Vừa xem xong bộ phim The Mummy. Việc xem bộ phim này xuất phát từ các lý do:

  • Tôi là fan hâm mộ của loạt phim Xác Ướp (1,2,3)
  • Tôi là fan hâm mộ của Tom Cruise, người nổi tiếng trong loạt phim Nhiệm vụ bất khả thi
  • Tôi muốn giải trí

Giới thiệu, bình luận, khen – chê bộ phim có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet nhưng có một số thông điệp mà tôi cảm nhận được:

  • Xác ướp chính là hình ảnh ẩn dụ của quá khứ được chôn vùi hàng ngàn năm. Không ai có thể thoát khỏi quá khứ dù được “che đậy” hay “chôn vùi” một cách tinh vi thế nào thì một ngày nào đó cái quá khứ này sẽ “đội mồ sống dậy” và trở về “thăm viếng” chúng ta. Quy luật nhân quả, luân hồi là vậy chăng? Và liệu rằng cụm từ “hạ cánh an toàn” có còn ý nghĩa?
  • Trong cuộc chiến chống lại cái ÁC hay cuộc chiến để sinh tồn trong một thế giới khắc nghiệt, những cá thể nào sẽ tồn tại? Lời đối thoại cuối phim bộc lộ rõ: chúng ta cần quái vật để chống lại quái vật. CÁ THỂ LÝ TƯỞNG hay CON NGƯỜI LÝ TƯỞNG không phải là THIÊN THẦN thuần tuý (cái THIỆN) cũng không phải là ÁC QUỶ thuần tuý (cái ÁC) mà là một CÁ THỂ hoà trộn giữa THIÊN THẦN VÀ ÁC QUỶ. Cái sự chẻ đôi sự vật, hiện tượng thành các mặt đối lập chỉ là một trò chơi của trí óc; thực tế THIỆN hay ÁC là tương đối tại từng bối cảnh hay thời điểm.
  • Xác ướp lần này là một phụ nữ – một vẻ đẹp Ai Cập huyền bí, cái vẻ đẹp đã làm cho biết bao bậc anh hùng xuất chúng như Julius Caesar, Marc Antony, v.v. phải cuối đầu tuân phục. Cái đẹp lộng lẫy nào cũng thường mang gai nhọn – một hình thức tự vệ của TIẾN HOÁ vì cái đẹp thường là tâm điểm của sự chú ý. Do đó, người biết thưởng thức cái đẹp cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng chảy máu vì gai nhọn.