Giáo sư Barbara Oakley– qua hơn 10 năm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học nhận thức và thần kinh – trong bài thuyết trình Learing how to learn tại Google, đã trình bày một tóm tắt rất hay giúp chúng ta có thể hiểu sâu hơn về cách bộ não chúng ta hoạt động và từ đó có những cách học và làm việc hiệu quả.
Bộ não hoạt động theo hai chế độ (mode) là chế độ tập trung (focused mode) và chế độ phân tán (diffuse mode). Một cách ẩn dụ, hai chế độ hoạt động có thể trực quan như hình dưới:
Chế độ tập trung (focused mode): bộ não tập trung vào vấn đề trong một thời gian liên tục. Ở chế độ này, bộ não có xu hướng kết nối các tri thức, kinh nghiệm đã biết để đưa ra các giải pháp cho vấn đề.
Chế độ phân tán (diffuse mode): là lúc bộ não ở trạng thái thư giãn, tiềm thức được kích hoạt. Ở chế độ này (thường lúc ta thư giãn như ngủ, đi dạo, …), bộ não có xu hướng tạo ra các kết nối mới mẻ và tạo ra những giải pháp hay ý tưởng mới lạ, sáng tạo, hay đột phá.
Hai chế độ này thường hoạt động xen kẽ nhưng không đồng thời. Việc chuyển từ chế độ tập trung sang chế độ phân tán và ngược lại là rất quan trọng trong học tập, làm việc, sáng tạo.
Học gì từ cách hoạt động của bộ não?
Trong quá trình học hay giải quyết vấn đề khó khăn, chúng ta phải biết cách kết hợp hai chế độ; khi chế độ tập trung gặp bế tắc, chúng ta sẽ thư giãn để bộ não chuyển sang chế độ phân tán, và trong quá trình thư giãn nếu xuất hiện một ý tưởng mới thì chúng ta sẽ chuyển sang chế độ tập trung. Cách thức này, được biết dưới tên gọi kĩ thuật Pomodoro. Trọng tâm của kĩ thuật này là hướng thời gian (quy định là 25 phút, nhưng có thể thay đổi tuỳ mỗi người) thay vì hướng tới việc hoàn thành công việc. Bên cạnh áp dụng kĩ thuật Pomodoro một cách phù hợp, Barbara Oakley, từ những nghiên cứu được công bố, cũng khuyên chúng ta:
- Coi trọng giấc ngủ. Một giấc ngủ ngon sẽ làm tăng quá trình trao đổi chất giúp thanh lọc bộ não khỏi những độc tố mà chúng ta tích luỹ lúc thức; đồng thời, một giấc ngủ ngon cũng giúp bộ não tạo ra các nơ ron thần kinh mới, giúp cải thiện tư duy, năng lực sáng tạo.
- Thay đổi môi trường quen thuộc, những thứ quen thuộc như đi du lịch, đọc sách với chủ đề đa dạng, các mối quan hệ mới,…giúp chúng ta có suy nghĩ, cách nhìn rộng hơn, tích luỹ nhiều tri thức khác nhau để tạo ra những kết nối mới mẻ.
- Rèn luyện thể chất như chạy bộ, bơi lội, đi bộ,…giúp chúng ta có một bộ não hiệu quả.
Barbara Oakley đưa ra một số phương pháp giúp chúng ta học tập hiệu quả hơn:
- Thường xuyên thực hành với những kiến thức được học để hiểu sâu hơn (làm bài test, bài tập về nhà,…).
- Áp dụng kĩ thuật recall trong quá trình học: đọc, ghi chú, liên tưởng để hiểu sâu vấn đề.
- Học nhóm: học và trao đổi với người khác giúp chúng ta có cái nhìn hay cách hiểu mới mẻ hơn, bao quát hơn.
- Dạy người khác: học cách truyền đạt lại cho người khác một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất cũng là một cách giúp chúng ta hiểu vấn đề sâu hơn. Do đó, hãy thường xuyên chia sẻ những điều mình học được đến người khác.
- Sở thích: học hay làm theo sở thích là một lời khuyên phổ biến, tuy nhiên, cần mở rộng sở thích của mình để có cái nhìn rộng hơn, làm giàu trí óc hơn – thay vì chỉ bám vào một sở thích nào đó dễ dẫn tới lối mòn.
Các tài nguyên được Barbara Oakley trích dẫn giúp chúng ta hiểu sâu hơn:
- A default of brain function: a brief history of an evolving idea.
- Sleep drives metabolite clearance from the adult brain.
- Sleep promotes branch-specific formation of dendritic spines after learning.
Tham gia các khoá học IT và các kĩ năng học tại: www.coursera.org
Ý kiến bài viết