Giới thiệu

Đa phần chúng ta ai cũng nghe, cũng học Marx Chủ nghĩa Marx. Các tác phẩm của Marx, về Marx vô cùng phong phú, đa dạng và cũng rất “khó nuốt” như Hệ tư tưởng Đức, Karl Marx toàn tập, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel, Sự khốn cùng của Triết học, Các bản thảo kinh tế và triết học, và nhất là bộ Tư bản đồ sộ. Trước vô vàn tư liệu, sách vở, nhiều quan điểm trái chiều, v.v…, việc hiểu Marx là rất khó khăn, và tôi đã bắt gặp cuốn Karl Marx của Peter Singer. Như Peter Singer nhận định trong Lời tựa: “có rất nhiều cuốn sách viết về Marx, nhưng một cuốn sách nhập môn ngắn gọn có chất lượng về tư tưởng của ông vẫn khó kiếm”. Và tác giả nói thêm về cuốn sách Karl Marx như sau: “trong cuốn sách này, tôi cố gắng trình bày nội dung sao cho những ai mới biết đôi chút hay chưa biết gì về các tác phẩm của Marx đều có thể hiểu được”. Quả thật, khi đọc xong cuốn sách, những gì Peter Singer tự tin nói về cuốn sách của mình là hoàn toàn chính đáng.

Ảnh hưởng của Karl Marx là vô cùng lớn, có thể sánh ngang với Jesus hay Muhammad. Mặc dù, những hậu bối của ông áp dụng những tư tưởng của ông đôi khi không hay ho gì lắm, nhưng không thể phủ nhận rằng, như Peter Singer nhận định, chúng ta, ở một khía cạnh nào đó, đều là nhà Marxist cả. Gạt bỏ đám sương mù thần thánh, thần tượng, chúng ta hãy nhìn Marx như một triết gia và có cái nhìn “khoa học” về những mặt hạn chế (do thời đại) cũng như những đóng góp vĩ đại của Karl Marx cho hậu thế.

Sơ lược tiểu sử

Karl Marx khi còn trẻ

Karl Marx sinh năm 1818, tại thành phố Trier, thuộc tỉnh Rhinel Vương quốc Phổ. Thời gian học Luật tại Đại học Bonn, Marx thường xuyên uống rượu say xỉn, đánh nhau và đấu súng (may mắn là chỉ bị thương nhẹ nếu không chúng ta sẽ mất đi một nhà tư tưởng vĩ đại), viết thơ tình cho người bạn gái Jenny von Westphalen – người anh yêu lúc còn nhỏ. Mệt mỏi với “tuổi trẻ dữ dội” của người con, cha Marx đã chuyển anh sang Đại học Berlin – với hy vọng Marx sẽ nghiêm túc hơn. Tại Berlin, Marx bắt đầu nghiên cứu triết học – dù điều này chẳng làm cha anh vui hơn. Sau cái chết của người cha, Marx làm luận án tiến sĩ, tham gia viết báo, và viết nhiều công trình triết học có tư tưởng cấp tiến, cách mạng. Chính vì tư tưởng cách mạng của mình, Marx và gia đình phải lang thang xin tị nạn ở Pháp rồi Bỉ và cuối cùng là Anh – nơi ông sống đến cuối đời. Trong những ngày tháng khó khăn, Marx luôn nhận được sự giúp đỡ vô tư, trong sáng từ những người bạn – đặc biệt là Friedrich Engels – cùng với tiền nhuận bút xuất bản sách hay viết báo, tài sản thừa kế, nên gia đình Marx sống tương đối sung túc. Marx mất năm 1883 sau khi chứng kiến cái chết của người vợ và những đứa con yêu dấu, lúc này tên tuổi Marx đã lan rộng trên toàn thế giới nhờ bộ Tư bản (quyển 1, các quyển 2, 3, 4 được xuất bản sau khi Marx mất).

Nơi sinh của Karl Marx. Hiện nay là bảo tàng tưởng niệm ông

Friedrich Engels

Tư tưởng

Nhà Hegel trẻ: khi còn trẻ, Marx chịu nhiều ảnh hưởng từ triết học Hegel. Trong cuốn sách quan trọng nhất của mình, Hiện tượng học tinh thần (sách đã được dịch và chú giải công phu sang tiếng Việt bởi nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn), Hegel  đã trình bày sự phát triển của Tinh thần từ chỗ nó là hiện tượng ban đầu với tính cách là các tinh thần cá biệt, có ý thức nhưng hoặc là không tự – ý thức hoặc là không tự do – bị tha hoá, đến chỗ nó là Tinh thần với tính cách là sự thống nhất tự do và hoàn toàn tự-ý thức – khắc phục tha hoá. Marx, cùng với những với những người khác trong nhóm gọi là “những nhà Hegel trẻ”, nghĩ rằng có thể thay Tinh thần của Hegel bằng sự tự ý thức của con người; không phải Tinh thần vượt qua sự tha hoá để vươn tới tự do, mà là sự tự ý thức của con người đang giải phóng mình ra khỏi những ảo tưởng gây cản trở nó trong hành trình đi đến sự tự nhận thức và sự tư do. Marx và các nhà Hegel trẻ cho rằng tôn giáo là nguyên nhân gây ra ảo tưởng, sự tha hoá và nhiệm vụ hàng đầu là cần phải giải phóng con người thoát khỏi cái ảo tưởng này (tức tôn giáo).

Georg Wilhelm Friedrich Hegel

Từ thượng đế đến đồng tiền: các nhà Hegel trẻ xem tôn giáo như là bản chất bị tha hoá của con người, và tìm cách chấm dứt tình trạng tha hoá này bằng những cuộc nghiên cứu có tính phê phán của họ về đạo Kitô. Còn Marx, nhấn mạnh không phải tôn giáo, cũng không phải triết học, mà chính là TIỀN. TIỀN mới là vật chướng ngại trên con đường đi đến tự do của loài người. Do đó, không phải phê phán tôn giáo hay triết học là chủ đạo mà chính là phê phán KINH TẾ HỌC.

Giai cấp vô sản: lý do Marx đề cao vai trò của giai cấp vô sản mang tính triết học hơn là sử học hay kinh tế học. Vì sự tha hoá của con người không phải là vấn đề của một giai cấp riêng biệt nào, mà là một vấn đề phổ quát cho nên giải pháp phải mang tính phổ quát và – theo Marx – giai cấp vô sản có tính phổ quát này do tình trạng bị tước đoạt toàn diện của nó. Nó không đại diện cho một giai cấp đặc thù nào, mà cho toàn thể nhân loại.

Chủ nghĩa Marx đầu tiên: lúc này Marx có hai thức nhận quan trọng: kinh tế là hình thức chủ đạo của sự tha hoá con người, và lực lượng vật chất cần có để giải phóng nhân loại ra khỏi sự ngự trị của tình trạng tha hoá do nền kinh tế gây ra phải được tìm thấy ở giai cấp công nhân. Ở giai đoạn này, các lý thuyết của nó (chủ nghĩa Marx đầu tiên) không xuất phát từ các dữ kiện thực tế, chỉ là triết học tư biện về lịch sử chứ không phải là một công trình nghiên cứu khoa học.

Sự tha hoá như là một lý thuyết về lịch sử: điều quan trọng của lý thuyết Marx về lịch sử là một cái nhìn về con người trong tình trạng tha hoá: sức sản xuất của con người, thay vì phục vụ con người, thì chúng lại xuất hiện trước con người như những lực lượng xa lạ và thù địch.

Mục tiêu của lịch sử: đối với Marx, đời sống sản xuất của con người, chứ không phải ý niệm hay ý thức của họ, là cái hiện thực tối hậu. Sự phát triển của lực lượng sản xuất này, và sự giải phóng các năng lực của con người mà sự phát triển này mang lại, là mục đích của lịch sử. Lịch sử là quá trình tiến lên của bản tính hiện thực của con người, tức là, con người thoả mãn nhu cầu của mình và kiểm soát giới tự nhiên thông qua hoạt động sản xuất của mình.

Kinh tế học: tác phẩm để đời của Marx là bộ Tư bản (ông chỉ thấy được ấn phẩm của quyển 1, quyển 2 và 3 do Friedrich Engels xuất bản, quyển 4 – các học thuyết về giá trị thặng dư – do nhà xã hội chủ nghĩa người Đức là Kautsky xuất bản). Trong cuốc sách này, ông trình bày các lý thuyết kinh tế học cho công chúng trong hình thức hoàn chỉnh nhất – “hoàn chỉnh nhất” chứ không phải “hoàn chỉnh”. Đối với Marx, tầm quan trọng của kinh tế học ở chỗ nó ý thức rõ rằng nó phải vạch ra được tình trạng tha hoá của lao động và đưa ra phương cách khắc phục tình trạng tha hoá ấy.

Tư bản

Chủ nghĩa cộng sản: trong tác phẩm “Các bản thảo kinh tế và triết học”, Marx mô tả chủ nghĩa cộng sản là “câu đố của lịch sử đã được giải quyết” và là sự giải quyết các mâu thuẫn khác nhau đã tồn tại trong toàn bộ lịch sử trước đó: như người với người, người với tự nhiên, tự do và tất yếu, v.v… Trong chủ nghĩa cộng sản, Marx khẳng định, tình trạng tách rời giữa lợi ích riêng và lợi ích chung của xã hội sẽ bị mất đi, nhà nước sẽ tự tiêu vong, và nguyên tắc phân công lao động trong chủ nghĩa cộng sản sẽ là: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.

 Di sản của Karl Marx

Với tính cách một triết gia, Marx có hai đóng góp quan trọng:

  • Thứ nhất, các tác phẩm của ông đã làm thay đổi cách chúng ta hiểu về bản tính của chính mình. Theo Marx, bản tính con người không phải là cái gì được cố định mãi mãi, mà nó thay đổi theo các điều kiện kinh tế và xã hội, và Marx hi vọng rằng, việc xoá bỏ nền sở hữu tư nhân và thiết lập nền sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và trao đổi sẽ mang lại một xã hội, trong đó con người sống có nhiệt tâm vì muốn điều tốt cho tất cả hơn là muốn điều tốt cho riêng mình. Bằng cách này, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng có thể được hài hoà với nhau. Nhưng điều ông không nghĩ đến là, bản tính con người không phải dễ uốn nắn như ông tưởng. Khi nhu cầu cơ bản được thoả mãn, những “nhu cầu” mới lại nảy sinh và, trong những xã hội khác nhau những ham muốn vị kỷ sẽ có những hình thức khác nhau.
  • Và thứ hai, Marx giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc về thế nào là TỰ DO. Xã hội là sự tác động luỹ tiến của vô vàn sự lựa chọn cá nhân, nên không một ai – kể cả những nhà tư bản – được phép lựa chọn. Quan điểm tự do chủ nghĩa cho rằng chúng ta tự do vì chúng ta không chịu sự can thiệp cố ý từ người khác, thì Marx lại nói rằng chúng ta không được tự do vì chúng ta không kiểm soát được xã hội của mình. Chúng ta chưa thực sự tự do chừng nào, chúng ta chưa cùng nhau kiểm soát những gì do chúng ta tạo ra, thay vì để cho chúng kiểm soát. Do đó, một nền kinh tế có kế hoạch là một điều hệ trọng. Trong một nền kinh tế không có kế hoạch, con người để cho thị trường chi phối đời sống của họ; việc kế hoạch hoá nền kinh tế là một sự tái khẳng định chủ quyền của con người và là một bước đi cơ bản hướng tới sự tự do thực sự của con người.