Trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, đồng tiền đóng một vai trò to lớn. Chúng ta làm việc “như điên” cũng chỉ vì để kiếm thật nhiều tiền, để được tự do tài chính. Mọi sự quan tâm, trách nhiệm, thậm chí cả tình yêu sẽ là mong manh hay thậm chí chẳng là gì nếu không được hiện thực hoá bằng vật chất hay tiền. Có thể nói, xã hội hiện nay (hay một phần) xem tiền như là “thước đo của vạn vật”.

Với tiêu đề cuốn sách, TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC GÌ?, tác giả Michael Sandel đã nêu ra một loạt các vấn đề bất cập  trong xã hội như xếp hàng mua vé, tặng quà hay tặng tiền cho bạn bè, người yêu, mang thai hộ, mua bán thận, mua quyền nhập cư, quyền phát thải khí carbon, cho con nhập học các trường danh tiếng, bảo hiểm,… và giải thích theo những góc nhìn khác nhau và tuy chưa có câu trả lời nào xác đáng hay phổ quát cho câu hỏi “tiền không mua được gì?” nhưng, như Giáo sư Ngô Bảo Châu viết trong Lời giới thiệu của cuốn sách, ít ra ta cũng nhận thức được rằng đặt ra câu hỏi này là vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta không đặt câu hỏi, không tranh cãi để đi đến xác định một ranh giới mà toàn bộ cộng đồng,  xã hội chấp nhận, thì rất có thể thị trường sẽ quyết định hộ chúng ta.“.

Tác giả mở đầu cuốn sách với câu hỏi: “Tại sao phải băn khoăn chuyện chúng ta đang trở thành một xã hội mà trong đó mọi thứ đều mua bán được?” Câu trả lời ngay sau đó:”Vì hai lý do. Thứ nhất là tham nhũng, và thứ hai là bất công.”  và  “khi quyết định những hành vi, sự vật nào được phép mua bán, chúng ta đang ngầm cho rằng chúng phù hợp với vai trò hàng hoá – tức là công cụ sinh lợi và đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhưng không phải hàng hoá nào cũng phù hợp với cách đánh giá này…..Có những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ bị xói mòn, bị hư hỏng nếu chúng bị coi là hàng hoá”.

Chúng ta khá quen thuộc với cụm từ “kinh tế thị trường”, nhưng cụm từ “xã hội thị trường” thì ít nghe hơn. Cuốn sách giải thích sự khác nhau của hai cụm từ này như sau:”nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người…”.

Tham nhũng là một cụm từ chúng ta nghe thường xuyên nhưng đôi khi hiểu vẫn chưa tường tận, cuốn sách định nghĩa tham nhũng tương đối bao trùm như sau: “chúng ta thường liên tưởng tham nhũng với những khoản thu lợi bất chính. Nhưng tham nhũng không chỉ là hối lộ hay nhận tiền trái phép. Tham nhũng với một hàng hoá, một hành vi tốt đẹp với xã hội còn có nghĩa là làm xói mòn nó, đối xử với nó theo cách định giá nó quá thấp thay vì đánh giá nó một cách thích đáng.”  và hệ quả từ định nghĩa này là: ” ẩn sau việc coi cái gì là tham nhũng chính là nhận thức về những mục tiêu, những kết quả mà một tổ chức cần theo đuổi.”.

Nguyên nhân của việc xem mọi thứ đều có thể được định giá bằng tiền xuất phát từ hai nguyên lý thị trường nổi tiếng:

  • Nguyên lý thứ nhất là thương mại hoá không làm thay đổi tính chất của sản phẩm hay tiền không làm xói mòn mọi thứ, và mối quan hệ thị trường không bao giờ lấn át các chuẩn mực thị trường.
  • Nguyên lý thứ hai khẳng định hành vi đạo đức như lòng vị tha, hào phóng, tình yêu, tình bạn, tinh thần trách nhiệm,v.v. là một hàng hoá cần được thương mại hoá. Niềm tin của nguyên lý này cho rằng, các phẩm chất đạo đức là những nguồn lực khan hiếm, sẽ bị cạn kiệt dần trong quá trình sử dụng, do đó cần được bảo tồn, và tiền là công cụ bảo tồn hiệu quả nhất.

Trong cuốn sách đã dẫn ra nhiều thí nghiệm chứng tỏ nguyên lý thứ nhất không hẳn đúng, và nó chỉ là quan điểm chủ quan của những người coi trọng thị trường và luôn muốn định giá mọi thứ. Nguyên lí thứ hai thì càng không đáng tin. Những phẩm chất đạo đức sẽ, giống như cơ bắp, được hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn nếu thường xuyên được sử dụng. Như Aristotle từng nói: “đạo đức là cái mà chúng ta phải  nuôi dưỡng bằng cách thực hành nó”.

Một quan điểm khác mà tôi rất tâm đắc trong cuốn sách – hiển nhiên là chưa từng nghe trước đó – là vấn đề BẢO HIỂM TÍNH MẠNG: “bảo hiểm tính mạng luôn bao hàm hai thứ trong một: vừa là công cụ gộp rủi ro lại để đảm bảo an toàn cho mọi người, vừa là công cụ cá cược tàn nhẫn vào cái chết. Hai khía cạnh này tồn tại cùng nhau nhưng không dễ dàng. Nếu không có các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp lý thì khía cạnh cá cược sẽ luôn đe doạ lấn át mục tiêu xã hội ban đầu của bảo hiểm tính mạng.”.