem xét, theo lối nói của sách giáo lý, mục đích chủ yếu của con người là gì, và những nhu cầu và phương tiện thật sự của đời sống là gì, có vẻ như con người đã cố ý lựa chọn lối sống thông thường bởi vì họ thích nó hơn cái khác. Tuy nhiên trong thâm tâm họ nghĩ rằng chẳng có gì để mà chọn cả. Nhưng những bản chất lành mạnh và tỉnh táo nhớ rằng mặt trời đã mọc lên sáng tỏ. Rũ bỏ những thành kiến của chúng ta thì không bao giờ là quá muộn. Không có cách nghĩ hay cách làm nào, dù là cổ xưa đến đâu, có thể tin được nếu không có bằng cớ. Những gì mà mọi người lặp lại hay hôm nay im lặng chấp nhận là đúng ngày mai có thể hoá ra sai, có những ý kiến nhẹ như làn khói mà có người đã tưởng là cả đám mây có thể làm thành trận mưa tưới cho đồng ruộng của họ.
Những gì mà người già bảo bạn không thể làm, bạn hãy cố thử và thấy rằng bạn có thể. Việc cũ dành cho người cũ, việc mới dành cho người mới…Thật ra, người già không có lời khuyên nào thật quan trọng để nói với tuổi trẻ, kinh nghiệm riêng của họ thật phiến diện,…Đây là cuộc sống, một thử nghiệm phần lớn tôi chưa trải qua, mà việc họ trải qua chẳng giúp ích gì cho tôi.
Tôi không muốn bất kỳ ai áp dụng lối sống của tôi vì bất cứ lý do gì, vì trước khi anh ta học được kha khá có thể tôi đã tìm ra một lối khác cho bản thân tôi, tôi muốn rằng càng có nhiều người khác nhau trên thế giới này càng tốt, nhưng tôi thích mỗi người rất thận trọng tìm riêng và theo đuổi cách riêng của mình, chứ không phải theo cách của cha, của mẹ, của hàng xóm láng giềng.
Chúng ta phải học cách tỉnh lại và giữ cho chúng ta tỉnh thức, không phải nhờ những sự trợ giúp máy móc, mà bằng lòng mong chờ vô hạn rạng đông, nó không bỏ rơi chúng ta trong những giấc ngủ ngon lành nhất. Tôi không biết có gì khích lệ hơn cái khả năng chắc chắn của con người nâng cao cuộc sống của bản thân bằng một cố gắng có ý thức.
Mọi người có nhiệm vụ làm ra cuộc sống của chính mình, thậm chí trong từng chi tiết, sao cho xứng đáng với suy tư trầm lắng trong cái thời khắc cao quý nhất và quyết định nhất của mình.
Chúng ta nghĩ rằng cái gì hiện ra thế nào thì nó là thế ấy…và chúng ta có thể hiểu được tất cả những gì là kì vĩ và cao quý chỉ bằng cách không ngừng thấm nhuần và thấm đẫm thực tế xung quanh chúng ta.
Trong việc tích luỹ của cải cho bản thân và cho con cháu, trong việc tìm kiếm một gia đình hay một tổ quốc, hay thậm chí đạt được danh vọng, chúng ta là những con người có sống có chết, nhưng trong quan hệ với chân lý chúng ta là bất tử.
Đọc tốt, tức là đọc những quyển sách thật sự trong một tinh thần thật sự, là một môn luyện tập cao quý, và là môn sẽ giao cho người đọc nhiều nhiệm vụ hơn bất kỳ bài tập nào mà phong tục ngày nay coi trọng. Sách phải được đọc một cách cẩn trọng và dè dặt như chúng được viết ra. Đối với nhiều người việc đọc một cuốn sách đã mở ra một thời kì mới trong đời. Cuốn sách đó tồn tại cho chúng ta đôi khi sẽ giải thích những điều kì diệu của chúng ta và bộc lộ những điều mới. Những gì lúc này không thể thốt ra chúng ta sẽ thấy được thốt ra ở nơi nào đó. Cùng những vấn đề làm chúng ta bất an, khó hiểu và hoang mang cũng đã có lần xảy ra với những người khôn ngoan, tất cả không có ngoại lệ, và mỗi người đã trả lời chúng, theo khả năng của mình, bằng lời và bằng cuộc đời mình. Hơn nữa, với hiểu biết chúng ta sẽ học được cách nhìn rộng mở.
Khi một nhà buôn dốt nát và kiêu ngạo nhờ công việc kinh doanh thành công mà giành được nhàn rỗi và độc lập, và được chấp nhận vào giới giàu sang, chắc chắn cuối cùng ông ta sẽ quay sang những giới có tri thức và tài năng, cao hơn nhưng khó vào hơn, và nhận ra sự dở dang của văn hoá của ông ta, sự phù phiếm và thiếu hụt trong sự giàu có của ông ta, và hơn nữa chứng tỏ sự nhìn xa của ông bằng những nỗ lực cho con cái của ông cái nền tảng văn hoá trí thức mà ông thấy rõ sự cần thiết của nó, và như vậy ông trở thành người sáng lập gia đình.
Nhưng chừng nào chúng ta còn tự hạn chế trong việc đọc sách, dù là sách cổ điển và chọn lọc, nếu chỉ đọc trong những ngôn ngữ viết mà bản thân chúng là những phương ngữ quê mùa, chúng ta có nguy cơ quên mất thứ ngôn ngữ mà mọi sự vật và sự kiện nói-không-ẩn-dụ, chỉ riêng nó đã thừa phong phú và hiệu quả….Một khoá học lịch sử, triết học, hay thơ ca, dù được chọn lọc tốt đến mấy, không thể sánh với cái khả năng biết luôn luôn chăm chú nhìn mọi thứ mà cuộc sống bày ra trước mắt chúng ta. Bạn muốn sẽ là gì: sẽ chỉ đọc sách, tức là độc giả, hay chỉ là sinh viên, hay là một nhà tiên tri? Hãy đọc số phận của bạn, biết những gì đang ở trước mắt bạn, và bước vào tương lai.
Tình bạn – Tình yêu
Lòng từ thiện gần như là đức tính duy nhất được loài người nhận thức đầy đủ giá trị. Không, nó được đánh giá hết sức cao, và chính tính ích kỉ của chúng ta đánh giá cao nó…
Tôi không giảm bớt đi những lời ca ngợi xứng đáng với lòng từ thiện, mà chỉ đòi hỏi công bằng với tất cả những ai đã bằng cuộc sống và tác phẩm của mình là phúc lành đối với nhân loại. Tôi không quý trọng con người trước hết vì tính ngay thẳng và lòng nhân từ của người ấy, vốn chỉ là thân và là của cây. Những cây ấy khi héo tàn chúng ta dùng làm thuốc, chỉ có một tác dụng tầm thường, và hầu hết được các lang băm sử dụng. Điều tôi muốn ở con người là hoa và quả; mà hương thơm của hoa từ ông thoảng đến tôi, và sự chín muồi của quả làm tăng vị ngon ngọt của sự giao cảm giữa ông và tôi. Lòng nhân ái của ông không phải là phiến diện và tạm thời, mà luôn luôn tràn đầy thừa thãi, ông không mất gì với nó và không biết gì về nó. Lòng từ thiện thường che giấu vô số tội lội. Nhà từ thiện luôn bao vây loài người bằng kí ức về những nỗi đau vô dụng của ông ta như một bầu khí quyển, và gọi nó là sự cảm thông. Chúng ta nên truyền lòng dũng can đảm của chúng ta chứ không phải nỗi thất vọng của chúng ta, sức khoẻ và sự thoải mái của chúng ta chứ không phải bệnh tật của chúng ta, và chăm lo sao cho bệnh tật không lây lan…Đừng làm một tay giám sát người nghèo, hãy cố gắng trở thành một trong những người xứng đáng của thế giới.
Tôi chỉ biết tôi là một thực thể người, chứa đựng tư duy và tình cảm; và tôi cảm nhận được tôi có hai nhân cách nhờ đó tôi có thể đứng ngoài nhìn vào bản thân mình như nhìn người khác.
Tôi có ba chiếc ghế trong nhà: một cho nỗi cô đơn, hai chho tình bạn, ba cho giao du.
Nếu chúng ta chỉ lo nói cho thật nhiều và thật to, thì cứ việc đứng thật sát nhau, cằm người nọ chạm má người kia, có thể cảm thấy hơi thở của nhau; nhưng nếu nói một cách thâm trầm, thì chúng ta muốn xa nhau ra một chút, và mọi hơi nóng và hơi ẩm của cơ thể có cơ hội thoát ra ngoài. Nếu muốn có được sự giao tiếp thân mật nhất với cái phần ở bên ngoài và ở bên trên mỗi chúng ta, chúng ta không những cần phải im lặng, mà thông thường thân thể phải xa nhau đến mức chúng ta không thể nghe thấy tiếng nói của nhau trong bất cứ trường hợp nào.
Tôi đã rút lui thật sâu vào bên trong đại dương xanh của nỗi cô đơn, những dòng sông bè bạn chảy vào đó, phần lớn đối với những nhu cầu của tôi chỉ những hạt phù sa tinh tuý nhất mới lắng lại quanh tôi.
Có thể có những thiên tài trong các tầng lớp thấp nhất của cuộc sống, dù họ mãi mãi tầm thường và thất học, họ là những người luôn dựa vào ý kiến của chính mình, mà không giả vờ nhìn gì cả; họ sâu không đáy như người ta nghĩ về đầm Walden, dù trông họ tối tăm và mờ mịt.
Có điều lạ là bao nhiêu sinh vật sống hoang dã và tự do – mặc dù bí mật – trong rừng, và vẫn kiếm sống trong vùng lân cận với các thành thị, mà chẳng có ai ngoài các thợ săn phát hiện ra chúng.
Và lời nhắn nhủ cuối cùng
Tóm lại, cả từ niềm tin có sẵn và kinh nghiệm, tôi tin chắc rằng việc nuôi sống bản thân một con người trên mặt đất này không phải là sự lao khổ, mà là tiêu khiển, nếu chúng ta sống đơn giản và khôn ngoan. Một người không cần phải đổ mồ hôi trán ra để kiếm sống, trừ phi anh ta dễ đổ mồ hôi hơn tôi.
Nếu con người can đảm bước đi tới ước mơ của mình và cố gắng sống cuộc sống mà anh ta đã hình dung, thì anh ta sẽ gặp thành công bất ngờ trong những giờ phút bình thường…Nếu một người không theo kịp bước các bạn bè của mình, thì có lẽ anh ta nghe nhịp trống quân hành khác? Hãy để anh ta bước theo khúc nhạc mà anh ta nghe, dù nó chậm hay xa thế nào….Cuộc đời bạn dù hèn mọn đến đâu, hãy đón nó và sống nó; đừng lảng tránh nó và gọi nó bằng những cái tên khó nghe.
Nếu bạn học nói tất cả các thứ tiếng, và tuân theo phong tục của tất cả các dân tộc, nếu bạn đi du ngoạn xa hơn tất cả các nhà du ngoạn, được du nhập vào tất cả các vùng miền,.., thì hãy Thám hiểm, khám phá Bản thân mình.
1 Pingback