Những tên trùm phát xít, trước toà án quốc tế, đã trả lời rằng, việc giết hàng loạt người Do Thái không phải do chủ ý của bọn chúng mà là tuân theo lệnh cấp trên; trong cuốn tiểu thuyết Hoả Ngục của Dan Brown, lý do biện minh cho hành động khủng bố của những kẻ cuồng tín là tuân theo quy luật tự nhiên; và mỗi chúng ta đều thỉnh thoảng thốt lên rằng : Cuộc đời là thế hay số phận là thế!

Tất định luận

Tất định luận tuyên bố mỗi sự kiện đều có một nguyên nhân từ đó sự kiện đi theo một cách không tránh khỏi. Nguyên nhân của niềm tin này là gì? Theo Isaiah Berlin, có hai lý do:

  • Lý do thứ nhất là vì khoa học tự nhiên có lẽ là câu chuyện về thành tựu vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử loài người, và có vẻ như thật vô lý khi cho rằng con người duy nhất không phải là đối tượng của những định luật tự nhiên được các nhà khoa học khám phá ra. Vấn đề không phải là liệu con người có hoàn toàn thoát khỏi những định luật như thế hay không mà là, liệu tự do con người có bị vắt kiệt toàn bộ bởi những thứ đó hay không? Nếu không có được một cái xó, dù là nhỏ xíu, cho tự do con người thì tự do con người chỉ là ảo tưởng.
  • Lý do thứ hai để tin vào tất định luận, ấy là nó dịch chuyển trách nhiệm về rất nhiều chuyện do con người làm ra, cho những sức mạnh khách quan và do đó mà khiến cho họ cảm thấy mình không đáng bị chê trách về những gì họ làm.

Tự do

Vấn đề tự do được tác giả nghiên cứu trên hai khía cạnh nhằm trả lời cho hai câu hỏi then chốt: “Tôi bị kiểm soát xa đến đâu?” và “Ai kiểm soát tôi?”.

Chuyện này có nguồn gốc từ ý niệm ngây thơ cho rằng chỉ có một câu trả lời đúng cho mỗi câu hỏi: nếu tôi biết câu trả lời đúng mà anh không biết và anh không đồng ý với tôi, đó là vì anh ngu dốt; giả sử anh biết được chân lý, anh hẳn nhất định cũng tin vào những gì tôi tin; nếu anh tìm cách không tuân phục tôi thì điều này chỉ là vì anh sai trái bởi chân lý đã không bộc lộ ra với anh như đã bộc lộ ra với tôi.

John Stuart Mill: chàng hiệp sĩ của Tự do

John Stuart Mill – Nguồn Internet

J.S.Mill lớn lên dưới sự giáo dục nghiêm khắc từ người cha – người nhìn con người như những đối tượng tự nhiên và có thể được uốn nắn theo những phương pháp của khoa học tự nhiên. Mill và cả những anh chị em của mình được dạy dỗ theo một quy trình nghiêm ngặt; cậu biết tiếng Hy Lạp lúc 5 tuổi, biết đại số học và tiếng La tinh lúc 9 tuổi, chỉ học khoa học tự nhiên và văn chương cổ điển, tránh xa các thứ như tôn giáo, thơ ca; âm nhạc là thứ giải trí duy nhất. Quy trình giáo dục đã thành công khi tạo ra một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 19 (và cho đến ngày nay), tuy nhiên, cũng đã mang lại những hậu quả khủng khiếp như lời bộc bạch của chính Mill khi nói rằng những cảm xúc của ông bị thiếu thốn trong khi trí óc phát triển quá mãnh liệt, ông đã không thấy có mục đích nào trong tồn tại, mọi thứ trong thế giới của ông nay có vẻ khô khan và lạnh lẽo. Ông đã cố phân tích tình trạng của mình. Liệu có phải ông đã hoàn toàn mất hết cảm xúc – liệu có phải ông là một quái vật với phần lớn bản chất nhân tính bị teo đi chăng? Ông đã cảm thấy rằng mình không có động cơ nào để tiếp tục sống và ông đã muốn được chết.

Đang tuyệt vọng thì một ngày kia, những giọt nước mắt vì xúc động khi ông đọc một cuốn hồi kí đã thức tỉnh ông và điều này đã thuyết phục ông rằng ông có khả năng xúc cảm, và cùng với điều này đã bắt đầu quá trình phục hồi của ông. Ông vẫn kính trọng cha ông và những người thầy dạy mình nhưng ý niệm của ông về con người thì có sự đối lập căn bản. Bất chấp cái đầu hói trang nghiêm, bộ quần áo màu đen, vẻ mặt nghiêm trọng, lời lẽ cân nhắc, hoàn toàn thiếu hài hước, cuộc đời của Mill là một cuộc nổi loạn không ngừng chống lại những quan điểm và lý tưởng của cha ông, phần nhiều hơn là ngầm dưới mặt đất và không được thừa nhận.

Đối với Mill, con người khác con vật trước hết chẳng phải vì có lý trí cũng chẳng phải vì biết tạo ra công cụ và phương pháp, mà vì con người có khả năng lựa chọn, con người thể hiện mình nhiều nhất trong việc tự lựa chọn chứ không phải được lựa chọn cho [mục đích nào đó], là người cưỡi ngựa chứ không phải là con ngựa; là người tìm kiếm những cứu cánh chứ không đơn thuần là phương tiện, những cứu cánh mà anh ta theo đuổi, mỗi người theo cách riêng của mình: với hệ luận là càng nhiều cách thức đa dạng khác nhau thì cuộc sống của người ta càng trở nên phong phú hơn; tác động qua lại giữa các cá nhân càng rộng mở thì càng có nhiều hơn cơ hội cho điều mới mẻ và bất ngờ;…

Một triết gia là vĩ đại không phải ở những tư tưởng mà ông ta rao giảng, mà chính là lối sống, hành động của ông ta luôn hoà hợp với những lời rao giảng của ông ta. Mill chính là một triết gia vĩ đại. Những vấn đề mà Mill khao khát cống hiến đều liên quan đến sự mở rộng tự do cá nhân, đặc biệt là tự do ngôn luận.

Mill không giống với hầu hết các triết gia nổi tiếng khác đưa ra những quy luật và từ đó dự đoán tương lai, ông không có chút nào năng khiếu tiên tri. Tuy nhiên, ông lại nhận thức được một cách sâu sắc về những yếu tố phá huỷ đang hoạt động trong thế giới của chính ông. Ông căm ghét và e ngại sự chuẩn mực hoá.

Với Mill, điều quan trọng nhất là tự do cá nhân, tính đa dạng và sự công bằng. Tất cả được thể hiện qua tác phẩm Bàn về Tự do.

Bàn về tự do

Người ta muốn cắt giảm quyền tự do của những người khác, hoặc là (a) vì người ta muốn áp đặt quyền lực của mình lên những người khác; hoặc là (b) vì người ta muốn tuân theo tập tục; hoặc là (c) vì người ta tin rằng đối với câu hỏi con người phải sống như thế nào, thì chỉ có một lời đáp chân lý và chỉ một mà thôi. Mill bác bỏ hai động cơ đầu tiên (a và b) như là phi lý tính vì chúng không có khẳng định nào tranh cãi một cách trí tuệ, và do đó không có khả năng đáp lại bằng luận cứ duy lí. Chỉ có động cơ cuối cùng (c) là được ông xem xét nghiêm chỉnh, ấy là điều khẳng định rằng những cứu cánh mang tính chân lý của cuộc sống là có thể khám phá được và những ai đối lập lại những chân lý ấy là đang lan truyền lời dối trá độc hại, nên phải bị đàn áp. Ông đáp lại điều này rằng người ta không phải là bất khả sai lầm; rằng quan điểm bị cho là độc hại cuối cùng lại có thể hoá ra là chân lý. Anh có thể ngăn cấm “kẻ xấu” làm bại hoại xã hội với những quan điểm “sai lầm và có hại”, nhưng chỉ là khi anh trao cho người ta quyền tự do phủ nhận những gì anh tự gọi là xấu, hay có hại, hay đồi bại, hay sai lầm, như nó là thế; nếu không thì sự tin chắc của anh chỉ đơn thuần dựa trên giáo điều và không có tính duy lý, và không thể được phân tích hay biến đổi trong ánh sáng của những sự kiện và ý tưởng mới mẻ. Không có tính bất khả sai lầm thì làm sao mà chân lý có thể nổi lên được, nếu không có thảo luận?

Mill thật tinh tế nhưng, như Isaiah Berlin chỉ ra, những kết luận của ông chỉ đi theo những tiền đề mà ông chưa trình bày rành mạch. Ông là một người theo thường nghiệm luận; tức là ông tin rằng không có chân lý nào được – hay có thể được – thiết lập, ngoại trừ dựa trên bằng chứng quan sát. Thế nhưng trong các lĩnh vực như đạo đức, chính trị, tôn giáo, lịch sử, toàn bộ lĩnh vực sự nghiệp con người thì chỉ có xác suất ngự trị; ở đây trừ phi  quyền tự do đầy đủ được cho phép có ý kiến và luận cứ, thì chẳng có cái gì được thiết lập một cách duy lý cả. Có thể đúng là không có quyền tự do đầy đủ thì chân lý không thể nổi lên được nhưng đây chỉ là điều kiện cần, chưa phải là đủ, để khám phá chân lý.

Mill quan sát thấy rằng, các khoa học nhân văn là quá lộn xộn và bất xác định, nên không thể được gọi một cách đúng đắn là khoa học.

Toàn bộ quan điểm của Mill về bản chất con người hoá ra không dựa trên ý niệm về sự lặp đi lặp lại của một khuôn mẫu đồng nhất, mà dựa trên tri giác của ông về đời sống con người như một đối tượng mãi mãi bất toàn, tự biến cải và làm mới mình, lời nói của ông hiện nay vẫn đầy sống động và thích hợp cho các vấn đề của chính chúng ta…

Ở trung tâm tư duy và cảm xúc của Mill là niềm tin cho rằng con người được tạo nên như con người bởi khả năng lựa chọn của nó – lựa chọn ác và thiện như nhau. Ông ý thức một cách sâu sắc về tính đa diện của chân lý và tính bất khả quy giản của đời sống, vốn loại trừ chính khả năng của bất cứ lời giải đơn giản nào, hay ý tưởng về một câu trả lời chung cuộc cho bất cứ vấn đề cụ thể nào.

Về tổng thể ông là người bi quan, và hệ quả là ông đã vừa bảo vệ lại vừa nghi kị nền dân chủ, do vậy mà ông đã bị công kích thật thích đáng, và đến nay vẫn còn bị phê phán gay gắt.

Lời kết

Chúng ta, một khi đã sinh ra thì không bao giờ tự do theo nghĩa tuyệt đối. Chúng ta luôn lệ thuộc vào cơ thể và những quy luật sinh học, tâm lý; chúng ta cũng lệ thuộc vào các quy luật tự nhiên như luật hấp dẫn; chúng ta cũng lệ thuộc vào các luật lệ của gia đình, tổ chức, xã hội, v.v. Tuy nhiên Cuốn sách Tất định luận và Tự do lựa chọn với những vấn đề mà nó nêu ra như tự do cá nhân, tự do lựa chọn, tự do tranh luận, đa dạng quan điểm, v.v. vẫn luôn khiến chúng ta phải suy nghĩ và vận dụng sao cho cuộc sống của mỗi người thật ý nghĩa và trọn vẹn (nhất có thể).