Học giả Bùi Văn Nam Sơn được biết đến với các bản dịch và chú giải công phu các danh tác triết học của Kant như Phê phán lý tính thuần tuý, Phê phán năng lực phán đoán, Phê phán lý tính thực hành; hay của Hegel như Hiện tượng tinh thần, Khoa học lôgic,… Trí tuệ uyên bác (có thể nói là tinh thông Đông Tây kim cổ), hài hước, khiêm tốn, Bùi Văn Nam Sơn đã âm thầm mang Triết học – một lĩnh vực mà nhiều người cho là “khủng khiếp” – đến với người đọc Việt Nam bằng những bản dịch công phu hay những bài viết ngắn gọn, triết lý trong tác phẩm Trò chuyện triết học hay dự án về tủ sách mang tên tác giả – đó là một cuộc trò chuyện trong đó tác giả đóng hai vai là MC và khách mời là một Triết gia. Chat với Hannah Arendt là một trong những quyển sách đó.
Tiểu sử
Hannah Arendt là nữ triết gia người Đức gốc Do Thái. Trong thời kỳ Holocaust bà xin tị nạn sang Pháp và khi Pháp bị chiếm đóng, bà tị nạn sang Hoa Kỳ và trở thành công dân nước này. Là một trong những triết gia ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, Hannah Arendt được biết đến với nhiều tác phẩm, bài viết về chính trị, chủ nghĩa toàn trị, quyền lực, v.v… Nổi tiếng nhất là tác phẩm Vita Activa (1958).
Hannah Arendt
Quan điểm – tư tưởng
Bà không thích người khác gọi mình là “triết gia chính trị” vì, với bà, bà chỉ xem chính trị dưới con mắt hồn nhiên, vô nhiễm của triết học.
Quê hương tinh thần của bà là nước Đức – vì bà chịu ảnh hưởng rất lớn của triết học và văn chương Đức– và quê hương chính trị thì không rõ ràng. Ban đầu Hannah rất có cảm tình với Cuộc cách mạnh Mỹ, nhưng rồi với những cuộc chiến tranh phi lý, những vụ scandal (như vụ Watergate), v.v…đã khiến hình ảnh chính trị nước Mỹ phai dần trong tâm trí bà.
Hai người thầy tư tưởng của bà là Martin Heidegger và Karl Jaspers, nhưng tư tưởng của bà chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ Heidegger.
Martin Heidegger
Karl Jaspers
Mặc dù chịu ảnh hưởng khá nhiều từ người thầy Martin Heidegger, nhưng tư tưởng Hannah Arendt vẫn có những nét khác cơ bản. Mặc dù, tư tưởng cả hai cùng xuất phát từ hiện hữu sống thật của từng con người chứ không phải một bản chất trừu tượng nào đó, nhưng ở Hannah Arendt, hiện hữu không quá nhấn mạnh đến việc “bị vứt bỏ giữa đời”, không dành ưu tiên cho sự sợ hãi, ưu tư và cái chết – như Heidegger – mà tích cực hơn, quan tâm nhiều về sinh nở và tính khởi đầu. Hannah Arendt muốn cân đối lại với triết học hiện sinh, bổ sung cho cái Tôi cô đơn bằng sự truyền thông, giao tiếp và tính đa dạng, hay bằng một triết học mới về hành động.
Tác phẩm Rahel Varnhagen
Được in năm 1958 bằng tiếng Anh và 1959 bằng tiếng Đức. Viết về người phụ nữ tên Rahel Varnhagen (một người có thật nhưng tác giả mượn hình ảnh để phản ánh tư tưởng của mình) muốn tự giải phóng, hoà nhập vào xã hội (xã hội lúc này trọng nam khinh nữ). Tư tưởng chính của tác phẩm thể hiện số phận một con người đang chao đảo giữa người cùng khổ và kẻ hãnh tiến. Người cùng khổ bởi vì họ bị gạt sang bên lề, bị thất thế, trốn chạy vào những ý tưởng. Kẻ hãnh tiến, phải chứng tỏ ta đây là kẻ xuất sắc để được công nhận. Hannah Arendt viết: “Người cùng khổ muốn vươn lên thành kẻ hãnh tiến, phải ra sức đạt được tất cả những gì mà mình đã bị loại trừ, trong cái phổ quát trống rỗng! Nhưng, kẻ hãnh tiến đồng thời cũng nhận ra rằng mình lẽ ra không nên ham hố như thế mà hãy an phận thủ thường. Tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi. Bi kịch thế đó!”.
Quan điểm về Do Thái
Người Do Thái phải xây dựng quân đội riêng để chiến đấu chống lại Hittle, thay vì chờ chết.
Nhà nước Do Thái khi thành lập , phải là một liên bang, trong đó người Do Thái và cộng đồng Ả rập sống chung, bình đẳng.
Học thuyết nhân quyền
Xuất phát từ sự đối lập giữa nhân quyền và dân quyền có từ năm 1789. Đối với người lưu vong, vô tổ quốc, bà viết: “Thật vô nghĩa khi đòi hỏi tự do cho ai không bị áp bức thì cũng thật vô nghĩa khi đòi sự bình đẳng trước pháp luật khi chẳng có luật pháp gì cho họ cả.” . Bà đòi hỏi: quyền được có quyền. Đó là quyền của con người được tham gia hay thuộc về một cộng đồng chính trị với tư cách thành viên. Bà bác bỏ việc đặt cơ sở cho nhân quyền bằng học thuyết về quyền tự nhiên vì theo bà, “con người sinh ra không bình đẳng, trái lại, chỉ trở nên bình đẳng với tư cách là thành viên của một nhóm nào đó nhờ vào quyết định chung dành cho nhau những quyền bình đẳng hỗ tương”.
Quan điểm về chế độ toàn trị
Chế độ toàn trị làm cho mọi người thực sự trở thành một người duy nhất, với hệ quả triệt để là mọi người đều trở thành đồng loã. Nó không được vận hành bằng một nguyên lý nhất định nào đó như trước đây, mà bản thân nó đã là sự vận động trong bản thân nó. Nó tước bỏ năng lực phán đoán và khả năng hành động chung. Thay cho tính đa dạng là sự tập thể hoá và đồng dạng hoá.
Các đặc điểm của chế độ toàn trị: sự khủng bố, ý hệ, sự ruồng bỏ và “cái ác tận căn”. Trong chế độ toàn trị, sự khủng bố vừa tuỳ tiện, vừa có hệ thống. Nó không còn ngoại lệ, mà là quy tắc. Ý hệ là công cụ dự báo về việc sinh tử, nó là cái tiền phong chuẩn bị trước cho cả nạn nhân lẫn đao phủ. Nó có ba đặc điểm là tính bất khả sai lầm, thuyết âm mưu và tính lôgic tuyệt đối, tính mạch lạc, nhất trí cực kì chặt chẽ. Kẻ bị ruồng bỏ là bị loại khỏi đời sống cộng đồng. Cái ác tận căn là cái ác mà con người không thể nào trừng phạt lẫn tha thứ, hay nó là cái gì không thể hiểu nổi, ví dụ trại tập trung của phát xít Đức.
Hình ảnh trại tập trung
Sự tầm thường của cái ác
Adolf Eichmann, một trong những tay trùm của SS, cánh tay phải của Hitler và Himmler, sau 15 năm lẩn trốn, bị mật vụ Do Thái bắt cóc ngày 11-5-1960 và đưa về Jerusalem xét xử.
Eichmann
Hannah Arendt được tạp chí The New Yorker cử sang theo dõi và tường thuật về phiên toà. Phiên toà và bản tường trình của Hannah Arendt, Eichmann ở Jerusalem (1963), đã gây chấn động thế giới. Trong bản tường trình này, một thuật ngữ mới xuất hiện, gây nhiều tranh luận, “Sự tầm thường của cái ác”.
Eichmann ở Jerusalem
Trong Eichmann ở Jerusalem, Hannah Arendt đã gán cụm từ “sự tầm thường của cái ác” cho Eichmann, bà viết: “ngoài sự lưu manh thông thường là sẵn sàng làm tất cả để được thăng quan tiến chức, hắn tuyệt nhiên chẳng có động cơ gì…chắc hẳn chỉ có sự ngu ngơ…là cái gì tiền định khiến hắn ta trở thành một trong những tội đồ kinh khủng nhất mọi thời đại. Và, nếu điều này là tầm thường (bannal) và thậm chí, khôi hài, khi ta dù muốn đến mấy cũng không thể rút ra từ đó cái bề sâu ma quỷ gì, thì, dù sao, cũng không vì thế mà là cái gì xảy ra hàng ngày”.
Tác phẩm Vita Activa
Là tác phẩm nói về con người, hoàn cảnh, điều kiện của sự sinh tồn, hiện hữu của con người.Thân phận con người được Hannah Arendt mở đầu trên ba phương diện là: tử, sinh và sự phong nhiêu đa dạng. Tử – cái chết mang đậm dấu ấn của việc vượt bỏ cái “thân phận hiện sinh” này. Từ trải nghiệm về cái chết, nảy sinh nỗ lực của ta là khao khát tạo nên cái bền vững, vĩnh hằng. Điều này thể hiện rõ trong văn hoá Phương Tây ở sự bất tử trong quan niệm của người Hy Lạp hay sự vĩnh cửu trong Ki-tô giáo và đến thời cận đại cái bền vững là những gì do con người tạo ra – thời đại của sản xuất, hàng hoá. Sinh là điều kì diệu, phi thường, và là sự bắt đầu mới mẻ. Và không có một bản chất nào của con người; là con người thì chỉ có thể tham dự vào sự đa dạng muôn màu của cuộc sống.
Ba hình thức hoạt động của con người, trong tác phẩm, là: lao động – sản xuất – hành động. Lao động là để kiếm sống – con người là con vật lao động, sản xuất tạo ra hàng hoá, sản phẩm – con người là nghệ nhân, kỹ sư, kiến trúc và chỉ có hành động, con người mới tìm thấy hoạt động đích thực mang tính người, là vita activa.
Quan điểm về quyền lực, tự do, tư duy
Tuyên ngôn độc lập (cách mạng Mỹ)
Quyền lực là cùng nhau, là mang tính truyền thông, giao tiếp, là lấy bản thân hành động là mục đích, là không ngừng sáng tạo. Ngược lại, bạo lực là chống lại nhau, là câm nín, là phương diện đơn thuần và có tính tiêu diệt, huỷ hoại. Cơ sở của quyền lực đến từ sự thoả thuận hợp tác ban đầu, và được tái xác nhận mỗi khi ta phối hợp qua lời nói và sự thuyết phục. Cơ sở này phải được giữ vững nhờ sự cam kết có lý trí từ tiến trình truyền thông và giao tiếp tự do và không bị xuyên tạc.
Hành động là tự khởi, sáng tạo; ứng xử là tuân phục, theo lối mòn, sao cho vừa lòng người. Công nghệ, xã hội hiện đại ngày nay muốn bóp chết mọi tính tự khởi, chỉ còn lại tính đơn điệu của sự tất yếu. Không còn tính đa dạng, chỉ có sự nhân bản đồng loạt từ một nguyên mẫu nào đó.
Theo Arendt, tự do chính trị cho mỗi công dân là “sự yên ổn tâm hồn, khởi đi từ lòng tin của ta về sự an toàn của chính mình. Để hưởng được tự do, thì chính quyền phải được dựng lên sao cho không công dân nào cần phải sợ người công dân khác”.
Trường hợp Eichmann, Arendt viết:”chính việc tư duy đi vắng này đánh thức sự quan tâm của tôi. Việc anh ta làm ác phải chăng không do những động cơ thấp hèn mà còn chẳng có động cơ nào hết? Vấn đề thiện ác có quan hệ với năng lực tư duy không?”. Quan điểm của Arendt là, tư duy và năng lực phán đoán có mối quan hệ chặt chẽ. Tư duy giải phóng năng lực phán đoán khỏi những phạm trù đã xơ cứng của mình và khi tư duy, sẽ tạo nên lương tâm như một sản phẩm đi kèm. Tư duy phải kèm theo hành động và hành động là không quay lưng lại với việc người và việc đời – nên đòi hỏi người hành động phải biết tha thứ và cam kết.
Cần phải mài sắc năng lực tư duy và phán đoán vì: “khi tư duy thì lương tâm là người bạn đồng hành với nó. Và đến lượt nó, lương tâm lại người bạn đồng hành là năng lực phán đoán…Nếu lương tâm là biểu hiện cho sự thẩm tra bên trong, nhờ đó ta đánh giá hành động của mình, thì phán đoán là biểu hiện bên ngoài của năng lực tư duy phê phán của chính ta…”.
Ý kiến bài viết