Các chuyên gia khảo cổ chỉ trong một tích tắc (2 giây) đã có thể cảm nhận một bức tượng cổ giá hàng triệu đô la là giả; chỉ cần nhìn cách một đôi vợ chồng nói chuyện ra sao (trong vài phút) là có thể đoán ra cặp đôi này sẽ ly hôn hay không trong vòng 2, 3 năm tới; chỉ cần nhìn lướt qua cách bố trí đồ đạc trong căn phòng ngủ là có thể đoán ra tính cách của chủ căn phòng này; chỉ để ý qua thái độ của bác sỹ với bệnh nhân là có thể đoán được bác sỹ này có bị kiện hay không; v.v. Đó là một vài ví dụ trong rất nhiều ví dụ mà tác giả Malclom Gladwell đưa ra để chứng minh một phương pháp làm việc mới của bộ não – phương pháp sử dụng tiềm thức thích nghi. Nhưng phương pháp này lại chưa thể kiểm chứng vì người sử dụng phương pháp này, thường là hiệu quả, lại không thể giải thích được tại sao họ lại có thể đưa ra nhận xét hay quyết định như vậy. Và nguy hiểm hơn, nhiều khi phương pháp này lại sai (hay có vẻ là thế).

Cuốn sách Trong chớp mắt (blink) được viết với mục đích hết sức rõ ràng:

  • Thuyết phục bạn rằng: những quyết định nhanh, xuất thần cũng hữu dụng như những quyết định thận trọng, được xem xét kĩ lưỡng.
  • Khi nào nên tin tưởng vào bản năng và khi nào thì thận trọng, cảnh giác với nó?
  • Nhiệm vụ quan trọng nhất của cuốn sách là thuyết phục bạn tin rằng bạn hoàn toàn có thể học và điều khiển các cách để đưa ra được một đánh giá tức thời cũng như cách cảm nhận sự việc ngay từ ấn tượng ban đầu.

Những quyết định trong chớp mắt

Bộ não chúng ta sử dụng hai phương pháp rất khác nhau để hiểu rõ tình huống:

  • Phương pháp sử dụng nhận thức: chúng ta nghĩ đến những gì mình đã biết, đã nắm rõ và cuối cùng chúng ta đưa được ra câu trả lời. Phương pháp này rất logic và rạch ròi. Tiến trình diễn ra chậm và đòi hỏi nhiều thông tin.
  • Phương pháp sử dụng tiềm thức thích nghi: tiềm thức thích nghi được coi là một loại máy tính khổng lồ có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu chúng ta cần một cách âm thầm và nhanh chóng để duy trì hoạt động của con người.

Vai trò của phương pháp thứ hai là rất lớn như nhận định của tác giả: “cách duy nhất để con người có thể tồn tại cho đến ngày nay là chúng ta đã hình thành và phát triển một cơ chế đưa ra quyết định để có những điều chỉnh rất nhanh dựa trên một lượng thông  tin rất nhỏ”. Nó có một vai trò rất lớn trong việc đưa ra quyết định nhưng con người lại không có ý thức về chúng (hay giải thích chúng).

Tuỳ theo tình huống cụ thể mà chúng ta sử dụng phương pháp suy nghĩ nhận thức (hay ý thức) hay phương pháp sử dụng tiềm thức. Cơ sở của phương pháp sử dụng tiềm thức là thuyết những lát cắt mỏng (thin slicing theory).

Thuyết những lát cắt mỏng (thin slicing theory): ám chỉ đến khả năng tìm thấy các khuôn mẫu trong tình huống và hành động dựa trên những lát cắt kinh nghiệm của tiềm thức con người (trái ngược với việc suy nghĩ kĩ càng, thấu đáo – hay những lát cắt dày). Nhờ tìm thấy được các khuôn mẫu chính yếu mà các chuyên gia chỉ cần liếc qua là có thể biết được một bức tượng giả, một cặp đôi có thể ly dị, tính cách của một người, khả năng bị kiện của một bác sỹ. Và chúng ta, nếu có khả năng này, có thể biết ngay một người có thể là chồng, vợ, người bạn thân đầy tin tưởng, một đối tác tin cậy v.v. trong tương lai.

Sai lầm trong chớp mắt

Thường chúng ta thích ngay những người cao to, đẹp trai hay gái, ăn nói có duyên; ác cảm với những người xăm mình, nhuộm tóc, nói năng thô lỗ. Những “yêu ghét” trong chớp mắt này đã được ông bà ta đúc kết trong câu:

Trông mặt mà bắt hình dong

Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

Kết quả các cuộc thí nghiệm cũng chỉ ra rằng khi không bị ràng buộc, những gì chúng ta nghĩ đến chỉ là ảo giác: quá nữa thời gian, chúng ta chỉ đơn thuần mổ xẻ mọi thứ trong vô thức và cách chúng ta suy nghĩ, hành động – cũng như mức độ hiệu quả mà chúng ta đạt được khi suy nghĩ và hành động dưới sự thôi thúc của tình thế – dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng bên ngoài hơn những gì chúng ta có thể nhận ra rất nhiều.

Malcolm Gladwell cho rằng có một thực tế liên quan đến vẻ bề ngoài của con người – như khổ người, hình dáng, màu da hay giới tính – có thể gây ra một chuỗi những liên tưởng có tác động mạnh mẽ, ngăn chặn quá trình suy nghĩ thông thường ngay khi xử lý thông tin. Những sai lầm kiểu này thường bắt nguồn từ những định kiến và các hành vi phân biệt đối xử.

Là ngẫu nhiên hay do tập luyện

Thật may mắn khi tác giả chỉ ra rằng, ấn tượng ban đầu của chúng ta là kết quả của những kinh nghiệm bản thân và các tác động của môi trường sống, điều này có nghĩa là chúng ta có thể thay đổi những ấn tượng đó – hay nói cách khác, chúng ta có thể thay đổi cách thức chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng – bằng việc thay đổi những điều đã trải qua trong đó có bao gồm những ấn tượng này.

Bài học thứ nhất là những quyết định thực sự thành công phải dựa trên sự cân bằng giữa những suy nghĩ có chủ tâm và những suy nghĩ theo bản năng. Bài học thứ hai giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn và chính xác liên quan đến sự đơn giản hoá các vấn đề, tức là, khi chia nhỏ vấn đề ra thành những lát cắt mỏng, khi nhận ra những mẩu thông tin nhỏ và đưa ra đánh giá tức thời, chúng ta cần phải thực hiện quá trình lược bỏ một cách có ý thức.

Bất cứ khi nào chúng ta thành thạo về một điều gì đó hoặc chúng ta quan tâm tới một điều gì đó, thì về cơ bản kinh nghiệm cũng như lòng say mê với điều đó sẽ thay đổi bản chất những ấn tượng đầu tiên của chúng ta.

Lời cuối

Khi đọc và suy nghĩ kĩ cuốn sách này, chúng ta đừng quá ngưỡng mộ những người có thể đưa ra những nhận xét hay quyết định chuẩn xác trong chớp mắt. Đôi khi chúng ta cho rằng họ có giác quan thứ 6 – mặc dù trong một số trường hợp có thể có. Đây là món quà của sự tập luyện và khả năng thành thạo, tinh thông trong một lĩnh vực nào đó – hay nói cách khác là khả năng “chiết xuất” một lượng lớn thông tin có ý nghĩa chính từ những lát cắt mỏng nhất của kinh nghiệm. Đối với một người mới bước vào nghề, chắc hẳn những sự việc như thế này trôi qua một cách không rõ ràng. Nhưng thực tế nó không hề lờ mờ một chút nào. Mỗi khoảnh khắc – một cái nháy mắt – thường được tạo bởi một loạt những phần chuyển động riêng biệt, và tất cả những phần này mang lại một cơ hội để chúng ta can thiệp, sửa đổi và hiệu chỉnh lại hành động của mình.