Khi lang thang trên Internet, tôi tình cờ bắt gặp một blog có tên miền rất lạ xkcd.com và càng lạ lẫm hơn khi nội dung trong blog đề cập những vấn đề hóc búa như thuật toán máy tính, ngôn ngữ, toán học, hay nghệ thuật, v.v… theo một cách hết sức đáng yêu –bằng những hình vẽ nhân vật như kiểu phim hoạt hình. Đại loại nó như thế này:

Hình ảnh từ xkcd.com

Tác giả của blog là Randall Munroe, một người tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý và có lẽ cũng yêu máy tính, toán học, ngôn ngữ, khoa học, và có lẽ cũng lãng mạn và cả hài hước nữa vì khi chúng ta truy cập vào blog sẽ thấy dòng tiêu đề A webcomic of romance, sarcasm , math, and language. XKCD là một cách diễn giải hay một cách nhìn về những vấn đề “khó nhằn” theo một cách rất đơn giản và hài hước (như cái cách các phim hoạt hình thường mang lại) và nó nổi tiếng đến mức đã gây được sự chú ý của các nhân vật kiệt xuất như Bill Gates (trong blog gatesnotes.com cũng đề cập đến hai cuốn sách của Randall Munroe), Steve Jobs, và Randall Munroe đã được Google mời tới nói  chuyện trước nhân viên, sinh viên làm việc và học tập tại Google. Buổi nói chuyện tại Google được dẫn dắt bởi Peter Norvig, một trong những cha đẻ của trí tuệ nhân tạo,  được mở đầu hết sức hài hước. Peter đã so sánh những bức tranh trên XKCD còn thua cả một bức tranh được vẽ bởi một cô bé 8 tuổi, và tất nhiên chỉ là một câu chuyện đùa. Cách nói chuyện của Randall Munroe cũng đúng chất XKCD – rất hài hước. Randall đã kể rất nhiều câu chuyện (và nhiều ẩn dụ tôi không hiểu được) nhưng có một câu chuyện tôi rất ấn tượng. Đó là câu chuyện khi Radall còn đi học Vật lý đã gặp một bài toán nan giải (liên quan đến điện trở) và đã làm Randall bế tắc dù đã rất cố gắng giải quyết, ngay cả có sự giúp đỡ của giáo sư, và giải pháp chỉ xuất hiện một cách hết sức tình cờ, đột ngột khi Radall (đang tiểu tiện) trong nhà vệ sinh (làm tôi nhớ đến cái khoảnh khắc trong bồn tắm của Archimedes). Câu chuyện đã mang đến tràng cười sảng khoái cho những người tham dự.

Những nội dung trên blog XKCD.COM không dễ hiểu cho nhiều người, nhưng tôi rất ngưỡng mộ vì vẻ đẹp của ý tưởng, của cách thể hiện. XKCD là gì? Ngay trên blog đã đề cập: It’s not actually an acronym. It’s just a word with no phonetic pronunciation — a treasured and carefully-guarded point in the space of four-character strings. Chúng ta có thể dịch câu này theo nhiều cách, sát nghĩa hoặc thoáng ý, nhưng dịch đúng chất XKCD thì không dễ, đại loại dịch vui vui: nó không là một từ bình thường, cũng không phải là những kí tự đại diện, nó là một điểm đặc biệt trong không gian của những chuỗi 4 kí tự.

Albert Einstein từng nói: nếu không giải thích được một cách đơn giản,thì chỉ vì mình chưa hiểu đủ rõ, và tôi muốn bổ sung thêm rằng,  khi bạn hiểu rõ một vấn đề thì không những bạn sẽ trình bày nó một cách đơn giản mà còn hài hước. SỰ ĐƠN GIẢN VÀ HÀI HƯỚC LUÔN SONG HÀNH CÙNG MỘT TRÍ TUỆ UYÊN BÁC.