Chúng ta cho rằng vật thể là một sự vật và không gian là một sự vật khác, hoặc chẳng là gì hết. Sai lầm ngay từ đầu là xem vật thể và không gian như hai vật khác biệt, thay vì như hai mặt của cùng một sự vật.
Sai lầm khác là chúng ta tin rằng mọi sự vật, mọi hiện tượng phải có nguyên nhân – là sự vật hay hiện tượng nào đó khác, và rằng đến lượt mình thì sự vật, hiện tượng khác đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hệ quả khác.
Sự thật là khi nhìn thế giới theo từng mảnh, ta khiến mình tin rằng thế giới bao gồm vô số sự vật tồn tại riêng rẽ; và vì thế ta tự đặt ra câu hỏi là những sự vật này liên hệ với nhau ra sao, là thế nào chúng trở thành nguyên nhân và hệ quả của nhau. Câu hỏi sẽ chẳng bao giờ nảy sinh nếu ta nhận thức được rằng chính thế giới quan của ta đã chia thế giới thành những mảnh, sự vật, hiện tượng, nguyên nhân, hệ quả riêng biệt.
Ta lưu ý đến sự việc thông qua cơ chế kép, trong đó yếu tố đầu tiên là chọn lựa điều gì thú vị hay quan trọng. Yếu tố thứ hai, hoạt động đồng thời với yếu tố thứ nhất, là ta cần một bảng kí hiệu cho hầu hết mọi thứ ta có thể nhận thức.
Yếu tố nào chi phối điều ta chọn để lưu ý? Đầu tiên là bất cứ điều gì có lợi hay bất lợi cho sự sống còn, địa vị xã hội và an toàn bản ngã của ta. Điều thứ hai, hoạt động đồng thời với điều thứ nhất, là mô thức và logic của mọi biểu tượng kí hiệu ta đã học được từ người khác, từ xã hội và nền văn hoá của chúng ta.
Có hai nhân tố bị bỏ qua nhưng thực chất dễ dàng tiếp cận tới tri giác của ta, và việc ta bỏ qua chúng chính là điểm tựa cho cái ngã ảo tưởng và cho việc ta không thấu được rằng mỗi cá nhân đều là ngã cải trang. Đầu tiên là ta không nhận thức được các mặt đối lập, và nhân tố thứ hai là chúng ta quá chuyên chú vào nhận thức chủ quan, quá tin rằng loại tri thức hạn hẹp này không chỉ là thế giới quan đích thực mà còn là cảm thức rất căn bản rằng cá nhân là một sinh vật có ý thức. Thể thức chính của trận giao tranh này là Sống – chọi – Chết, còn gọi là đấu tranh sinh tồn, được xem là nhiệm vụ nghiêm túc và đích thực của mọi sinh thể. Ngộ nhận này được duy trì vì ta tạm thời chiến thắng (ta vẫn tiếp tục sống cho đến khi không còn sống nữa), và vì sinh tồn đòi hỏi sự nỗ lực và khéo léo…
Con người, nhất là trong nền văn minh phương Tây, đã biến cái chết thành tên ba bị độc ác. Điều này liên quan đến niềm tin phổ biến của Cơ Đốc giáo rằng theo sau cái chết sẽ là Phán Xét Cuối Cùng, hoặc một niềm tin phổ biến rằng cái chết sẽ đưa ta vào cõi hư vô vĩnh hằng. Không thể hình dung được sự trống rỗng tuyệt đối, nên ta phải lấp đầy khoảng trống này bằng những tưởng tượng của mình.
Chết yểu có thể là hậu quả của bệnh tật, nhưng – cũng như sinh sản – bản thân cái chết không phải là bệnh. Đó là kết cuộc tự nhiên và tất yếu của kiếp người – cũng tự nhiên như lá rụng vào mùa thu. Cái chết nói cho cùng, là một sự kiện trọng đại. Ý thức thường trực về cái chết sẽ cho thấy thế giới biến chuyển lững lờ và mờ ảo như những vệt khói lam nhàn nhạt trong không trung – rằng thực ra không có gì để bám níu và cũng không ai cần bám níu. Điều này chỉ gây sầu muộn chừng nào người ta vẫn còn nuôi hy vọng rằng ắt phải có cách nào đó đối trị với cái chết, hay trì hoãn cái chết dù chỉ một lần, hoặc hy vọng rằng, có một kiểu linh hồn bản ngã nào đó vẫn tồn tại sau khi xác thân đã rửa nát.
Việc ra đời và phát triển chóng mặt của kĩ thuật, công nghệ hiện đại đã dẫn tới chỗ cá nhân không còn có thể che giấu bất cứ điều gì trước những người khác, kể cả ý nghĩ. Cuối cùng chẳng ai còn trí não riêng: chỉ có một trí óc cộng đồng khổng lồ và siêu phức tạp của xã hội.
Thay đổi – theo một nghĩa nào đó cũng là ảo tưởng, vì ta luôn đứng tại điểm mà tương lai nào cũng có thể từ đó xảy ra. Vấn đề là, tiến bộ kĩ thuật liệu có thực sự dẫn đến đâu đó theo nghĩa gia tăng niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời? Mỗi người hẳn đều có cảm giác vui sướng hay khuây khoả ngay khi có thay đổi – trong vài lần đầu tiên sử dụng điện thoại, radio, tivi,… Nhưng rồi những phát minh mới này nhanh chóng được xem là đương nhiên, và tiếp theo ta phải chịu đựng những tình thế khó chịu phát sinh kèm theo chúng.
Ta có thể chinh phục thiên nhiên nếu trước tiên, hay đồng thời, ta chế ngự được bản tính của chính ta, dù ta không thấy được rằng bản tính con người và thiên nhiên bên ngoài cùng thuộc về một chỉnh thể.
Càng cực đoan hướng về chính nghĩa, thiện tâm càng để lộ cái bóng bất khả phân ly của mình, càng chối bỏ cái bóng, nó càng trở thành chính cái bóng đó.
Mọi cái bên trong ta cũng là bên ngoài, trong thế giới vật chất này. Nhưng ngược lại, thế giới bên ngoài sẽ không có màu sắc, hình dạng, trọng lượng, nhiệt độ hay chuyển động nếu không có bộ não bên trong.
Ta tin rằng, bên kia bức tường thịt da là một thế giới xa lạ chỉ có chút ít liê hệ với bản thân ta, đến nỗi ta phải hao tổn năng lượng hòng thu hút sự chú ý của nó, hay để biến đổi hành vi của nó. Thế giới này tồn tại trước khi ta sinh ra, và sẽ tiếp tục sau khi ta chết đi. Ta sống tạm bợ trong thế giới này như những mảnh nhỏ nhoi, xa cách và đơn lẻ. Ngộ nhận này bắt nguồn từ suy nghĩ – trong hình ảnh, khuôn mẫu, thần thoại, và các hệ ngôn ngữ ta đã dùng hàng ngàn năm để giải mã thế giới. Nếu như có cơ sở sinh học nào cho trò bịp ấy, nó chỉ có thể nằm ở khả năng thu hẹp sự chú tâm vào từng mảnh riêng biệt và khả năng nhận thức của bộ não, để có thể biết về cái biết và suy nghĩ về suy nghĩ nhờ sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ. Các sự vật nhấp nhô, hay chúng chỉ là các phần nhấp nhô khác nhau trong tổng thể thế giới? Điều đó tuỳ cách ta hình dung về sự vật ra sao.
Nói thế giới được cấu thành từ vật chất chẳng khác gì bảo cây được làm từ gỗ. Thế giới không phải là cấu trúc, cũng chẳng phải vật chất, bởi vì đây là hai khái niệm thô vụng được sử dụng để chỉ về cùng một tiến trình, được nhận thức mơ hồ là thế giới hay sự tồn tại.
Định nghĩa một sự vật, hiện tượng phải bao gồm cả định nghĩa về môi trường của nó thì chúng ta sẽ nhận ra rằng, bất kì sự vật cụ thề nào cũng đều đi liền với một môi trường cụ thể mật thiết và không thể tách rời…
Nhầm tên gọi với bản chất, cuối cùng ta sẽ tin rằng có một tên gọi riêng biệt biến ta thành một tồn tại riêng biệt. Điều này – gần như theo nghĩa đen – là u mê.
Sự sống và tình yêu sinh làm nảy sinh nỗ lực, nhưng nỗ lực sẽ không sinh ra những điều ấy.
Chẳng có gì thất bại bằng thành công – vì nhiệm vụ tự đặt ra của xã hội và mọi thành viên của nó là một sự mâu thuẫn: ép buộc phải xảy ra những chuyện vốn chỉ chấp nhận được khi chúng xảy ra mà không bị ép buộc.
Chỉ có con người mới cố loại bỏ địch thủ tự nhiên của mình trong niềm tin đinh ninh y là, loài tối thượng.
Điều quan trọng nhưng hiếm khi được nhắc lại, là sự phân biệt không phải là sự tách rời.
Chúng ta nuôi dưỡng một kiểu nhân loại không có khả năng sống trong hiện tại – nghĩa là, sống thực sự. Nếu người ta không thể sống trọn vẹn trong hiện tại thì tương lai là một trò lừa bịp.
Ý kiến bài viết