Tôi đã từng nghe qua về Mahatma Gandhi, một nhân cách lớn, một vĩ nhân người Ấn Độ, người đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đấu tranh giành độc lập thông qua con đường Bất bạo động. Thông tin về Gandhi có rất nhiều và có thể dễ dàng tìm thấy nhưng một cuốn tự truyện của chính ông thì thật thú vị.

Mahatma Gandhi

Khi bắt đầu viết tự truyện, theo lời khuyên của một người bạn, Gandhi phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều như chính ông kể lại:” mọi tự truyện đều không đáng xem là sự thật lịch sử. Tôi biết tôi không ghi lại trong truyện này tất cả những gì tôi nhớ được. Ai nói được tôi nên viết ra những gì, bỏ bớt những gì để đúng với sự thật hơn?…Nếu có một người ưa xen lo nào muốn xét lại tôi qua những chương đã viết, người ấy có thể sẽ rọi nhiều ánh sáng hơn vào chúng và nếu người ấy có cái nhìn không mấy thân thiện, anh ta có thể còn tự hào đã vạch rõ mặt “sự rỗng tuếch của nhiều điều tôi tự phụ””. Nhưng rồi ông cũng bắt đầu viết – dù công việc bận rộn không cho phép ông viết nhiều, chỉ một tuần một chương – và xác định rõ mục tiêu của mình: “tôi không định viết một thiên tự truyện thực thụ. Tôi chỉ muốn kể lại những thử thách của tôi về chân lý…Nếu những cuộc thử thách ấy đã mệnh danh là thuộc phạm vi tu tâm thì không thể có chỗ cho sự tự hào; chúng chỉ có thể làm tăng sự khiêm cung. Càng hồi tưởng, càng nhìn về quá khứ bao nhiêu, tôi càng thấy rõ những giới hạn của mình bấy nhiêu.”. Và quả thật, cả cuốn sách được chia thành 5 phần và mỗi phần có rất nhiều đề mục nhỏ, mỗi một đề mục là một “thử thách” của Gandhi kể từ cái lần không nghe lời thầy giáo nhìn trộm vào tấm bảng viết của người bạn bên cạnh để xem cách đánh vần, là nạn nhân của tục tảo hôn, sự tò mò về giới tính và sự hổ thẹn khi nghĩ về chuyện chăn gối với người vợ trẻ khi chăm sóc người cha đang ốm nặng, cố gắng trở thành một người chồng gương mẫu, nỗ lực cải hoá một người bạn, những thử thách về chuyện ăn chay, tôn giáo, tính nhút nhát trước đám đông khi học Luật ở Anh và hành nghề Luật, chuyện nuôi dạy con cái, đối xử với người xung quanh, rèn luyện bản thân ở Nam Phi, cho đến khi trở thành người lãnh đạo nhân dân Ấn đấu tranh giành độc lập. Các thử thách tăng dần độ phức tạp theo từng phần và mỗi một phần lại thể hiện sự trưởng thành của Gandhi cho đến khi trở thành một lãnh tụ kiệt xuất luôn kiên định với niềm tin của mình. Trong cuốn sách, ông cũng đã khẳng định mục đích của cuộc đời ông là : “những gì tôi muốn hoàn thành – những gì tôi đã nỗ lực khát khao hoàn tất suốt ba mươi năm nay – là khát khao tự chứng, khát khao đối mặt cùng Thượng Đế, khát khao đạt đến giải thoát. Tôi sống, di động, tồn sinh trong cuộc săn đuổi cùng đích này. Tất cả những gì tôi làm qua lời nói và viết lách, tất cả những mạo hiểm của tôi trong trường chính trị đều hướng về cùng đích ấy…”.

Mỗi người đọc cuốn sách sẽ rút ra cho mình những bài học và Gandhi đã cho tôi một vài bài học giá trị:

Tình yêu chân lý: cuộc đời là một cuộc đấu tranh vì chân lý và vì chân lý tuyệt đối rất khó nắm bắt nên chúng ta không ngừng học hỏi, trải nghiệm, thậm chí chấp nhận mắc sai lầm miễn chúng ta làm theo đúng lý trí và trái tim. Sống là phụng sự cho CHÂN LÝ.

Sống tiết kiệm,đơn giản, lành mạnh: trong cuốn sách, Gandhi đã kể lại rất nhiều cuộc thử nghiệm của bản thân hướng tới một lối sống đơn giản, tiết kiệm và vận động, nhằm tăng cường sức khoẻ, thanh lọc tâm hồn, và một trí tuệ minh mẫn. Nhờ quá trình “tu luyện”, được ý thức từ khi còn rất trẻ của mình, Gandhi đã luôn giữ được sự điềm tĩnh, sáng suốt, và một sức chịu đựng phi thường trong những ngày tháng đấu tranh gian khổ, và nhất là những lúc nhịn ăn.

Thực hành những điều mình tin tưởng và rao giảng: dù với tư cách một người cha, một người chồng, một người bạn, một người đồng nghiệp, hay một nhà lãnh đạo, Gandhi luôn nói đi đôi với làm. Ông luôn là người đầu tiên hành động làm gương từ ăn kiêng, chữa bệnh, sống tiết kiệm, đối xử công bằng, niềm tin đạo đức, tôn giáo, chính trị v.v…Ông tâm niệm rằng: “tôi phải luôn luôn là bài học cụ thể cho những thiếu nam và thiếu nữ sống với tôi. Như thế họ đã trở thành những thầy giáo của tôi, và tôi học được rằng tôi phải sống ngay thẳng chân thật dù chỉ để làm gương cho chúng”.

Đối xử công bằng, bao dung với những khác biệt: chúng ta thường ác cảm với những cái “khác” chúng ta nhưng Gandhi thì không phải vậy. Ông luôn bao dung và tôn trọng những cái khác biệt, ví dụ ông là người theo Ấn Độ giáo, nhưng không giống những người khác không ngừng hạ thấp tôn giáo khác và đề cao tôn giáo của mình, Gandhi luôn nhận ra những điều tốt đẹp và những điều “cực đoan” trong các tôn giáo, ngay cả Ấn Độ giáo. Thượng Đế của Gandhi không phải là hình ảnh vị Thượng Đế của Ấn Độ giáo, của Kito giáo hay Hồi giáo, mà là Chân Lý. Là một người đi nhiều, tiếp xúc với đủ mọi hạng người, mọi nền văn hoá, Gandhi luôn đối xử công bằng, bao dung, không phân biệt với tất cả, dù không ít lần phải nhận sự tủi nhục, bất công.

Đấu tranh Bất bạo động – đỉnh cao tư tưởng: ở một ý nghĩa rộng nhất (thay vì bó hẹp trong đấu tranh chính trị), đường lối đấu tranh Bất bạo động đã được Gandhi trình bày sống động: “người ta không thể sống được một lúc nào mà không phạm đến sự bạo động một cách hữu thức hoặc vô thức. Ngay cái sự kiện sống của con người – ăn, uống, di chuyển – nhất thiết phải bao hàm một sự bạo động nào đó, một sự phá huỷ đời sống, dù là đời sống nhỏ bé đến đâu. Một người theo đuổi Bất bạo động vì thế chỉ trung thành với niềm tin của anh ta khi mà mọi hành vi của anh ta đều tuôn phát từ lòng thương cảm, khi anh ta cố hết sức để tránh làm hại những sinh vật nhỏ nhít nhất, cố cứu nó, và nỗ lực không ngừng để thoát khỏi cái thòng lọng chết người của bạo động...”.